Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm báo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ảnh: TL |
Ngày 6/6/1953, trong bài “Phải chống bệnh quan liêu…” ký tên C.B., Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bật nhiệm vụ của báo chí là vừa biểu dương cái tốt, vừa phê bình cái chưa tốt: “Các báo chí thì cần nêu những việc kiểu mẫu, phân tách rõ ràng, làm cho mọi người nhận rõ: quan liêu, tham ô, lãng phí là tội ác. Và do đó mà khuyến khích quần chúng, mở rộng phong trào phê bình từ dưới lên”.
Hơn hai tháng sau, ngày 17/8/1953, tại một lớp học ở Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại căn dặn báo chí và người viết báo: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ ta, của nhân dân ta, của bộ đội ta. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”.
Về phương pháp phê bình trên báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh ân cần khuyên: “Khi nhận được phê bình của quần chúng, thì không nên vội đăng, mà phải lựa chọn, điều tra. Khi phải trái đã rõ ràng mới đăng lên báo. Như vậy, phê bình mới có kết quả thiết thực”. Người còn căn dặn: “Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”.
Nhưng báo chí cũng không chỉ đăng bài viết, ý kiến phê bình do nhà báo viết, mà còn có nhiệm vụ không kém phần quan trọng là: “Phải làm cho quần chúng hăng hái phê bình, nhưng đồng thời phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng. Như vậy, thì mối quan hệ giữa báo chí và quần chúng càng thêm chặt chẽ; và việc quần chúng và báo chí giúp giáo dục cán bộ cũng có kết quả hơn”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý báo chí “phải lãnh đạo việc phê bình của quần chúng”, vì báo chí ta là một binh chủng trên mặt trận tư tưởng, nên phê bình trên báo chí cũng phải có sự lựa chọn vấn đề nào cần đưa, vấn đề nào chưa nên đưa, thậm chí không nên đưa lên công luận.
Là nhà báo lão luyện, nên mỗi khi có dịp là Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc nhở báo chí và nhà báo phải nắm vững một đặc trưng quan trọng của báo chí cách mạng là tính trung thực. Mà trong phê bình, tính trung thực lại càng phải được đặt lên hàng đầu, vì phê bình là để “trị bệnh cứu người”, thiếu trung thực thì làm sao bốc được đúng thuốc.
Một khi báo chí đã phê bình “một cách thật thà, chân thành, đúng đắn” trên tinh thần “xây dựng”, “trị bệnh cứu người” thì tập thể, cá nhân được phê bình cũng cần có thái độ đúng mực. Có một vài cán bộ và cơ quan, vì sợ phê bình mà chẳng những không giúp đỡ người viết báo lại còn có thái độ không tốt với họ, thậm chí đi kiện họ trước tòa án. Những hành động như vậy cần phải chấm dứt.
Những điều căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về báo chí và phê bình trên báo chí là vô cùng thiết thực và bổ ích không chỉ với người làm báo, mà với cả mọi người trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.