Tin tức - Hoạt động

Chúa Thánh Thần, nguồn sức mạnh tình yêu

Cập nhật lúc 16:20 13/05/2024
Chính Chúa Giêsu đã mạc khải cho các Tông đồ biết Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa.
Khi Phục sinh đủ 40 ngày thì Chúa về trời và 10 ngày sau Chúa Thánh Thần hiện xuống và ban ơn cho các Tông đồ đề khởi đầu ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Theo lịch Phụng vụ năm nay lễ kính Chúa Thánh Thần vào Chúa nhật 19/5/2024. Lễ này cũng được coi như ngày khai sinh Giáo hội Công giáo, cùng kết thúc mùa Phục sinh hằng năm.
 
Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều.
Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều.
Tìm hiểu về nguồn gốc lễ Thánh Thần hiện xuống, xét qua lịch sử, ngày lễ này mà người Do Thái gọi là Lễ Ngũ Tuần (Penttecost) được cử hành sau Lễ Vượt Qua để nói lên lòng tri ân của họ đối với Thiên Chúa sau khi thu hoạch mùa màng, cũng như về giao ước mà Người đã ký kết với họ qua ông Môi Sen trên núi Si Nai, 50 ngày sau khi đoàn dân Chúa chọn đã vượt biển đỏ xuất hành khỏi Ai Cập.
Đối với người tín hữu qua con mắt đức tin đều nhận biết Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa, luôn hiện diện trong dòng lịch sử của nhân loại ngay từ khi vũ trụ mới tạo dựng, được diễn tả trong hình ảnh “Thần khí Chúa bay là là trên mặt đất” (Kn 1:2) để rồi từ đó Ngài luôn ban ơn xuống cho trần gian, qua những sinh hoạt thiêng liêng trong đời sống của Giáo hội mỗi ngày vượt qua những gian nguy, khốn khó.
Trong mùa Phục sinh, một biểu tượng rõ nét xuất hiện nơi cung thánh mỗi nhà thờ nhắc nhở chúng ta về mùa Phục sinh, đó là ngọn nến Phục sinh được đốt lên trong các nghi lễ Phụng vụ, Ánh lửa từ cây nến Phục sinh nhắc nhở mọi người tín hữu về Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết và Ngài đang sống qua Bí tích Thánh Thể. Sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đánh dấu sự kết thúc của mùa Phục sinh, tức là Mầu nhiệm Vươt Qua gồm sự Thương khó, sự Chết, sự Sống lại và Về Trời của Chúa Giêsu đạt đến cao điểm.
Nơi việc Chúa Thánh Thần được Thiên Chúa Cha sai đến cho các tín hữu, bắt đầu với Mẹ Maria và các môn đệ của Chúa Giêsu tụ họp ở Giêrusalem xưa, “thì bỗng xẩy đến tự trời một tiếng rào rào như thể cuồng phong thổi đến, vang dậy cả nhà, nơi họ đang ngồi,và họ thấy những lưỡi như thể là lửa, phân tán dần mà đậu trên mỗi người họ, và hết thảy họ được đầy Thánh Thần và bắt đầu nói những tiếng lạ, tùy theo thần khí ban cho họ phát ngôn” (Cv 2: 2- 4), cho đến chúng ta ngày hôm nay qua phép Thêm sức để lãnh 7 ơn Chúa Thanh Thần khi đến tuổi khôn, thông lệ do Đức Giám mục trao ban.
Sau lễ Chúa Thánh Thần, cây nến Phục sinh sẽ rời khỏi cung thánh, và chỉ đem ra sử dụng khi có nghi thức Rửa tội, được đốt lên và châm nến cho những người lãnh Bí tích. Trong  lễ nghi an táng, nến Phục sinh được đặt gần quan tài, để nói lên rằng cái chết của người Kitô hữu là một cuộc vượt qua đích thực.
Các sách Phúc Âm và Tông đồ Công vụ đều ghi nhận rằng Chúa Giêsu đã chịu chết trên cây Thánh giá, sau 3 ngày sống lại, gặp lại môn đệ tại các nơi khác nhau trong suốt 40 ngày, bởi vậy theo Kitô giáo Tây phương, lễ Phục sinh thường được cử hành rơi vào Chúa nhật giữa 22 tháng 3 cho đến khoảng 25 tháng 4 hằng năm. Tiếp theo mừng Chúa Thăng Thiên, kế đến Lễ Hiện Xuống. Một vài nơi còn có tục lệ vào buổi sáng Lễ Hiện Xuống, người ta thức dậy thật sớm để ngắm mặt trời lên và cùng nhau dùng bữa trưa đặc biệt, hay tổ chức đi du ngoạn cho cả gia đình.
Mùa Phục sinh đã qua, nhưng với sức mạnh tình yêu nhờ bảy ơn Chúa Thánh Thần ban cho, mỗi người trong chúng ta sẽ trở thành ánh sáng sống động tràn đầy lửa mến, luôn biết mở lòng hằng ngày sống hy sinh, can đảm tuyên xưng đức tin “Mến Chúa - Yêu người “ trong cuộc đời của chúng ta, cùng ước mong nguyện xin tha thiết:
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến và đổ tràn đầy trong tâm hồn các tín hữu ngọn lửa tình yêu! Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến tái tạo các tín hữu và canh tân bộ mặt trái đât! Amen”. (Ca Tiếp LIên)
Qua sự tác động của Ngôi Ba Thiên Chúa, trong niềm hân hoan phấn khởi đặc biệt trong ngày lễ này, chúng ta có thể đem niềm tin hy vọng của Chúa Kitô lan rộng trong thế giới hôm nay, như lời Chúa truyền trước khi về trời: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, thanh tẩy họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt: 28:19). Như một ơn gọi để cùng mọi dân tộc hát mừng chúc tụng Thiên Chúa... Halleluia! 
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Mẹ ơi! Tháng Hoa lại về (13/05/2024)
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ: Là kết tinh sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc (13/05/2024)
Vệ binh Thụy Sĩ Vatican - những người trực tiếp bảo vệ Đức Giáo hoàng (07/05/2024)
Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Nguyễn Thị Thu Hà dâng hương tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp (07/05/2024)
Đại lễ 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/05/2024)
Tình quân dân trên đất Điện Biên những ngày tháng 5 lịch sử (05/05/2024)
Về với Sơn La - Về với Điện Biên (03/05/2024)
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 60.000 thành viên Công giáo Tiến hành của Ý (27/04/2024)
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: Tránh sốc nhiệt do nắng nóng (27/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log