Tin tức - Hoạt động

Về với Sơn La - Về với Điện Biên

Cập nhật lúc 10:38 03/05/2024
Những ngày này, khi cả nước đang hướng về Điện Biên với cột mốc 70 năm Ngày chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, về thăm lại những di tích lưu dấu ký ức hào hùng là hoạt động ý nghĩa nhắc nhớ chúng ta về thắng lợi vẻ vang của thế hệ cha ông ta.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên - nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên - nơi tôn vinh giá trị lịch sử của chiến thắng lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu.

Tôi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Đoàn kết Công giáo quận Thanh Xuân (Hà Nội) mời tham gia chuyến đi thăm lại các di tích lịch sử ở Sơn La, Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biện Phủ (1954-2024) cũng như giao lưu với các xứ đạo ở miền Tây Bắc. 
Anh hướng dẫn viên du lịch cho biết, đi Sơn La, Điện Biên mùa này là đẹp nhất vì không nắng, không rét, không mưa. Quả vậy, đường đi lên Sơn La dày đặc xe và khách du lịch nhất là các bạn trẻ. Điểm dừng chân ở núi Đá Trắng chật ních, khó mà tìm được chỗ chek in. Đến thành phố Sơn La thấy đường phố khá rộng và đẹp nhất là ven đường có nhiều bụi tre rừng khổng lồ. Chúng tôi đến thăm nhà tù Sơn La - Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Nhà tù nằm trên đồi Khau Cả, được xây dựng từ năm 1908 có diện tích 500 m2. Nhưng do phong trào đấu tranh của Việt Minh mạnh lên, người bị bắt nhiều, thực dân Pháp đã ba lần mở rộng nhà tù lên tới 2000 m2 và đổi thành Địa ngục Sơn La. Từ năm 1930-1945, Pháp đã đưa lên 14 đoàn tù chính trị với hơn 1.000 người trong đó có nhiều nhà cách mạng như Trường Chinh, Tô Hiệu, Nguyễn Lương Bằng, Khuất Duy Tiến, Xuân Thủy, Nguyễn Văn Trân… Một phòng giam chừng 20 m2 mà có tới 40 phạm nhân. Sàn nằm là đá. Phải nói, đấy chính là nơi tra tấn phạm nhân bằng giá rét và bệnh sốt rét. Chúng tôi đến thăm cây đào Tô Hiệu và thắp hương cho người chiến sĩ anh hùng đã làm Bí thư chi bộ trong tù khi mới 28 tuổi và hy sinh khi tròn 32 tuổi đời. Nhưng ngục tù cũng là trường học của những người cộng sản. Họ bí mật ra báo, mở lớp tuyên truyền về chủ nghĩa Mác- Lênin ngay trong tù. 
 
Bên cây đào Tô Hiệu tại Di tích lịch sử nhà tù Sơn La.
Bên cây đào Tô Hiệu tại Di tích lịch sử nhà tù Sơn La.
Đến thăm giáo xứ Sơn La, do linh mục Giuse Nguyễn Văn Thành coi sóc từ năm 2021 đến nay. Linh mục Giuse trước đây coi sóc ở Lào Cai, cha là nghĩa tử của cha cố Antôn Dương Phú Oanh - Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Thành phố Hà Nội. Cha mới về giáo xứ được hơn 2 năm, nhưng đã làm được khối lượng công việc khổng lồ. Quy tụ được hơn 350 giáo dân, làm con đường dài hơn 500m từ đường Điện Biên vào nhà thờ. Nhà thờ nhỏ cũng mới làm, nhà xứ vừa mới xây xong có tháp chuông bằng sắt, rộng rãi, khang trang có nhiều phòng khách. 
 
Nhà thờ giáo xứ Sơn La
Nhà thờ giáo xứ Sơn La
Để quy tụ giáo dân, cha Giuse đi đến từng bản gặp gỡ, hầu hết họ là người vùng Nam Định, Thái Bình, Hà Nội lên đây làm ăn, lập nghiệp. Cũng có người đi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ về Sơn La rồi xây dựng gia đình và ở tại đây. Điểm chung của họ là gốc đạo nhưng không sinh hoạt tôn giáo đã lâu vì không có nhà thờ, không có linh mục. Có cụ già hơn 70 tuổi, nhà ông không mắc điện vì có khách bao giờ đâu mà điện với đóm. Cha Giuse đến thăm ông. Người ta báo: cha đến. Ông bảo, xứ này làm gì có cha với cụ, đừng có nói dối ông. Cha Giuse đến. Ông kể, ông từng được Đức cha Giuse Phạm Năng Tĩnh ở Bùi Chu làm phép cưới. Vài lần tâm sự, ông vui vẻ đến nhà thờ và ngỏ ý muốn dâng tặng nhà thờ một cây đàn organ để ca đoàn hát lễ. 
Tập tục người H’Mông ở đây còn các hủ tục như tục bắt vợ, thách cưới nhiều tiền làm khó cho nhiều thanh niên, có con mà không có tiền đón vợ con về. Rồi người chết cứ để dựng trong nhà, con trai mỗi ngày, một người thay nhau đút cơm cho xác chết, cơm đổ xuống nền nhà càng nhiều càng có hiếu. Người viếng thì đến uống rượu say nằm nghiêng ngả. Tỉnh lại uống. Rất mất vệ sinh và tốn kém. Cha Giuse đi từng nhà, tìm hiểu từng trường hợp gỡ ra dần dần. Người Công giáo bỏ hủ tục trước. Người khác thấy văn minh, không tốn kém, mất thời giờ nên học theo và đến với đạo.
Dĩ nhiên cũng còn nhiều khó khăn lắm. Sơn La có 8 giáo xứ nhưng chính quyền mới công nhận 2 xứ là Mộc Châu và Mường La. Cha Giuse đề nghị công nhận giáo xứ Sơn La. 
Vượt qua đèo Pha Đin dài 32 km, đi tiếp 70 km nữa là tới Điện Biên. Đoàn được bố trí nghỉ ở khách san Him Lam rất sang trọng. Chúng tôi đi thăm ngay các di tích lịch sử nổi tiếng của chiến dịch Điện Biên Phủ như đồi A1, hầm Đờ Cát, Sở chỉ huy chiến dịch Mường Phăng, Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ, tượng đài quyết chiến, quyết thắng…Những địa danh này đều được ghi trong sách giáo khoa và đài báo nói nhiều. Nhưng khi đặt chân đến mới thấy xúc động làm sao? Từng cm2 đất nơi đây đều thấm đẫm máu xương của cha ông. Trận chiến đấu ở đồi A1 đã tiêu diệt 375 quân địch và gây thương vong cho 452 tên khác. Đến hầm De Castries, cô hướng dẫn viên giới thiệu chi tiết làm cho mọi người sống lại cảnh viên tướng Pháp cùng đoàn tùy tùng đi ra khỏi hầm giơ tay đầu hàng các chiến sĩ Việt Nam. Vào Bảo tàng Điện Biên Phủ, mọi người xúc động và kinh ngạc với bức tranh sơn dầu Panorama dài 132m, cao 9m, rộng tới 3250 m2 với 4 trường đoạn: Toàn dân ra trận, Khúc dạo đầu hoành tráng, Cuộc đối đầu lịch sử, và chiến thắng Điện Biên. Bức tranh phác họa 4.500 nhân vật có thật. Bức tranh do họa sĩ Nguyễn Văn Mạc tổng chỉ huy 100 họa sĩ trẻ làm việc ròng rã trong 2 năm và hoàn thành năm 2021. Lên thăm Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Bây giờ đường đi đã lát đá, bắc cầu cho du khách dễ đi mà mọi người cũng thấy mệt. Vậy mà cách đây 70 năm trước, các chiến sĩ phải lội suối, băng rừng mà đi mới thấy vất vả đến nhường nào!
 
Đoàn thăm hầm De Castries- dấu ấn chiến thắng lẫy lừng của trận Điện Biên Phủ.
Đoàn thăm hầm De Castries- dấu ấn chiến thắng lẫy lừng của trận Điện Biên Phủ.
Thăm giáo xứ Điện Biên
Thăm giáo xứ Điện Biên
Chúng tôi ghé thăm giáo xứ Điện Biên, cha xứ Giuse Nguyễn Ngọc Ngoạn cũng phải vài lần hẹn mới gặp được vì đang đi làm lễ xa lắm. Cả tỉnh Điện Biên được công nhận là một giáo xứ. Đi từ đầu đến cuối xa 600 km. Có khi đi xa 70 km mà dâng lễ cũng chỉ có 3-4 người dự vì giáo dân sống xa nhau lắm. Cha Giuse là chính xứ, có 7 linh mục phó nữa. Nhà thờ giáo xứ Điện Biên đặt ở xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, được xây trên đất mượn của một giáo dân. Một ngôi nhà nguyện xinh xắn, có ghế ngồi khá đẹp có chỗ cho vài trăm người. Đoàn xin chụp hình với cha Giuse ngay tượng đài Đức Mẹ La Vang. Chúng tôi gửi cha Giuse chút quà giúp các học sinh khó khăn. Giáo xứ đang nuôi gần 20 trẻ em học nội trú và giúp đỡ 150 em bán trú ở Mường Nhé nữa. Cha Giuse mời mọi người vào nhà thờ cầu nguyện trước Thánh Thể để cha ban phép lành chúc bình an cho đoàn lên đường.
Điện Biên những ngày này đông đúc như một trung tâm du lịch. Nhiều đoàn, nhiều người đến Điện Biên dịp này. Nhà nghỉ, khách sạn đều treo biển: Hết phòng. Có nhóm du lịch báo nhau: đi du lịch bụi: Nằm vỉa hè, ăn cơm hộp và uống nước suối. Nhưng không ai muốn bỏ lỡ dịp kỷ niệm lịch sử này. Những chùm hoa ban trắng đỏ vẫn rực rỡ tất cả đường đi, công viên hân hoan đón chào du khách về Điện Biên dự lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử (1954-2024).
TS. Phạm Huy Thông
Thông tin khác:
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ 60.000 thành viên Công giáo Tiến hành của Ý (27/04/2024)
Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5: Tránh sốc nhiệt do nắng nóng (27/04/2024)
Người Công giáo miền Nam sau sự kiện 30/4/1975 (24/04/2024)
Chúng ta luôn thể hiện Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến trong khi chờ đợi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha (24/04/2024)
Yêu mến “người nhà Chúa” (24/04/2024)
Tri ân công đức tổ tiên, giữ bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ (17/04/2024)
Sâu lắng Điện Biên (17/04/2024)
Gặp mặt, tri ân những nhân chứng sống làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (17/04/2024)
Chuyến thăm của tình yêu thương và thúc đẩy quan hệ tốt đẹp Việt Nam- Tòa Thánh Vatican (14/04/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log