Tin tức - Hoạt động

Chuyện làm báo tết

Cập nhật lúc 12:11 20/02/2019
Ở phương Tây không có báo Tết. Còn ở Việt Nam, đã thành thông lệ, ngày Tết ngồi bên tách trà thơm, nhâm nhi miếng mứt gừng ấm nồng và thưởng thức những trang báo Tết trở thành một nét đẹp tao nhã...
Báo Tết đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu khi xuân về. Báo Tết cũng giống như cỗ Tết, chỉ khác, là cỗ tinh thần. Là “cỗ” có nghĩa phải đặc biệt, hơn hẳn ngày thường, chất liệu phải hảo hạng, món ăn phải sung túc, bày biện phải đẹp mắt, hấp dẫn. Và cỗ Tết, dù có cải biến đến đâu cũng không thể thiếu những món ăn truyền thống: Bánh chưng, giò chả, thịt gà... Trước đây, mâm cơm hàng ngày ít dư thừa cá thịt, bao nhiêu tinh túy của ẩm thực gia đình người Việt dồn hết vào mâm cỗ ngày Tết. Nhưng vài năm trở lại, nhiều nhà bắt đầu ngại làm cỗ Tết, ăn uống giảm xuống, tăng cường đi chơi, đi du lịch... Làm báo Tết giờ đây cũng khó khăn như làm cỗ Tết thời nay.
 
Báo Tết là sản phẩm tinh thần được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như độc giả quan tâm.
Báo Tết là sản phẩm tinh thần được lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng như độc giả quan tâm.

Báo Tết vừa thể hiện sự đánh giá nhìn nhận, tổng kết cả năm, có dự cảm cho năm mới, thường được chuyển tải nhiều nội dung văn hóa văn nghệ. Báo Tết còn là nơi quy tụ những cây viết tên tuổi, những bài viết và hình ảnh đặc sắc để khi đến tay độc giả, số báo Tết thật sự là ấn phẩm đẹp nhất trong năm của các tòa soạn. Đây cũng là nơi để các nhà báo xuất bản những tác phẩm, những vấn đề ấn tượng được chiêm nghiệm trong cả một năm với biết bao công sức và tâm huyết. Làm thế nào để có những tác phẩm mới, hay và hấp dẫn bạn đọc và quan trọng là hợp với khẩu vị độc giả trong những ngày Tết là điều băn khoăn lớn nhất của phóng viên, biên tập viên cho đến lãnh đạo tòa soạn. Cuối năm, nhắc đến chuyện làm báo Tết cả cơ quan lại rộn ràng lên không khí làm việc khẩn trương giống hệt với cái không khí chuẩn bị mâm cỗ chiều 30 Tết của mỗi gia đình. Làm báo Tết vui, nhưng rất bận rộn!

Những ngày cuối năm, cường độ công việc ở các tòa soạn “căng” lên vừa ra báo ngày, lại phải khẩn trương hoàn tất báo Tết trong một thời gian ngắn. Ban Biên tập, các biên tập viên, kỹ thuật viên, hoạ sỹ nhiều lúc phải thức thâu đêm. Còn cánh phóng viên cũng đầu tư nhiều cho các bài viết, nội dung tuyên truyền, phối hợp với cơ sở để cùng “chung vui” vào số báo Tết.

Cả năm lao động báo chí, ai cũng muốn có được bài đăng vào số Tết để khoe với bạn bè, để mang biếu tặng người thân. Việc chuẩn bị cho báo Tết được tiến hành trước cả 3 - 4 tháng. Thế nên, chắc chắn những tin tức thời sự nóng hổi (đặc trưng của báo chí) không thể có, thay vào đó là những bài viết mang tầm tổng quát, định hướng hoặc đậm cảm xúc, mang tính giải trí và suy ngẫm. Những bài viết hợp với quãng thời gian nghỉ ngơi của ba ngày Tết để độc giả vừa đọc, vừa ngẫm ngợi khi khám phá được những điều thú vị.
 
Độc giả háo hức đọc báo Tết.
Độc giả háo hức đọc báo Tết.

Cơ quan báo chí nào cũng muốn đầu tư cho số báo Tết thật tươm tất nhất từ trang bìa cho đến các trang nội dung. Các ấn phẩm Tết đều tập trung nhìn nhận lại một năm đã đi qua, như một cách để cùng nhau tính sổ thời gian vừa đi qua, cũng là để toan tính trong năm mới. Ngoài ra, ấn phẩm xuân không thể thiếu những bút ký, phóng sự hấp dẫn, để người đọc nhâm nhi trong ngày Tết; rồi những bài viết mang đậm hương vị xuân đang đến trên các miền đất nước; những bài về năm con giáp mới… Đây là những bài viết được tuyển chọn, thường là của những cây bút có tên trong làng văn, làng báo.

Tư duy làm báo Tết có phần nào bắt nguồn từ tư duy cố hữu của người Việt là luôn muốn dành cái hay nhất, cái tốt nhất, cái đẹp nhất cho dịp Tết. Bởi thế, đối với bất kỳ tòa soạn nào, báo Tết luôn là số báo đẹp nhất, được chuẩn bị công phu nhất và tập hợp những bài viết tinh hoa nhất trong cả năm.

Tính chất thuần Việt đậm nét nhất phải kể đến là dấu ấn của văn hóa hội hè - nét văn hóa tiêu biểu của người Việt trên những trang báo Tết. Điều đó thể hiện ở màu sắc được sử dụng trong tờ báo: Dù báo Tết đã có từ hàng chục năm nay nhưng hai màu vàng - đỏ (biểu trưng cho lễ hội, cho hạnh phúc và phồn vinh) vẫn là gam màu phổ biến nhất của báo Tết. Nét văn hóa hội hè còn thể hiện ở chỗ báo Tết là số báo tập hợp nhiều cây bút nhất. Thơ, truyện ngắn, chùm ảnh, tranh vui... là những thể loại được ưa chuộng khi làm báo Tết.

Văn hóa truyền thống còn biểu hiện trên các trang báo viết qua những bài viết về phong tục Tết xưa, những cái Tết lịch sử... Với cách làm này, báo chí cũng góp một phần lưu giữ ký ức dân tộc, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Không chỉ có báo in mà cả báo hình, báo phát thanh, báo mạng, báo ảnh đều đầu tư công phu cho những tin, bài, chương trình phát sóng dịp Tết để phục vụ công chúng.

Báo Tết là đặc sản trong năm của làng báo đưa ra mời bàn dân, mời cộng đồng đọc, nghe, nhìn thưởng thức trong dịp Tết... Hệt như là thứ nếp dẻo, gạo thơm, dành dụm chăm bẵm cả năm của người làm nông chuẩn bị công phu mà dâng cúng ông bà tổ tiên, thần phật. Cũng linh thiêng, cũng trân trọng như nhau.

Báo Tết luôn là các ấn phẩm đặc biệt, một món ăn tinh thần được gửi tới các chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo xa xôi đang ngày đêm canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc. Báo Tết còn là món quà gửi tới những người sống xa quê hương, nơi luôn cần các thông tin văn hóa, hoạt động truyền thống của quê hương mỗi dịp xuân về...

Cận kề ngày đưa số báo Tết vào nhà in, cả cơ quan rộn ràng như hội. Các phòng ban đều tập trung cao để có được một số báo Tết hoàn thiện nhất. Ban Thư ký bận rộn với những khâu cuối cùng để đứa con tinh thần của cả tòa soạn được đưa vào nhà in. Cả Ban “nín thở” chờ lãnh đạo nhắn tin “Ok” đưa báo đi nhà in mới có thể thở phào... Khi nhìn thấy tờ báo Tết vừa in xong ra sạp, đến tay độc giả, thì những vất vả của mọi người như tan biến. Cầm trên tay cuốn báo Tết, lật giở từng trang báo, lòng rộn ràng niềm vui.

Vài năm trở lại đây, khi mạng xã hội phát triển như vũ bão, các bạn trẻ truyền nhau trò chơi làm “báo Tết” trên Facebook lôi kéo được đông đảo cộng đồng cư dân mạng tham gia. “Báo Tết” của cư dân Facebook là một trang giấy có ghi ngày xuất bản đàng hoàng, có tiêu đề chính viết theo lối thư pháp uốn lượn, có một câu chúc “Tống Cựu Nghênh Tân” tốt lành ngay trên đầu trang và đặc biệt nội dung là những mục nhìn lại hoạt động Facebook năm qua chẳng khác nào những tờ báo Tết chân chính.

Trang “báo Tết” này sẽ giúp chủ nhân tổng kết lại xem năm qua mình đăng được bao nhiêu bài, thu hút được bao nhiêu like (thích) và comment (bình luận). Hơn nữa, chủ nhân của trang báo cũng sẽ biết được bạn nam nào like mình nhiều nhất, bạn nữ nào like mình nhiều nhất. Cùng với đó là những mục nho nhỏ rất hay như bức ảnh được like nhiều nhất, bức ảnh tốn nhiều giấy mực nhất năm (được bình luận nhiều nhất), câu nói hay nhất năm (được like nhiều nhất).

Vân Khánh
Thông tin khác:
Sưu tập tem - "Vua của các loại sưu tập" (19/02/2019)
Ngày tết người Công giáo bàn về đạo hiếu (18/02/2019)
"Đồng bào Công giáo ngày càng góp phần tích cực vào sự phát triển của đất nước” (18/02/2019)
Tôi phó dâng mọi sự trong tay Chúa… (18/02/2019)
Tổng kết phong trào thi đua xây dựng xứ họ đạo tiên tiến trong đồng bào Công giáo Thủ đô (15/02/2019)
Cơ sở thờ tự tham gia bảo vệ môi trường (15/02/2019)
Tuyên ngôn liên tôn bảo vệ phẩm giá con người (13/02/2019)
Tết đến mọi người, Tết đến mọi nhà (13/02/2019)
Tòa Thánh tái kêu gọi săn sóc sức khỏe cơ bản cho mọi người (31/01/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log