Hơn nữa, việc hình thành và phát triển của tổ chức còn có sự đồng thuận và ủng hộ từ phía Nhà nước để hướng các hoạt động Công giáo qua tổ chức này ngày một gắn bó với Dân tộc, thích ứng và hội nhập tích cực vào những điều kiện chính trị xã hội mới của đất nước sau năm 1975. Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023. |
- Công đồng Vatican II Công đồng Vatican II đã mở ra cánh cửa đối thoại với thế giới, trong đó có những người Cộng sản. Điều này đã làm cho Giáo hội Công giáo nói chung và người Công giáo Việt Nam có những cơ sở để ngồi lại với chính quyền và các thành phần xã hội tôn giáo khác, trên nền tảng dân tộc, thống nhất đất nước, vì mục tiêu chung của quốc dân. Công đồng Vatican II vào khá sớm ở miền Nam Việt Nam. Hàng Giáo phẩm đã tiếp xúc sớm với các tinh thần của Công đồng Vatican II, việc tiếp xúc này đã tạo tiền đề cho các chuyển đổi trong lòng Giáo hội mà trước tiên là cộng đồng Công giáo miền Nam, qua một số điểm nổi bật:
- Công đồng cũng có những cải tổ về nghi lễ phụng vụ, từ đó đặt ra cho người Công giáo và Hàng Giáo phẩm đường hướng sống đạo theo một tinh thần Việt Nam, theo cung cách văn hoá Việt Nam, gắn với hoàn cảnh đất nước và dân tộc, chia sẻ với các tiến trình của dân tộc. Việc sống đạo theo tinh thần Công đồng đòi hỏi người Công giáo phải dấn thân vào những hoàn cảnh mới, đôi khi là khó khăn và đầy thử thách, chưa có tiền lệ trước đó. Nhưng cũng chính từ những thử thách đó đã làm cho đức tin trưởng thành và không lệ luật.
- Công đồng Vatican II đã đem tới một tinh thần đối thoại và hội nhập mới, từ đó thúc đẩy Giáo hội địa phương phải tìm ra những phương cách mục vụ phù hợp với hoàn cảnh của mình, gắn bó hơn với vận mệnh dân tộc. Từ đó đặt ra vấn đề người Công giáo cần phải làm gì để dấn thân mạnh mẽ và triệt để hơn nữa với bối cảnh đời sống đã có nhiều chuyển biến đổi thay, từ đó làm cho Tin Mừng lan tỏa mà không lệ thuộc vào hoàn cảnh.
- Điểm lưu ý là: Công đồng Vatican II đã chuyển tải vào những gương mặt trí thức Công giáo Việt Nam tiêu biểu chủ yếu là miền Nam, từ đó tạo ra tiền đề để dẫn dắt cộng đồng Dân Chúa không bị xáo trộn. Các gương mặt tiêu biểu phải kể đến Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình, cho đến những vị như: Lý Chánh Trung, Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, linh mục Phêrô Trương Bá Cần, Tôma Thiện Trần Minh Cẩm, Phêrô Phan Khắc Từ… Những trí thức Công giáo tiêu biểu này đã góp phần tạo ra những tiền đề lý luận và hành động thực tiễn để người Công giáo gắn bó hơn với dân tộc, Công giáo ngày càng đồng hành cùng dân tộc, Công giáo thích ứng với môi trường chủ nghĩa xã hội vv…
Đại hội các Giám mục toàn quốc, tổ chức tại Thủ đô Hà Nội, từ 24/4 đến 1/5/1980. |
- Tình thần Thư chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam Yếu tố quan trọng của bức Thư chung năm 1980 này là đã tạo ra tiền đề lý luận khẳng định đường hướng hành đạo của Giáo hội Công giáo Việt Nam là gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.
Từ góc độ lịch sử, chúng ta có thể khái quát tiến trình “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” trong ba khía cạnh của đời sống dân tộc Việt Nam:
Dưới góc độ văn hóa: “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” đã được đặt ra ngay từ khi Công giáo mới du nhập vào Việt Nam, đòi hỏi Công giáo phải có sự hội nhập với nền văn hóa bản địa. Quá trình đồng hành với văn hóa dân tộc vẫn diễn ra một cách khách quan trong suốt tiến trình lịch sử theo hướng: Vừa bồi đắp thêm các giá trị văn hóa mới cho văn hóa dân tộc, vừa vay mượn, lồng ghép các hình thức văn hóa dân tộc trong thực hành lối sống đạo. Nhưng về mặt nhận thức quan phương (qua văn kiện mang tính định hướng) thì dấu mốc này thực sự được đánh dấu bằng Thư chung năm 1980.
Đường hướng này tiếp tục được khẳng định trong các giai đoạn tiếp theo của lịch sử phát triển Công giáo ở Việt Nam.
Dưới góc độ xã hội: Đó là việc tham gia của các tổ chức Công giáo vào trong các lĩnh vực công như y tế, giáo dục và an sinh xã hội.
Dưới góc độ chính trị: “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” được đặt ra trước những nhiệm vụ chính trị của dân tộc, đặc biệt là vấn đề bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, chống lại các thế lực xâm lược.
Như vậy, từ trong lịch sử “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” vốn dĩ đã là một mạch ngầm chảy, được một bộ phận người Công giáo ý thức ngay trong chế độ phong kiến khi họ bị thực dân xâm lược. Nó được hình thành trên cơ sở của ý thức độc lập, tự cường dân tộc và tinh thần yêu nước của bộ phận người Công giáo ở Việt Nam.
Nhìn nhận theo góc độ lịch sử, chúng ta thấy một số nội hàm quan trọng trong khái niệm “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” như: Hội nhập với văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên tinh thần yêu nước, tham góp vào các dịch vụ công của xã hội… Cũng dưới góc độ lịch sử cho thấy một điểm là tư tưởng “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” ra đời từ rất sớm. Song, quá trình vận động của tư tưởng đó cũng không tách rời tính lịch sử cụ thể của từng thể chế hoặc đường lối chính trị đó.
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết lương - giáo Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta, các thế lực thực dân, đế quốc thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng. Bởi vậy muốn cách mạng thành công cần phải tăng cường đoàn kết lương - giáo, đoàn kết người tôn giáo và người không tôn giáo để tạo ra sức mạnh đoàn kết, chống lại âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo là tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người thoát khỏi nô dịch, áp bức, của thực dân đế quốc.
Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà độc lập, trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết”.
Người kêu gọi toàn dân, lương và giáo xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tư tưởng: đoàn kết lương - giáo, chủ trương “Lương giáo đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thắng lợi. Với việc xác định mục tiêu rõ ràng, mà Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc thắng lợi.
Tư tưởng đoàn kết tôn giáo của chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở để thành lập những tổ chức tiền thân của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Tiêu biểu phải là Uỷ ban Liên lạc toàn quốc những người Công giáo Việt Nam yêu Tổ quốc yêu hoà bình được thành lập vào tháng 03 năm 1955.
- Quan điểm của Đảng về tôn giáo và công tác tôn giáo Đây cũng là một nền tảng quan trọng từ phía chủ thể quản lý Nhà nước với các tôn giáo trong đó có Công giáo. Trước thời kỳ Đổi mới, quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán: Đảm bảo quyền tự do tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào của người dân. Mặt khác các quan điểm của Đảng cũng nhấn mạnh tới chủ trương đoàn kết tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn coi đồng bào Công giáo là một bộ phận cấu thành của khối đại đoàn kết dân tộc và là lực lượng của cách mạng, của tiến trình xây dựng và phát triển đất nước.
Sang thời kỳ Đổi mới từ sau năm 1990 với chủ trương thay đổi nhận thức về tôn giáo và công tác với tôn giáo đã tạo ra tiền đề lý luận quan trọng cho việc khẳng định vai trò của các tổ chức tôn giáo với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, trong đó có Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Các luận điểm đổi mới của Đảng phải kể đến việc khẳng định nhu cầu tôn giáo của nhân dân, giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo và coi công tác tôn giáo chủ yếu là vận động quần chúng và là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Uỷ ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hình thành và phát triển cho đến nay, luôn dựa trên nền tảng Công giáo, đặc biệt là tinh thần Công đồng Vatican II và Thư chung năm 1980. Đó là những cơ sở lý luận quan trọng để Uỷ ban tồn tại và phát triển bên cạnh bề dày là những tổ chức tiền thân mang tinh thần yêu nước của người Công giáo Việt Nam trước đó.
Trong quá trình hoạt động, Uỷ ban luôn được sự giúp đỡ của chính quyền và Mặt trận. Điều đó càng làm cho hoạt động Uỷ ban phát huy vai trò hiệu quả tốt nhất. Và chính những đóng góp qua thực tiễn hoạt động của Uỷ ban, lại tạo ra những tiền đề cơ bản và sinh động để người Công giáo tự tin từ nền tảng đạo của mình để dấn thân vào đời một cách tích cực nhất, đóng góp hữu ích cho xã hội.