Từ các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Trung ương và tỉnh, cùng với việc vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ và cách làm để chuyển đổi kinh tế, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến người dân tộc thiểu sốthi đua sản xuất, kinh doanh giỏi,.
Với 5 ha đất trước kia chỉ trồng mỳ, anh Lý Văn Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê (Đắk Glong) mạnh dạn chuyển sang trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và rau màu các loại. Tranh thủ các nguồn vốn vay của Nhà nước, anh Hiếu gây dựng được 1 ha hồ tiêu, 2 ha cà phê, 1 ha chanh dây, gần 150 cây sầu riêng. Đồng thời, anh còn chăn nuôi gà, dê sinh sản, trồng nhiều loại rau màu để vừa cải thiện đời sống, vừa lấy ngắn nuôi dài, tăng thêm thu nhập. Với mô hình kinh tế của mình, anh Hiếu có nguồn thu ổn định hơn 500 triệu đồng/năm. Mô hình vườn mẫu của trở thành mô hình tiêu biểu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của xã. Anh Lý Văn Hiếu, dân tộc Tày ở thôn Tân Tiến, xã Quảng Khê (Đắk Glong) làm giàu từ mô hình sản xuất đa cây, đa con |
Cũng tại xã Quảng Khê (Đắk Glong), gia đình ông K’Sớ ở bon B’Dơng, với mô hình trồng trọt và chăn nuôi bò cho thu nhập cao và ổn định, bình quân 900 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho 7 lao động, Ông K’Sớ giúp đỡ 5 hộ nghèo cùng phát triển sản xuất để thoát nghèo. Hay trường hợp bà H’Loan (B Ya), dân tộc M’nông ở bon Sa Nar, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có thu nhập bình quân 1,5 tỷ/năm; giúp đỡ được 21 hộ nghèo; tạo việc làm cho 25 lao động; giúp đỡ vốn sản xuất cho 190 hộ tại địa phương…
Bà Y Thị Loan, dân tộc Mường, bon B’Dơng, xã Đắk Som (Đắk Glong) có 7 năm liền (2015 – 2021) đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và 4 năm liền (2018 – 2021) đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp Trung ương. Gia đình bà có thu nhập hơn 900 triệu đồng nhờ trồng trọt cà phê, hồ tiêu kết hợp chăn nuôi gà, heo rừng.
Trong quá trình sản xuất, bà sẵn sàng chia sẻ các kinh nghiệm làm ăn để cùng nhau phát triển kinh tế; nâng cao đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nhằm tạo điều kiện và giải quyết việc làm cho các hộ khó khăn ở địa phương, bà hướng dẫn cho 10 hộ dân về chăn nuôi gà và heo rừng. Trong đó có 4 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ và 6 hộ là người dân tộc Mông ở khu vực Đắk Nang. Bà còn hỗ trợ phân gà cho một số hộ DTTS để chăm bón cây trồng.
Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông, những năm gần đây, từ các chính sách phát triển kinh tế- xã hội của Trung ương và tỉnh, cùng với việc vận động đồng bào các dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ và cách làm để chuyển đổi kinh tế, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến người dân tộc thiểu sốthi đua sản xuất, kinh doanh giỏi,. Nhiều hộ DTTS thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ các hộ nghèo về vốn, giống, lao động, kỹ thuật. Các hộ khá, giàu đã giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, giống, kỹ thuật, ngày công lao động… , góp phần tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Toàn tỉnh Đắk Nông có 191 hộ nông dân đồng bào DTTS được công nhận đạt danh hiệu “Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh” giai đoạn 2017 – 2022. Đây cũng là lực lượng nòng cốt, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Qua đó góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở.
M Doanh
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com