Nhà thờ giáo xứ Bạch Câu. Ảnh: CTV |
Nhà thờ giáo xứ Bạch Câu nằm trên địa bàn xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây đã đi vào thi ca với sự trù phú của một miền quê sống bằng nghề chài lưới trên sông, trên biển và nghề nông.
“Đồn rằng Chùa Sõi lắm tiên
Bạch Câu lắm cá, Thạch Tuyền lắm quan”
Giáo xứ Bạch Câu được hình thành gắn liền với những giai thoại đẹp và những nét văn hóa dân gian truyền thống lâu đời như lễ hội cầu Ngư, di tích Nghè Hậu... Trên mảnh đất này, bà con giáo dân đã gây dựng nên đời sống đức tin mạnh mẽ của những con người thuần nông chất phát.
Lịch sử hình thành và phát triển Xa xưa, phía bắc bờ sông Lèn (cửa Lạch Sung ngày nay) là một dải đất cát hoang không một bóng người. Nhận thấy mảnh đất màu mỡ tiện kế sinh nhai, một số người từ vùng Ninh Bình đã đến lập ấp, lấy tên là làng Bạch Câu. Đến thời Minh Mạng - Tự Đức, có một vài gia đình Công giáo di cư sang làng Bạch Câu, sau đó, lập thành họ đạo Bạch Câu, trực thuộc xứ Gia Kiều (Kẻ Rừa ngày nay).
Thời Văn Thân, giáo họ được chuyển thành phiên Bạch Câu, được bề trên cử nhiều cố Tây về coi sóc và cùng đồng hành. Năm 1904, Đức cha Thành vào kinh lược trong vùng Nga Sơn và có ý định nâng Bạch Câu lên hàng giáo xứ. Đến năm 1924, Đức cha sai cha J.B Đinh Đức Vượng lập xứ Bạch Câu và nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng.
Thời Văn Thân, nhà thờ bị đốt cháy. Năm 1903, cố Dũng (Jean André Soubeyre) đã cho xây lại nhà thờ mới bằng gỗ và lợp ngói. Năm 1993, cha Phaolô Nguyễn Thái Bá cho xây lại nhà thờ mới và tồn tại đến ngày nay.
Thời cha J.B Đinh Đức Vượng, xứ Bạch Câu có 2 cơ sở: một ngôi nhà chăm sóc các trẻ mồ côi và một trường tư thục dạy học không kể lương giáo. Nhưng do hoàn cảnh xã hội thay đổi nên vào năm 1956, cả hai cơ sở này đã bị ngưng hoạt động.
Giáo xứ Bạch Câu ngày nay Theo thống kê năm 2011, giáo xứ Bạch Câu hiện có 1.680 giáo dân, phân bổ trong 6 giáo họ: Bạch Câu, Bình Chính, Chính Đức, Lợi Nhân, Tam Linh và Thịnh Hải trải dài trên 4 xã: Nga Bạch, Nga Thắng, Nga Nhân và Nga Thủy của huyện Nga Sơn.
Giáo dân trong giáo xứ chủ yếu làm nông nghiệp, một số ít làm nghề đánh bắt cá nên đời sống còn nhiều khó khăn.
Nhưng bù lại, nhờ kế thừa truyền thống đạo đức của cha ông nên đời sống đức tin bà con giáo dân Bạch Câu khá vững bền.