Trước năm 1994, giáo xứ Châu Long nổi tiếng với nghề làm pháo. Thương hiệu: “Pháo Từ Châu” có lẽ không xa lạ với những người tiêu dùng thời đó, vì pháo nổ giòn giã, liên tục... Ngày đó, ấp F1 nhộn nhịp như một cái chợ với người mua kẻ bán, đặc biệt vào dịp tết Nguyên đán. Không ai trong giáo xứ ở không, từ em bé đến các cụ già đều có công việc làm phù hợp với nghề pháo.
Chơi pháo vui cũng nhiều, nhưng buồn với những tai họa và tốn phí lớn lao từ pháo mang lại cũng không nhỏ. Chính vì thế mà ngày 8-8-1994 cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã có Chỉ thị 406/TTg, cấm: sản xuất, buôn bán, vận chuyển và đốt pháo nổ. Dù biết rằng lệnh cấm pháo là hợp lý, nhưng người dân Châu Long không khỏi bàng hoàng, hoảng hốt, lo sợ... Tương lai gia đình và con cái họ sẽ đi về đâu? Ngày mai rồi sẽ ra sao? Một bóng tối như sắp bao trùm lấy giáo xứ Châu Long. Đứng trước một khúc quanh ngặt nghèo, mất nghề, mất hết công ăn việc làm, thu nhập chính từ nghề pháo không còn nữa, tưởng chừng như giáo xứ sẽ đi vào một giai đoạn bế tắc, ngõ cụt, đen tối.
Nhà thờ Giáo xứ Châu Long
Thế mà, sau chưa đầy hai thập kỷ, giáo xứ Châu Long đã từng bước thoát bế tắc, đi đến phát triển, từ bàng hoàng lo sợ đến vui mừng và hy vọng.
Ai có thể ngờ, hơn 200 gia đình ấp F1 giáo xứ Châu Long đã tự nguyện bỏ ra gần 4 tỷ đồng để lo cho đường xá, cầu cống trong ấp và các việc phúc lợi xã hội khác. Hai bên đường hôm nay đã được đổ bê tông, đường rộng 3 mét, có điện thắp sáng suốt đêm. Nối hai bên bờ kênh là những chiếc cầu bêtông vững chắc. Khoảng 95% gia đình đều có điện thoại bàn, 85% gia đình có máy vi tính, 100% các cháu đến tuổi đều được đi học, tốt nghiệp trung học phổ thông thường đạt 100%, năm thấp nhất cũng đạt 90%. Trong số tốt nghiệp phổ thông trung học có tới 80% học ngành nghề, cao đẳng, đại học và trên đại học (có 6 bác sĩ, 1 thạc sĩ và một số trung học, cao đẳng). Giáo xứ chỉ còn một hộ nghèo trên 279 hộ, tỉ lệ 0,35%. Giáo xứ đã đạt danh hiệu 5 không (không mại dâm; không ma túy; không tội phạm; không có trẻ thất học; không sanh con thứ ba). Với những thành công vượt bậc như thế, giáo xứ Châu Long ấp F1 đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 1997, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III năm 2004, và năm nay (2009) giáo xứ được nhận Huân chương Lao động hạng II do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trao tặng.

Linh mục Giuse Phan Chí Minh
Linh mục Giuse Phan Chí Minh, chánh xứ giáo xứ Châu Long, người đã khuyến khích bà con giáo dân tự vươn lên, đã tâm sự với chúng tôi trong những lần gặp gỡ: “Tôi hết lòng trông cậy vào Chúa, vâng phục và nghe theo lời dạy bảo của bề trên, nhất là các đấng Giám mục bản quyền. Và tôi coi trọng sự đoàn kết, đoàn kết trong giáo dân, đoàn kết đạo đời”. Mỗi lần gặp gỡ, linh mục chánh xứ Châu Long còn mải mê nói đến việc khuyến học, khuyến tài, khuyến đức... Ngài băn khoăn làm sao xây dựng được xã hội học tập, giúp mọi người cùng được học. Nhưng có lẽ điểm nổi bật nhất nơi vị linh mục này là luôn thao thức làm sao thực hiện: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc, để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” như Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam đã dạy, mà gần đây nhất Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắc lại với hàng Giám mục Việt Nam khi các ngài về Roma viếng mộ hai thánh Phêrô và Phaolô: “Hội Thánh của Chúa Kitô trong lòng dân tộc Việt Nam”.
Chính vì đã có một định hướng rõ nét như thế, nên linh mục Giuse Phan Chí Minh rất quyết tâm xây dựng sự đoàn kết trong giáo xứ, đoàn kết đạo đời... Với chủ trương đó, giáo xứ Châu Long trong nhiều năm qua biết sống đoàn kết, yêu thương. Chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp từ ấp, xã, huyện, thành phố ghé lại giáo xứ Châu Long như về nhà người thân.
Có sự đoàn kết rồi, linh mục chánh xứ Châu Long quyết tâm không để con em nào bỏ học vì nghèo đói, tất cả các em đến tuổi đều được đi học. Hàng năm ngài vận động cả trăm triệu đồng giúp học sinh và sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức họp mặt sinh viên vào ngày mùng 3 Tết hàng năm tạo điều kiện để cho thế hệ đàn anh nâng đỡ thế hệ đàn em và học hỏi lẫn nhau.
Về giáo xứ Châu Long hôm nay, người ta còn thấy sự đoàn kết thể hiện qua sự giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, trong chăn nuôi để nâng cao đời sống kinh tế gia đình. Tổ tư vấn về nông nghiệp đã giúp tất cả các gia đình trong giáo xứ giảm được từ 100 đến 150kg lúa trong 1 ha khi áp dụng phương thức sạ thưa, bớt sâu bệnh, giảm phân bón thuốc sâu, tăng năng suất.
Giáo xứ Châu Long ngày nay đang sống chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với mọi người.