Bên khu đất trống của nhà văn hóa cũ (vốn là một nhà kho) đã đổ nát, bà con giáo dân cùng những người làm báo Đảng Thủ đô, tay bắt, mặt mừng. Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ TP Hà Nội Bùi Xuân Hộ và Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Cấn Văn Nghĩa cùng có mặt để chia vui với bà con. Ý Đảng, lòng dân đã hòa vào làm một vì mục tiêu cao cả là lợi ích của cộng dồng.
Từ ý nguyện của vị linh mục
Là người có sáng kiến xây nhà văn hóa cho thôn Yên Lạc 3, tại xóm đạo Liên Kết, trên đường từ tòa soạn báo Hànộimới đến địa điểm làm lễ khởi công, Tổng biên tập Hồ Quang Lợi nhẩm tính: ''Năm ngoái, chi hơn 11 tỷ đồng cho ba chiến dịch lớn: Tặng trâu cho 16 tỉnh phía Bắc, giúp bà con bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 4 và hỗ trợ bà con các huyện ngoại thành của Thủ đô trong trận lụt lịch sử tháng 11. Đầu năm nay, xây trường học cho 3 tỉnh phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái và Phú Thọ) và xây nhà văn hóa cho xóm đạo Liên Kết, tính ra, Quỹ "Trái tim nhân ái" đã chi ngót nghét vài tỷ đồng. Góp công sức để trẻ em có trường học khang trang, bà con có chỗ sinh hoạt cộng đồng thì có khó nhọc bao nhiêu những người làm báo Đảng chúng ta cũng không nề hà. Tất cả vì cuộc sống no ấm của cộng đồng''.
Kể về cơ duyên dẫn đến việc xây nhà văn hóa tặng xóm đạo, Tổng biên tập "bật mí": Dịp cuối tháng 5-2009, nhân đi dự Đại hội đại biểu MTTQ TP Hà Nội lần thứ XV, nghe linh mục Dương Phú Oanh, Chủ tịch Ủy ban đoàn kết Công giáo TP Hà Nội, Chánh xứ Cần Kiệm bộc bạch rằng giáo xứ còn thiếu nhà văn hóa, bà con giáo dân chưa có chỗ sinh hoạt cộng đồng... TBT Hồ Quang Lợi đã nêu ý kiến với linh mục Dương Phú Oanh rằng báo Hànộimới có thể xây tặng xóm đạo Liên Kết một nhà văn hóa. Đề xuất này của báo Hànộimới đã được Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng và Chủ tịch UB MTTQ TP Phạm Xuân Hằng ủng hộ. Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Chủ tịch Hội LHPN TP cũng đề nghị xây tặng xóm đạo một nhà mẫu giáo. Những nghĩa cử này được linh mục Dương Phú Oanh đón nhận với niềm xúc động sâu sắc.

Niềm vui của người dân xã Cần Kiệm (huyện Thạch Thất).Ảnh: Viết Thành
Lương - giáo một lòng đoàn kết xây dựng quê hương
Vượt hơn 30km từ Hà Nội qua đường Láng - Hòa Lạc lầm bụi đỏ đến xóm đạo Liên Kết, chúng tôi không khỏi bồi hồi trước cảnh sắc thanh bình của một vùng quê. Là một xã thuần nông của huyện Thạch Thất đang trong thời kỳ chuyển đổi nhanh chóng sang CNH, Cần Kiệm còn là một trong những điểm quần cư rất sớm của người Việt cổ, có đủ cả núi (của dãy Câu Lậu) và sông Tích (chảy dọc từ đầu tới cuối xã), tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình. Ngoài Phật giáo, ở Cần Kiệm còn có Liên Kết là xóm Công giáo toàn tòng, chiếm 14% dân số của toàn xã (hiện xóm đạo Liên Kết có 230 hộ, trên 1.000 khẩu). Đây còn là quê hương cách mạng, nơi Bác Hồ về ở và làm việc 19 ngày đêm (từ 13 tháng Giêng đến 2-2-1947), cùng Trung ương Đảng và Chính phủ quyết định nhiều chủ trương lớn, hệ trọng đối với vận mệnh đất nước; nơi Bác Tôn và phái đoàn Chính phủ đã về thăm. Bác Tôn cũng căn dặn mọi người phải giữ bí mật trong kháng chiến, lương - giáo đoàn kết, không mắc mưu chia rẽ của giặc Pháp... Nhớ lời căn dặn của Bác Hồ, Bác Tôn, Trung ương Đảng và Chính phủ, trong 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc và trong công cuộc đổi mới, bà con lương - giáo trong xã vẫn một lòng đoàn kết kháng chiến, xây dựng quê hương. Xã đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng
Đón chúng tôi trước cổng nhà thờ, gần nơi dự định xây nhà văn hóa mới, cụ bà Kiều Thị Hai, dân đạo gốc, răng đen, tóc đen, trẻ hơn rất nhiều so với tuổi 90 (cụ SN 1920), đưa tay nâng cây thánh giá trước ngực, cho biết: Kể từ khi cha Oanh đi họp ở Hà Nội về, có đem theo tờ Hànộimới thông tin xóm đạo Liên Kết sắp được xây tặng nhà văn hóa, bà con trong xóm đã thấp thỏm chờ mong sự kiện này. Hôm nay, cụ cùng bà con có mặt từ sáng sớm để dự lễ khởi công, những mong nhà văn hóa sớm được hoàn thành để bà con có chỗ sinh hoạt cộng đồng. Cụ Hai cũng cho biết, bà con giáo dân nơi đây luôn chăm chỉ làm ăn, tốt đời đẹp đạo. Còn bà Chu Thị Phương, 69 tuổi, trông nom nhà thờ xứ Cần Kiệm thì cứ tiếc mãi việc cha Oanh đi miền Nam chưa kịp về để dự lễ khởi công xây dựng công trình. Bà cũng bày tỏ sự vui mừng phấn khởi của bà con giáo dân trước sự kiện quan trọng này: ''Ở đây, bà con chỉ có tấm lòng. Chỉ mong cấp trên quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện cho bà con mau chóng có chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng'' - bà Phương tâm sự.
Đáp ứng nguyện vọng và lòng mong mỏi của bà con, tại lễ khởi công, Tổng biên tập báo Hànộimới đã đề nghị UBND xã Cần Kiệm, đơn vị thi công, ban quản lý công trình giám sát chặt chẽ, bảo đảm tiến độ thi công và chất lượng tốt nhất cho công trình. Chủ tịch UBND xã Cần Kiệm Kiều Văn Lương cũng hứa trước bà con, sẽ điều hành tốt việc xây dựng nhà văn hóa để công trình sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Rồi đây, một nhà văn hóa rộng 100m2, có tường rào bao quanh, sân chơi... tổng kinh phí xây dựng 300 triệu đồng, được ủng hộ bởi các doanh nghiệp và CB, PV, CNV báo Hànộimới sẽ mọc lên ngay cạnh Nhà thờ Cần Kiệm uy nghiêm, làm chỗ sinh hoạt văn hóa cho bà con sau mỗi ngày lao động. Đây cũng là công trình văn hóa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc của những người làm báo Đảng Thủ đô đến với bà con, góp phần xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng quê hương giàu đẹp./Minh Thuý.