Tình làng, nghĩa xóm - nét đẹp văn hóa của người Hà Tĩnh. Ảnh: CTV |
Sao với tôi, mỗi khi nhớ về quê hương xứ sở thì âm hưởng bài ca “Quê hương là con diều biếc - tuổi thơ con thả trên đồng...”, “Quê hương nếu ai không nhớ...” (Quê hương: Đỗ Trung Quân - Giáp Văn Thạch) lại âm vang trong tâm tưởng người con đi xa nơi đất khách quê người. Ai xa quê mà chẳng nhớ thương. Nỗi niềm ấy cứ đầy vơi, thăng trầm mưa nắng, thăm thẳm như ánh sáng. Dẫu là với ngày xưa lam lũ khó khăn hay giờ lên phố thị đông vui như hội mùa xuân về.
Cũng như bao làng quê của Tổ quốc thân yêu, làng quê tôi xưa có tên: làng Tiếp Võ thuộc xã Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Một làng thuần nông, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Ruộng lúa nương khoai cần mẫn, chịu thương chịu khó, dạn dày sương gió như cánh cò, gié lúa, ngọn cỏ. Vẫn còn đó hình ảnh quê hương với những kỷ niệm tuổi thơ tôi. Những kỷ niệm đằm thắm sâu lắng như đi suốt cuộc đời tôi, sắt son máu thịt tâm hồn. Con sông quê uốn lượn “hình con Long” là báu vật mà tạo hóa ban cho làng quê. Bởi nước ngọt cho sinh hoạt, cả ăn uống một thời gian khó. Bởi dòng sông tắm mát bao cuộc đời như chở che những cánh buồm truân chuyên, xuôi ngược tháng năm... Bến nước cây đa vẫn còn xanh nguyên trong tâm khảm tim tôi. Mỗi lần về thăm quê, bạn đồng niên còn nhắc lại chuyện một thời tóc chỏm trên đầu, từng vật nhau lăn từ gốc đa đầu làng xuống bãi cỏ bên đường, áo quần bê bết đất mà hồn nhiên nắc nẻ cười
Dẫu đã cách xa mấy chục năm rồi mà tôi còn nhớ như in từng nóc nhà ngõ xóm. Lũy tre làng thân thuộc, xanh tỏa bóng râm, mát rượi những ngày hè nắng như đổ lửa, che chở bao cuộc đời gian khó. Nhà ở thì còn nhiều mái lá, nhà nào khá giả thì lợp ngói. Nhưng tình làng nước là nếp sống an nhiên tự ngàn năm, là cốt hồn dân tộc; người ta sống có nhau và vì nhau; chuyện vui, chuyện buồn đều chia sẽ đồng cảm với cộng đồng như một mỹ tục thuần phong. Cuộc sống vật chất còn nhiều thiếu thốn. Mà đời sống tinh thần vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Điều muốn nói là người dân quê, vẫn còn cơm độn khoai bữa no bữa đói (thậm chí nhiều khi không đủ thóc gạo, phải ăn khoai sắn trừ bữa), áo mặc chưa lành, chưa ấm..., mà cuộc sống gia đình làng nước vẫn thân thiện, năm tháng vẫn cứ vui như hội. Hẳn như không có sự đố kỵ
Tình làng nước thật thiêng liêng như tâm hồn làng quê, là chất keo gắn kết mỗi thành viên cộng đồng và kết tinh sức sống dân tộc. Tình nghĩa ấy như thấm vào máu thịt, huyết quản mỗi người dân quê, tưởng như một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ. Còn nhớ, có lần em tôi chơi ở ao hồ trước nhà, bị sẩy chân... Nhưng nhờ bà con làng xóm nên cứu được! Tình nghĩa ấy cũng gần gũi thân thuộc như ánh sáng khí trời vậy; như ấm nước chè xanh thơm thảo cả làng quê. Quả vậy, quê tôi ngày ấy từng có một tập quán đẹp: luân phiên uống nước chè xanh. Lệ bất thành văn, cứ chiều tối muộn, nhà nhà lại hội tụ về một gia đình trong xóm (và luân phiên) để uống nước chè xanh; rồi đàm đạo, chia sẻ những câu chuyện đời thường hay chuyện làm ăn, chuyện làng nước, chuyện con cái,...
Rồi cũng như bao làng quê trong tiến trình đi lên đổi thay giàu đẹp. Và cùng với công cuộc đổi mới đất nước, năm 1979, làng quê tôi (cùng làng Ninh Võ thuộc xã Thuận Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh và nay thuộc phường Nam Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), được di dời lên gần đường quốc lộ 1A (dưới núi Hồng Lĩnh), gần ngã ba có tên dân dã: Bãi Vọt, cách làng cũ vài ba cây số. Ngày ấy tôi cũng vừa tốt nghiệp bậc THPT, đi học Sư phạm rồi công tác xa nhà. Có thể nói, việc dời dân lên chổ ở mới và sau này quy hoạch phát triển thành thị trấn, rồi thị xã là một cuộc đổi đời với làng quê tôi. Một cuộc đổi đời với nhiều tâm tư
Khi mới dời dân lên vùng đất ở mới, nhiều bà con làng quê cứ ca thán, trách “ông Nhà nước”, thậm chí cho là phá sản. Quả thực cũng có những khó khăn nhất định, nhất là với những gia đình neo đơn, thiếu trước hụt sau... Bà con chỉ nghĩ, chỉ thấy cái khó khăn trước mắt khi di dời phải đập bỏ, xây lại tốn kém. Theo thời gian cũng dần ổn định, rồi từng bước phát triển. Có thể nói, đây là tầm nhìn chiến lược, quy hoạch phát triển nông thôn nói chung và đời sống cư dân với một làng quê nói riêng của Đảng và Nhà nước ta; từng bước phát triển nông nghiệp thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế. Cùng với công cuộc xây dựng Nông thôn mới, đô thị hóa ở một vùng đất có nhiều tiềm năng lợi thế. Và thực tế cuộc sống với nhiều đổi thay to lớn, nhịp sống cứ bộn bề phát triển, ngày càng giàu đẹp của làng quê tôi - một phường của thị xã Hồng Lĩnh hôm nay là câu trả lời triết luận nhất, hoàn hảo nhất cho bao điều từng bỏ ngõ, bao câu hỏi của người dân quê từ mấy chục năm trước...
Diện mạo của làng quê tôi ngày hôm nay đã hồng sắc trong nắng xuân. Một thị xã với núi một bên và sông một bên vẫn bộn bề cuộc sống đi lên. Cái đẹp của quê tôi hòa trong cái đẹp giàu của non nước Hồng sơn; của một thị xã với dân số hơn 38 ngàn người (số liệu năm 2019), hiện có năm phường và một xã không chỉ ở sự quy hoạch dân cư, phố thị khang trang ô bàn cờ mà còn là đời sống vật chất, đời sống văn hóa - tinh thần... Và điều đáng nói, các mỹ tục của cha ông tự ngàn xưa vẫn được bảo tồn, phát triển. Truyền thống và hiện đại vẫn luôn hòa quyện như dáng vóc câu Ví, Dặm; công cuộc kiến thiết đô thị và xây dựng nông thôn mới đã và đang khoác lên màu xanh biếc, đẹp đậm đà của xứ sở quê hương.
Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tỷ trọng cơ cấu kinh tế chuyển biến rõ rệt, đến nay giá trị thu nhập từ TMDV chiếm 58,28%, CN - TTCN chiếm 39,64%, nông nghiệp chiếm 2,08% trong cơ cấu kinh tế”. Đặc biệt địa phương đã và đang thu hút nhiều dự án công trình đầu tư xây dựng; đáng kể là các cụm công nghiệp (CCN) Cồng Khánh 1, CCN Nam Hồng, gần đây đã thu hút mới 6 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.576 tỷ đồng... Cũng từ đó, ngày càng có nhiều hộ gia đình khá giả giàu có, nhiều nhà cao tầng mọc lên; nhiều hộ mua sắm được những vật dụng có giá trị như tủ lạnh, điều hòa, xe máy, ô tô. Riêng ở phường Nam Hồng, “tỉ lệ hộ nghèo chiếm 1,5%, tỉ lệ hộ cận nghèo chiếm 2,41%...”
Nhìn lại chặng đường gần ba mươi năm xây dựng và phát triển, một khoảng thời gian ngắn ngủi so với lịch sử ngàn năm của dân tộc, nhân dân phường Nam Hồng (và thị xã Hồng Lĩnh) thật tự hào và vui mừng trước những đổi thay to lớn, những thành tựu có ý nghĩa sâu sắc về đời sống vật chất và tinh thần đã giành được trong bối cảnh có nhiều gian khó. Có thể nói, đời sống ngày hôm nay là một bước tiến ngoạn mục, một ngày bằng hai mươi năm. Dẫu đời sống nhân dân chưa thật toàn bích, chưa phải nơi thiên đường (như quan niệm của người giáo dân quê tôi), nhưng đã ngát hương hoa và biếc xanh màu năm tháng...
Nguyễn Trọng Đồng