Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn quận 8 cùng tham gia trồng cây xanh. Ảnh: CTV |
Theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, các cơ sở tôn giáo đã xây dựng, duy trì gần 200 mô hình, cách làm hiệu quả để bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Trong đó, các tổ chức Công giáo đã xây dựng được 16 mô hình tiêu biểu. Điển hình như mô hình: “Giáo họ xanh, sạch đẹp”, “Khu dân cư - Họ đạo không rác”, phong trào “15 phút vì Thành phố văn minh - sạch đẹp”; trồng cây xanh, hoa cảnh; xóa bãi rác làm vườn hoa; tổ chức dọn vệ sinh các tuyến đường, khơi thông cống rãnh vào ngày cuối tuần; sử dụng vật liệu tre nứa, giấy thay cho các sản phẩm từ nhựa.
Các tổ chức Phật giáo có 57 mô hình tiêu biểu, trong đó có mô hình phật tử dành 15 phút mỗi ngày làm sạch khuôn viên bên trong và trước cổng chùa và nhà sạch sẽ, gọn gàng. Thượng tọa Thích Duy Trấn - Trụ trì chùa Liên Hoa cùng phật tử đã thành lập Câu lạc bộ Hành trình xanh để thực hiện tổng vệ sinh đường phố vào ngày cuối tuần, bất kể trời mưa hay nắng. Hoạt động này nhằm góp phần nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác xuống đường phố, không vứt rác xuống cống rãnh... Mọi người dân cùng hành động giúp môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp hơn.
Bên cạnh Chương trình phối hợp Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, TP. Hồ Chí Minh đã triển khai Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Thực hiện cuộc vận động này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tăng cường công tác phối hợp cùng với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và 6 tổ chức thành viên (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành Đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Liên đoàn Lao động, Hội Người cao tuổi) tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phối hợp đã ký kết, trong đó, luôn đặt trọng tâm tuyên truyền về cuộc vận động nhân dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch. TP. Hồ Chí Minh đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương với các hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Trong đó, chú trọng các giải pháp tăng cường sự tham gia tích cực của công nhân, người lao động, cộng đồng dân cư nơi cư trú trong các phong trào, sự kiện, hoạt động bảo vệ môi trường tại khu dân cư. UBND TP. Hồ Chí Minh yêu cầu các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, khảo sát việc thực hiện Chỉ thị 19 ở các địa phương, kịp thời phát hiện, biểu dương các mô hình, công trình, giải pháp, cách làm hay để nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng dân cư.
Tham gia cuộc vận động “Người dân TP. Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Hồ Chí Minh và các tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường, không xả rác ra đường phố và kênh rạch; giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo phương thức mới phù hợp với công nghệ xử lý và định hướng của thành phố; hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm nhựa dùng một lần; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường… Đến nay đã có trên 1,3 triệu hộ dân ký kết tham gia thực hiện với nhiều hình thức như: cùng chung tay giữ gìn sạch đẹp tuyến hẻm, tuyến đường, ký kết tham gia phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn... Nhiều hộ gia đình tự phân loại rác thải sinh hoạt hằng ngày; định kỳ tổ chức tổng vệ sinh các con hẻm quanh nhà thờ, trồng và chăm sóc cây xanh tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; sử dụng khay ăn thay cho hộp xốp và túi ni-lông.
Hiện tại, TP.Hồ Chí Minh đang thực hiện Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2021 - 2025, triển khai các giải pháp ngăn chặn được xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường thành phố, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.