Tin tức - Hoạt động

"Hãy biết chia cơm sẻ áo với những người cơ hàn”

Cập nhật lúc 11:45 21/04/2020


“...Hãy biết chia cơm sẻ áo 
với những người cơ hàn”


Bài giảng Lễ Lá (NTCT 5.5.2020)
 
Anh chị em thân mến,

Lễ Lá hôm nay khai mạc Tuần Thánh là tuần lễ đặc biệt nhất trong năm phụng vụ, tuần tưởng niệm các biến cố xoay quanh cuộc Thương Khó, Tử Nạn và Phục sinh cùa Chúa Kitô.

Tuần Thánh năm nay diễn ra một cách khác thường: không có các cử hành long trọng và công cộng, mà các tín hữu chỉ tham dự cách thiêng liêng qua màn hình trực tuyến, như chúng ta đang làm đây.

Anh chị em đừng buồn bã than van, đừng để lòng khao khát Chúa bị giảm sút. Chúng ta vẫn có thể kết hiệp với Chúa Giêsu trong cuộc thương khó của Ngài, đồng cảm với Ngài cách gần gũi và sống động, chúng ta vẫn nhận lãnh ân sùng dồi dào từ sự chết và sự sống lại của Chúa. Để được như vậy, xin anh chị em cùng suy tư hai điểm sau đây.

1. Chúng ta vừa nghe trình thuật Thương Khó của Chúa Giêsu, trong đó nổi bật sự lẻ loi, cô đơn, bị bỏ rơi của Chúa trong cuộc Tử Nạn: các môn đệ hờ hững, ngủ say trong lúc thầy hấp hối, Giuđa nộp thầy, Phêrô chối thầy, tất cả bỏ chạy thoát thân khi thầy bị bắt, bị hành hạ và vác Thập giá lên đồi Canvê một mình, không môn đệ ở bên. Khi bị treo trên Thập giá, sự cô đơn lẻ loi còn bám theo Chúa, cảm nghĩ bị Chúa Cha bỏ rơi, đến nỗi Ngài thốt lên: “Lạy Cha, lạy Cha, sao Cha đành bỏ con”. Chúa chết đớn đau thể xác, nhưng còn đau đớn hơn trong lòng: “Linh hồn thầy buồn đến chết được”,  “Nỗi sầu riêng mong người chia sớt, luống công chờ, không được một ai; đợi người an ủi đôi lời, trông mãi trông hoài mà chẳng thấy đâu!” (Tv 69,21). Trong cuộc khổ nạn của Chúa, mọi người đều xa lánh, từ các môn đệ mà Ngài hết lòng yêu thương, đến bao người đã lãnh nhận ân huệ nhờ lời rao giảng và các phép lạ chữa lành..., chỉ có Đức Mẹ và Gioan đứng kề bên Thánh giá, và một vài phụ nữ đứng ở xa xa. Nỗi cô đơn tột cùng!
Hẳn chúng ta cảm thấy nao lòng muốn rơi lệ thương khóc Chúa như các phụ nữ Giêrusalem khóc thương Chúa trên đường Thánh giá. Chúng ta nghe văng vẳng lời Chúa nói với họ: “Đừng khóc thương ta, song hãy khóc thương lấy mình và con cái các bà” (Lc 23,28). Lời này có một âm hưởng mạnh mẽ trong hoàn cảnh đại dịch Covid-19 mà thế giới đang gánh chịu. Lúc này đây, biết bao người lâm bệnh đang ở trên Thánh giá cùa mình, đang hấp hối và chết cô đơn, vì bị cách ly với mọi người thân yêu ngay khi phát hiện bị nhiễm bệnh. Họ cùng chia sẻ cảnh cô đơn và chết một mình với Chúa Giêsu. Không chỉ họ, mà còn bao người lâm cảnh cô đơn khác vì tuổi già, nghèo khổ, bệnh tật. Họ là những “Giêsu” đang lầm lũi bước đi trên đường dẫn đến đồi Canvê, Thập giá trên vai. Đức Thánh Cha Phanxicô trong sứ điệp video được phát đi hôm qua đã nói như sau:

“Trong trái tim tôi, tất cả các gia đình, đặc biệt là những người có người thân đang đau bệnh hoặc không may phải qua đời do coronavirus hoặc các nguyên nhân khác. Trong những ngày này, tôi thường nghĩ về những người cô đơn; đối diện với những thời khắc thế này là điều khó khăn hơn đối với họ. Trên tất cả, tôi nghĩ về những người già, những người mà tôi rất thương yêu. Đây là một thời khắc khó khăn cho tất cả mọi người. Giáo hoàng biết điều này và, với những lời này, tôi muốn nói với mọi người về sự gần gũi và tình cảm của mình”.

Anh chị em thân mến, cùng với Đức Thánh Cha, dù cho mỗi chúng ta đều đang phải chịu cách ly xã hội, anh chị em hãy ở gần nhau trong tinh thần, hãy đặc biệt quan tâm đến những người đang phải trải qua cảnh cô đơn lẻ loi vì bị nghi ngại, kỳ thị, hờ hững, vì tuổi già, vì nghèo khổ, vì bệnh tật.. Hãy nhớ đến họ trong lời cầu nguyện, trong tình cảm thân thương, trong hiệp thông tinh thần.

2. Cái chết của Chúa Giêsu là cái chết của tình yêu, một tình yêu cao độ: “Không có tình yêu nào lớn lao cho bằng tình yêu của người đã dám chết vì người mình yêu” (Ga 15,13). Dù bị phản bội, chống đối, bỏ rơi, hành hạ đến chết, Chúa Giêsu vẫn không nguôi lòng yêu thương nhân loại, “Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13,1).

Thiên Chúa là TÌNH YÊU (lGa 4,16). Đạo Công giáo là đạo yêu thương. Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận trong Đường Hy Vọng nói với chúng ta: “Con mang một đồng phục, nói một ngôn ngữ: Bác ái”.

Chúng ta nhận ơn cứu độ do lòng yêu thương của Chúa và hãy làm cho ơn đó sinh hoa trái bằng một đời sống yêu thương, với những hành vi yêu thương, chia sẻ. Trong cơn đại dịch này, chúng ta phải làm gì? Cũng trong video sứ điệp Phục sinh nói trên, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyên như sau:

“Chúng ta hãy cố gắng, nếu có thể, để tận dụng tốt nhất thời gian này: chúng ta hãy quảng đại; hãy giúp đỡ những người đang gặp khó khăn trong khu phố của chúng ta; chúng ta hãy tìm kiếm những người cô đơn nhất, có lẽ qua điện thoại hoặc mạng xã hội; chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa cho những người đang gặp khó khăn trên toàn thế giới. Ngay cả khi chúng ta bị cô lập, nhưng tư tưởng và tinh thần có thể đi xa với sự sáng tạo của tình yêu. Điều chúng ta cần hôm nay là sự sáng tạo của tình yêu. Điều cần thiết cho hôm nay là sự sáng tạo của tình yêu”.

“Hãy làm một cử chi âu yếm và quan tâm đối với những người đau khổ, với trẻ em và người già. Và xin nói với họ rằng Giáo hoàng gần gùi và cầu nguyện cho họ, rằng Thiên Chúa sẽ sớm giải thoát tất cả chúng ta khỏi sự dữ”.

Chính quyền dân sự đã kêu gọi sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân để chống lại Covid-19 và trợ giúp những đồng bào đang bị khó khăn, chúng ta, người Công giáo, không thể dửng dưng, thờ ơ, ích kỷ, mà hãy biết chia cơm sẻ áo với những người cơ hàn. Mong rằng trong Tuần Thánh này, anh chị em biết mở lòng cứu trợ những người đói khổ chung quanh mình, vì quả thật, “cứ dấu này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em thương yêu nhau” (Ga 13,35). Tôi nghĩ đó là cách rõ rệt nhất để chúng ta đáp lại lòng yêu thương Chúa đã dành cho chúng ta, đã chết vì chúng ta, đó là cách thiết thực nhất để đồng cảm và kết hiệp với sự thương khó của Chúa Giêsu: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng được sống với Người. Nếu ta chịu khổ với Người, ta sẽ cùng hiển trị với Người” (2Tm 2,11-12).
 
                                   + Anphong Nguyễn Hữu Long
                                                Giám mục giáo phận Vinh
Thông tin khác:
Nhà thờ giáo xứ Kẻ Láng. (20/04/2020)
Toàn nước Ý ngưng các Thánh lễ công khai, kể cả lễ an táng, cho đến ngày 03/04 (20/04/2020)
Du lịch Việt: Đừng để đến lúc khó mới tìm đến nhau (20/04/2020)
Về giáo phải "Tân Thiên Địa" ở Hàn Quốc (20/04/2020)
Giới trẻ thực thi ý Chúa (20/04/2020)
60 năm giáo phận long Xuyên (20/04/2020)
Các sáng kiến trong lễ Phục Sinh trên thế giới (15/04/2020)
Ủy ban Phụng Tự giải thích về rước Mình Thánh Chúa trong hoàn cảnh hiện nay (15/04/2020)
Toàn văn sứ điệp Phục Sinh 2020 (15/04/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log