Hệ thống chính sách dân tộc hiện hành đã cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc; cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Một góc quang cảnh huyện miền núi Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái |
Theo thống kê sơ bộ của Uỷ ban Dân tộc, đến hết năm 2022 có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đang còn hiệu lực, trong đó có 136 chính sách dân tộc.
Theo lĩnh vực kinh tế - xã hội có 52 chính sách thuộc lĩnh vực phát triển kinh tế bền vững; 25 chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm; 9 chính sách thuộc lĩnh vực y tế, dân số, chăm sóc sức khoẻ nhân dân; 9 chính sách thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch; 3 chính sách thuộc lĩnh vực quốc phòng an ninh…
Theo phạm vi đối tượng chính sách có 38 chính sách dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN; 98 chính sách có nội dung ưu tiên đầu tư, hỗ trợ vùng DTTS&MN…Bên cạnh các chính sách của Trung ương, các tỉnh vùng DTTS&MN sử dụng ngân sách địa phương ban hành những chính sách đặc thù nhằm đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS&MN, phù hợp với tình hình thực tế và nhu cầu của địa phương.
Cùng với thực hiện 2 Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, lần đầu tiên ở Việt Nam có chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho đồng bào vùng DTTS&MN đó là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021- 2030). Chương trình này thêm một lần nữa thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam, coi đây là quyết sách lớn nhằm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho vùng này.
Hệ thống chính sách dân tộc hiện hành đã cụ thể hoá quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân tộc; cơ bản đã bao phủ toàn diện các lĩnh vực đời sống, kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, xã hội và quốc phòng, an ninh tại vùng DTTS&MN. Nhiều chính sách có mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cơ chế chính sách có nhiều đổi mới theo hướng đầu tư, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên tập trung đầu tư, hỗ trợ các địa bàn khó khăn nhất, giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp thiết nhất, chú trọng phát triển các DTTS còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù. Thực hiện một số cơ chế chính sách đặc thù phù hợp với đặc điểm của vùng DTTS&MN; cơ chế kiểm tra, giám sát có sự tham gia của người dân. Nét văn hóa trong đời sống đồng bào dân tộc thiểu số |
Tuy nhiên, hệ thống chính sách đối với vùng đồng bào DTTS&MN ở Việt Nam hiện nay cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Theo đó, Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ vẫn là văn bản pháp lý cao nhất về công tác dân tộc, hiện chưa có Luật Dân tộc điều tiết các quan hệ dân tộc, vùng DTTS&MN.
Liên quan đến khó khăn vướng mắc trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, mới đây Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến áp dụng quy định của một số luật chuyên ngành, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội bổ sung một số giải pháp chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình trong thời gian tới.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất 5 nhóm giải pháp:
Về thẩm quyền quyết định trình tự, thủ tục, tiêu chí, mẫu hồ sơ lựa chọn dự án, mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất;
Sử dụng ngân sách nhà nước hỗ trợ chủ trì liên kết (doanh nghiệp, hợp tác xã), nhóm hộ gia đình thực hiện phát triển sản xuất và việc quản lý tài sản hình thành sau hỗ trợ;
Giao danh mục dự án, công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thực hiện theo cơ chế đặc thù trong giao kế hoạch đầu tư công trung hạn;
Giao dự toán kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách trung ương hàng năm;
Cơ chế ủy thác nguồn vốn ngân sách nhà nước qua hệ thống ngân hàng để hỗ trợ thực hiện các Chương trình. AL
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com