Nhiều mô hình sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Tuyên Quang đã ra đời, Nhưng do khó khăn về vị trí địa lý, việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều thách thức. Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang đã vào cuộc góp phần tháo gỡ điểm khó này
Tỉnh Tuyên Quang có 121 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 46 xã, 570 thôn đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số chiếm trên 56,76%.
Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, năm 2023, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập Ban Chỉ đạo, tập trung lãnh đạo, triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở; ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách thể chế hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình, chú trọng lồng ghép với các chương trình, dự án khác.
Tuyên Quang đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản mà tỉnh có thế mạnh. Rất nhiều mô hình sản xuất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã ra đời và đạt được thành công, góp phần cải thiện đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng miền núi. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 191 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận từ 3 sao trở lên. Trong đó có rất nhiều sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Hội chợ OCOP tỉnh Tuyên Quang năm 2023 với nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản do đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất |
Các sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP đã được ưu tiên giới thiệu trong các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch điện tử, kết nối liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn trên các sàn thương mại điện tử như: Sendo, Voso, PostMart, Cuccu, Shopee…
Sản xuất đã có bước phát triển, nhưng do đặc điểm địa hình không có cửa khẩu, bến cảng hay các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, nên việc tiêu thụ khá khó khăn, các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh Tuyên Quang còn nhiều hạn chế. Việc định hình, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tìm kiếm đầu ra cho hàng hoá của tỉnh, nhất là hàng hoá tại khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc còn gặp nhiều thách thức.
Để thúc đẩy đầu ra cho sản phẩm địa phương, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sản xuất nơi miền núi, Sở Công thương tỉnh Tuyên Quang đã kết nối tiêu thụ sản phẩm thông qua các tỉnh thành. Hiện Sở đang làm việc với Sở Công Thương tỉnh An Giang để kết nối đầu ra chéo cho sản phẩm của 2 địa phương thông qua các điểm bản sản phẩm OCOP, hệ thống các siêu thị.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Ngọc Diệu - Phó Giám đốc Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp - Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết, tỉnh An Giang và tỉnh Tuyên Quang có nhiều sản phẩm OCOP có thể trao đổi, tiêu thụ lẫn nhau, đặc biệt là những sản phẩm dễ vận chuyển và có thời gian bảo quản dài lâu. Nhưng đang tồn tại khó khăn chung của cả hai địa phương là chưa có đại lý phân phối, chi phí vận chuyển sẽ khiến giá thành sản phẩm cao hơn giá tại nơi sản xuất. Do vậy, rất cần sự phối hợp, hỗ trợ của ngành Công Thương hai địa phương để các cơ sở, doanh nghiệp có điều kiện tiêu thụ thuận lợi các sản phẩm OCOP của cả hai tỉnh An Giang và Tuyên Quang. Bên cạnh đó, các cơ sở, hợp tác xã sản xuất cần nghiên cứu nhu cầu của người dân các vùng miền để cải tiến thành phần sản phẩm cho phù hợp với người dân các địa phương.
Ngoài liên kết trong nước, Sở Công thương Tuyên Quang cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng xuất khẩu cho các sản phẩm. Trong đó, có sự tham gia và hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp. Cụ thể, Liên minh xúc tiến ACTONE Global đã kết nối với đầu mối của Liên minh tại một số nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore để hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm tại Tuyên Quang.
Theo bà Vũ Thị Oanh - Chủ tịch Liên minh xúc tiến thương mại ACTONE Global, việc kết nối trực tiếp với đầu mối của Liên minh tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đơn vị sản xuất kinh doanh của tỉnh Tuyên Quang hiểu rõ về các thị trường, nắm những yêu cầu cơ bản về tiêu thụ sản phẩm của các quốc gia, đề xuất phương án giúp việc đưa các sản phẩm OCOP của Tuyên Quang đến thị trường quốc tế và một số chương trình hỗ trợ dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sản xuất kinh doanh./
Đ Nga
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com