Từ Hà Nội, chúng tôi khởi hành theo con đường quốc lộ dẫn đến khu du dịch sinh thái Tam Đảo. Trải qua khoảng trên 70km đường, chúng tôi bắt đầu đi vào con đường ngoằn ngoèo uốn lượn với những đèo dốc để dẫn lên Tam Đảo. 14km từ chân núi lên đến Tam Đảo quả là một hành trình đáng nhớ. Cảnh sắc hai bên đường là núi rừng trùng điệp với màu xanh bát ngát của những cây cối lâu năm. Trời mưa nên càng làm cho cảnh thêm thơ mộng, như trùm phủ một màn sương huyền ảo.
Nhà thờ Tam Đảo – ngôi nhà thờ bằng đá cổ kính với ngọn tháp cao vươn lên giữa núi rừng thật ý nghĩa và làm xúc động lòng người. Giữa nơi núi rừng, giữa nơi nghỉ dưỡng nổi tiếng xứ Bắc này, một công trình kiến trúc Công Giáo vươn lên và đứng vững suốt hàng trăm năm qua, trở nên dấu chỉ đức tin và một điểm dừng tâm linh thật lý tưởng cho khách hành hương từ khắp nơi về đây.
Tam Đảo nổi tiếng là một quần thể du lịch nghỉ dưỡng của đất Bắc. Với vẻ đẹp phương Tây lãng mạn và hài hoà đã biến Tam Đảo thành Đà Lạt xứ Bắc, được ví như một “Hòn ngọc Đông Dương” trên miền đất này.
Cộng đoàn giáo dân Công giáo tại Tam Đảo được hình thành vào những năm đầu thế kỷ XX khi người Pháp khai phá và tạo lập khu nghỉ dưỡng trên vùng đất này. Nhiều người từ các miền khác nhau lên đây lập nghiệp và sinh sống. Khi thành lập xứ đạo vào năm 1906, tại Tam Đảo có khoảng 200 tín hữu Công giáo. Một ngôi nhà thờ bằng tranh lá được dựng lên để làm nơi tụ họp và cầu nguyện sớm hôm. Vì nhu cầu mục vụ ngày càng tăng, đến năm 1937 ngôi nhà thờ Tam Đảo được chính thức xây dựng một cách to đẹp và kiên cố như hiện nay với vật liệu chủ yếu bằng đá trong vùng.
Ngôi Nhà thờ Tam Đảo được xây dựng theo kiến trúc phương Tây với thiết kế không có trụ, có mái vòm cao và cong vút , gian cuối 2 tầng, tầng trên là gian nhạc ca đoàn, liền đó là gian tháp chuông cao gần 20m. Bên cạnh bậc lên xuống nhà thờ chính có tường xây cuốn hình cánh hoa to đựng nước phép, được nguồn nước sạch ngầm trong núi chảy vào.
Trải qua dòng lịch sử hàng trăm năm qua, ngôi nhà thờ Tam Đảo đã có nhiều bước thăng trầm. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” đã phá huỷ toàn bộ những ngôi biệt thự tại Tam Đảo. Như một dấu chỉ của Thiên Chúa, chỉ có ngôi nhà thờ là công trình kiến trúc duy nhất không bị phá huỷ. Tuy nhiên, từ đó chính quyền quản lý nhà thờ và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau.
Cộng đoàn tín hữu nhỏ bé nơi Tam Đảo luôn mong ước, ngày đêm cầu nguyện xin Thiên Chúa ban cho ngôi nhà này được trở về với nguyên vẹn mục đích trọn hảo là nơi thờ phượng Ngài. Sau nhiều lần đề nghị, vào tháng 8 năm 2007 Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ra quyết định “về việc thu hồi và bàn giao cho Ban hành giáo xứ đạo Vĩnh Yên quản lý và xây dựng khu nhà thờ tại thị trấn Tam Đảo – huyện Tam Đảo – tỉnh Vĩnh Phúc”. Một trang sử mới cho Giáo xứ Tam Đảo với ngôi thánh đường cổ kính đã mở ra. Đây cũng là một thời gian của ân sủng, sự hồi sinh và phát triển xứ đạo miền sơn cước này.
Khi được trao trả lại cho Giáo hội, ngôi nhà thờ Tam Đảo sau hàng trăm năm với những biến cố của thời cuộc đã trở nên xuống cấp trầm trọng. Công việc trùng tu quy mô lớn phải được tiến hành trong thời gian sớm nhất. Đức cha giáo phận Bắc Ninh đã cử hành nghi thức làm phép lại nhà thờ và khởi công trùng tu. Công việc trùng tu tiến hành thật cẩn thận nhưng cũng rất khẩn trương. Việc tôn trọng và giữ gìn nguyên mẫu là điều được đặt lên hàng đầu. Cha Tổng đại diện Giuse Trần Quang Vinh, cha xứ Vĩnh Yên và quý Cha cùng các ban trong Giáo phận và toàn thể bà con giáo dân nhiệt tâm trong công việc Nhà Chúa nơi Tam Đảo. Sự đóng góp của quý vị ân nhân cũng làm nên thành công đáng ghi nhận. Sau một thời gian thi công, đến nay công việc trùng tu giai đoạn đầu tiên đã hoàn thành trong niềm phấn khởi của tất cả mọi người.
Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đã chủ sự Thánh lễ tạ ơn khánh thành trùng tu giai đoạn I của ngôi nhà thờ Tam Đảo. Đây là công việc hết sức quan trọng và mang nhiều ý nghĩa to lớn, không chỉ với cộng đồng Công giáo tại đây mà còn cho toàn thể Giáo phận Bắc Ninh. Công trình nhà thờ thật cổ kính mà trang nghiêm cũng góp phần to lớn trong việc tôn lên vẻ đẹp và ý nghĩa của khu quần thể Tam Đảo, trở nên một điểm hẹn tâm linh cho mọi người khi đến nơi này.
Trước thánh lễ, cha Tổng Đại Diện Giuse Trần Quang Vinh đọc bản báo cáo về công trình trùng tu giai đoạn I của Nhà thờ Tam Đảo gồm có việc xây lại tháp chuông, kiên cố hoá gác đàn, làm trần, đóng ghế, đóng mới toàn bộ cửa lim, lắp tranh kính mầu, lát nền lợp lại ngói tường thành, sơn tường bên trong nhà thờ.
Công việc trùng tu và xây dựng giai đoạn II của nhà thờ Tam Đảo vẫn đang tiến hành. Hiện tại giáo xứ đang xây khu Mục vụ Hành Hương 5 tầng. Đây cũng là công trình quan trọng của giáo phận Bắc Ninh nhằm mục đích phục vụ việc tĩnh tâm, nghỉ dưỡng, hành hương trong thời gian sắp tới. Ngoài ra, một bể dự trữ nước để phục vụ cho bà con giáo dân và quý khách đến hành hương đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho mọi người khi đến với nhà thờ Tam Đảo cũng đang được xây dựng, Khoảng 1 hécta rừng phía sau khu nhà thờ Tam Đảo được giữ gìn như tạo nên một nét hài hoà của quần thể xây dựng với cảnh quan thiên nhiên, vốn là một nét đặc trưng của khu sinh thái Tam Đảo.
Thánh lễ được cử hành trang trọng và sốt sắng. Có những anh chị em tín hữu người dân tộc thiểu số cũng về tham dự, làm nên một bầu khí thật đa dạng sắc mầu. Mọi người thành tâm dâng lên Thiên Chúa tâm tình cảm tạ. Nguyện xin ơn Chúa luôn đổ xuống tràn đầy trên miền đất còn nhiều thách đố cho đời sống đức tin này. Trong tâm tình của những ngày cuối tháng Hoa, đoàn con hoa đã dâng lên Đức Mẹ những bản hoa thật ý nghĩa và chan chứa tâm tình.
Được biết, tại Tam Đảo hiện nay chỉ còn lại 3 gia đình Công giáo với khoảng trên 10 nhân danh. Việc giữ gìn đời sống đức tin và truyền giáo là một trọng yếu trong công tác mục vụ nơi đây.
Với ngôi thánh đường cổ kính trang nghiêm, với sự quan tâm của các Đấng bậc và mọi thành phần Dân Chúa, với sự nâng đỡ bằng tinh thần, vật chất, nhất là lời cầu nguyện, chắc chắn rằng với Ơn Chúa, cộng đoàn giáo hữu tại Tam Đảo sẽ ngày một thăng tiến, xứ đạo sẽ hồi sinh. Nơi đây sẽ làm nên dấu chỉ của Đức Tin và tình yêu Thiên Chúa cùng những giá trị Tin Mừng Cứu Độ.
Rời Tam Đảo, chúng tôi cảm thấy nhớ mãi bầu không khí mát mẻ trong lành cùng với những cảnh sắc thật đẹp nơi đây. Và càng nhớ hơn ngôi thánh đường cổ kính vươn cao trong sương sớm, nhớ cộng đoàn tín hữu nhỏ bé đang ngày ngày cất lên lời ca ngợi Thiên Chúa.
Một số hình ành nhà thờ Tam Đảo