Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, Giám mục giáo phận Vinh, chủ nhiệm CLB, đã điều phối buổi tọa đàm. Thuyết trình viên, ngoài các gương mặt quen thuộc của CLB như nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, linh mục Thiện Cẩm, tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa..., còn có luật gia Lê Hiếu Đằng (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM) cùng hai vị đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội là GS.TS Đỗ Quang Hưng và PGS.TS Nguyễn Quang Hưng.
Trong phần đề dẫn, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã nhắc lại cơ duyên khai mở cũng như quan điểm, tầm quan trọng của Công đồng Vatican II. Ngài cho thấy một số thay đổi của Giáo hội sau Công đồng này. Đó là sự thay đổi theo hướng mở ra với thế giới, mối quan hệ giữa Công giáo với các Giáo hội khác được đổi mới, cái nhìn về chủ thuyết cộng sản cũng được cởi mở hơn...
Nhìn lại dòng lịch sử, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đã điểm qua một số nét trong các Công đồng trước Công đồng Vatican II cùng những hành xử theo lối “cổ điển” của Giáo hội thời ấy. Rồi đến năm 1962, Đức Giáo hoàng Gioan XXIII triệu tập Công đồng Vatican II như một biến cố cực kỳ trọng đại, nhằm canh tân Giáo hội hoàn vũ để phục vụ con người đích thực hơn. Qua bài trình bày, ông Nguyễn Đình Đầu nhắc đến một vài kỷ niệm cá nhân từ khi có Công đồng Vatican II, mà ấn tượng với ông là cùng một số giáo dân và linh mục cố vấn cho ra tờ tuần báo Sống Đạo nhằm mục đích giúp nhau sinh hoạt và sống đạo theo lối canh tân. Trong một thời gian khá dài, từ 1962 – 1970, báo Sống Đạo đã gây được ảnh hưởng đáng kể... Đúc kết, ông ghi nhận những ảnh hưởng tốt đẹp của Công đồng Vatican II đến xã hội và đất nước Việt Nam, trong đó có Thư Chung 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam nêu lên tinh thần “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ lợi ích của đồng bào.”
Với đề tài “Học thuyết xã hội Công giáo hôm nay và những di sản tư tưởng – thần học của Công đồng Vatican II”, GS.TS Đỗ Quang Hưng tiếp cận vấn đề ở khía cạnh: Công đồng đã đem lại những nguồn lực tư tưởng – thần học gì với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Học thuyết xã hội Công giáo hay Giáo huấn xã hội hôm nay. Ông cũng đưa ra một số nhận xét về mức độ thẩm thấu những tư tưởng đổi mới của người Công giáo Việt Nam đối với Công đồng Vatican II, và ghi nhận những giá trị tôn giáo, xã hội của học thuyết xã hội Công giáo khi được triển khai vào thực tiễn Giáo hội địa phương như ở Việt Nam. Ông đặt ra vấn đề, làm sao tôn giáo cũng phải gắn những hoạt động để thích ứng được với môi trường chủ nghĩa xã hội và ngược lại, từ phía nhà nước - xã hội, cũng cần chủ động khai thác những mặt tích cực của đường hướng canh tân đổi mới của Công đồng Vatican II cũng như những lý tưởng về công lý và hòa bình, phẩm giá con người và tiến bộ xã hội của Học thuyết xã hội Công giáo hôm nay...
Nói về sự đổi mới của Giáo hội sau Công đồng Vatican II, linh mục Thiện Cẩm còn cho thấy : “Bầu khí trước Công đồng ngột ngạt không thể tưởng tượng...”, để rồi nhận xét: “Giáo hội như đã xuống núi để gặp gỡ nhân loại, trong khi trước đó chỉ để ý đến những điều thiêng liêng, trên trời…”. Ông Lê Hiếu Đằng thì liên hệ với thực tiễn lịch sử Việt Nam trong những năm 1965 – 1967, lúc ấy, với tư cách là Phó tổng thư ký Tổng hội sinh viên Sài Gòn, thành viên của Ủy ban Liên lạc các giới, nên ông có dịp gặp gỡ đồng bào Công giáo thành phố và nhận ra khuynh hướng tiến bộ, dấn thân, nhập thế của một số linh mục và anh chị em trí thức Công giáo. Chính từ những người Công giáo dấn thân này mà ông mới biết được rằng “động lực thúc đẩy phong trào này chính là tinh thần Công đồng Vatican II xác định về mối tương quan giữa nhiệm vụ của người tông đồ phục vụ nước Chúa với nhiệm vụ của người Kitô hữu trong tư cách công dân phải dấn thân phục vụ cho quần chúng, cho xã hội, đất nước…”.
Từ góc độ văn hóa tôn giáo, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng cho rằng, người Công giáo Việt Nam ngày nay gần gũi hơn với dân tộc mình qua các nghi thức trong lễ tang, thắp nhang, ngoài bàn thờ Chúa còn có bàn thờ tổ tiên trong nhà... Đó là những nét mới trong hội nhập văn hóa sau Công đồng Vatican II. Cũng như Đức cha Phaolô Hợp, PGS.TS Hưng nhìn nhận: “... Mặc dù nội dung Công đồng không trực tiếp bàn về những vấn đề xã hội, nhưng từ sau Vatican II,Giáo hội đã theo lập trường cởi mở hơn với xã hội, cụ thể là đã mở ra kênh đối thoại với nhiều tôn giáo khác, kể cả với cộng sản...”.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nghĩa (Đại học Mở TPHCM), dưới cái nhìn xã hội học, đã đưa ra những số liệu cho thấy việc hội nhập văn hóa của người Công giáo Việt Nam và xu hướng chấp nhận tự do tôn giáo ngày càng gia tăng. Không chỉ ở gia đình với bàn thờ tổ tiên mà trong việc xây dựng nhà thờ, nhiều nơi cũng đã pha trộn những mô hình kiến trúc Á – Âu, trở về truyền thống nhưng vẫn mang tính hiện đại...
Trong phần thảo luận, một số tham dự viên cũng đóng góp thêm những ý kiến làm nổi bật lên tinh thần, đường hướng tích cực, đổi mới của Công đồng Vatican II, đồng thời đặt vấn đề, làm sao để tôn giáo ngày càng đi vào đời sống xã hội.
Theo linh mục Thiện Cẩm thì “50 năm Công đồng Vatican II nhưng cuộc canh tân vẫn cần tiếp tục”. Trên tinh thần ấy, CLB Phaolô Nguyễn Văn Bình hy vọng sẽ còn có dịp tổ chức tiếp những cuộc hội thảo, tọa đàm khác với những đề tài liên quan đến chủ đề này.
Liên Giang