Tin tức - Hoạt động

Kinh Hòa Bình - một tuyệt tác vượt thời gian

Cập nhật lúc 14:44 15/08/2022
Kinh Hòa Bình, một kinh rất phổ biến trong cộng đồng Công giáo và đã được dịch ra hàng trăm ngôn ngữ khác nhau. Bài hát lời kinh được sử dụng trong các Thánh lễ, giờ chầu Thánh thể, hay những buổi sinh hoạt chung. Tất cả cộng đoàn cùng hướng lòng về Chúa, cất lời ca vang, cầu nguyện hòa bình cho đất nước, hay có khi là để cầu sự bình an cho chính tâm hồn mình. 
Linh mục nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Kim Long có công phổ nhạc lời Việt cho bản Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô thành Assisi.
Linh mục nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Kim Long có công phổ nhạc lời Việt cho bản Kinh Hòa Bình của thánh Phanxicô thành Assisi.

Truy tìm nguồn gốc, kinh Hòa Bình xuất hiện đầu tiên vào đầu thế kỷ XII. Nhưng theo Từ điển Bản kinh Tôn giáo thì vào năm 1912 lời kinh này được đăng bằng tiếng Pháp cùng dùng trong các thánh lễ. Để rồi năm 1915, bản kinh được gửi sang đệ trình lên Đức Giáo hoàng Bênêđíctô XV, cũng là thời điểm đang xảy ra khốc liệt cuộc chiến tranh Thế giới lần thứ Nhất (1914 - 1918).

Đặc biệt, bản văn nguyên thủy Kinh Hòa Bình (còn gọi là Lời Kinh Đơn Sơ) bằng tiếng Ý Đại Lợi, lần đầu tiên xuất hiện trên mặt báo L’Osservatore Romano năm 1916, nhưng cũng khuyết danh, không ghi ai là tác giả.

Khi đề cập đến tên tác giả, xét về thời gian, thì Thánh Phanxicô Assisi (1182 - 1226) sống vào cuối thế kỷ XII đầu thế kỷ XIII, trong khi bài hát xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1912 thì không thể nói tác giả lời kinh là thánh nhân được. Nhưng nhiều người vẫn gán cho Thánh Phanxicô vì trong Kinh Hòa Bình có một số từ ngữ giống như kinh Ngài đọc trước tượng Thánh gia tại nhà thờ San Damiano ở Assisi (Ý). Và nhất là cuộc sống tu trì của Phanxicô có nhiều điểm tương đồng với lời kinh. Cách riêng, có sự trùng hợp, vì vào năm 1920, một vị tu sĩ do yêu mến vị sáng lập dòng, nên đã cho in hẳn vào mặt sau các tấm ảnh Thánh Phanxicô với tựa đề “Prière pour la Paix - Kinh Cầu Hòa Bình”. Từ đó, lời cầu xin ơn hòa bình này càng lan truyền khắp châu Âu và rộng rãi trên toàn thế giới.

Riêng trong cộng đoàn dân Chúa ở Việt Nam, từ thập niên 1960 đến nay, nhiều người đã thuộc lòng và hát thành thạo lời kinh này qua bản dịch sang tiếng Việt, mà chúng ta vẫn gọi là Kinh Hòa Bình, do linh mục nhạc sĩ Phêrô Kim Long phổ nhạc. Ngài là một người từ tuổi thiếu nhi đã gia nhập ca đoàn giáo xứ Bách Tính, địa phận Bùi Chu một thời. Khi nhắc đến những bài hát được ví như “Dấu ấn cuộc đời” không thể không nhắc đến bài “Kinh Hòa Bình” bản dịch của linh mục Philíppê Nguyễn Kim Điền (sau này là Giám mục Cần Thơ từ ngày 24/11/1960, rồi làm Tổng Giám mục Huế từ ngày 11/3/1968). Linh mục Kim Long kể: “Cha Điền đưa cho tôi bản dịch nháp, khi tôi mới 20 tuổi. Kiến thức âm nhạc đâu có nhiều, nên cứ đọc đi đọc lại rồi nó thành nhạc, lúc nào cũng dạt dào cảm hứng sáng tác. Sau đó hát thử. Các bạn khen hay và cổ võ chép thành bản nhạc...”. Lời kinh ban đầu có đoạn “đem ủi an đến chốn ưu sầu”. Về sau cảm thấy hai vế không mấy đối nhau, ngài sửa “ủi an” thành “niềm vui” như hiện tại vẫn hát.

Nhân đây, xin ghi chú thêm: Hai câu đầu tiên “Lạy Chúa từ nhân, Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người” và hai câu cuối: “Ôi Thần Linh Thánh Ái, xin mở rộng lòng con, xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn An bình “ chỉ có trong bản tiếng Việt, không có trong các bản văn tiếng Ý, Pháp và Anh. Như vậy, có thể nói rằng câu “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời” là câu kết bài Kinh Hòa Bình (trích theo Đặng Quốc Tuấn trong Hành chánh Miền Đông, số 23 trang 113).

Theo dòng thời gian, qua ghi nhận của tờ L’ Osservatore Romano ngày 20/1/2009, kinh Hòa Bình đã là điểm khởi đầu gây cảm hứng cho nhiều cuộc hội họp đặc biệt có tính cách quốc tế như:

* Cuộc gặp các Tôn giáo tại Nairobi năm 1975 và năm 1986 tại Assisi.
* Lễ nhậm chức Thủ tướng Anh của bà Margaret Thatcher (1979).
* Mẹ Têrêsa Calcutta nhận giải Nobel Hòa Bình (Oslo 1979).
* Tổng Giám mục Desmond Tutu nhận giải Nobel Hòa Bình(Nam Phi 1984).
* Diễn văn của Tổng thống Bill Clinton chào đón Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II...

Để đánh dấu tròn nửa thế kỷ “Kinh Hòa Bình” chính thức xuất hiện tại Giáo hội Việt Nam (1960 - 2010), trong bài giảng Thánh lễ ngày 15/4/2010, tổ chức tại Thánh đường giáo xứ Phú Trung (quận Tân Bình, giáo hạt Tân Sơn Nhì, Tổng giáo phận TP.Hồ Chí Minh), Đức Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Giám mục Phan Thiết, Chủ tịch Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đã cảm xúc dạt dào nói về kinh Hòa Bình: “...Hễ bài hát được cất lên ở bất cứ nơi đâu, là y như rằng toàn thể cộng đoàn ở đó có thể vào nhịp ca hát một cách tự nhiên, không cần văn bản và cũng chẳng cần giữ nhịp... Bài hát được ngân nga trong lời kinh cá nhân cũng như trong kinh nguyện gia đình, giữa hội đoàn hay giữa cộng đoàn phụng vụ. Khi vui, người ta hát đã đành. Nhưng ngay cả khi buồn đau tang chế, cũng vẫn ca khúc ấy được hát lên... Có lẽ vì giai điệu mượt mà, bình dị, gần gũi với mọi tâm hồn yêu Hòa Bình...”. Một bài ca đầy ấn tượng đi vào lòng người.

Quả thật, bài ca, lời kinh Hòa Bình đã vượt qua thời gian và không gian, mãi mãi là niềm hy vọng hòa bình cho muôn người. Kinh Hòa Bình luôn được cất lên vang vọng khắp nơi, đem lại an bình cho trần thế.
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Những con đường hoa ở Vụ Bản (15/08/2022)
Đức Mẹ an ủi tôi (15/08/2022)
Đại hội Đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Kiên Giang (14/08/2022)
Bế mạc Hội nghị Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 13, khóa IX (08/08/2022)
Cây đàn nặng 9 tấn đã từ Nhật Bản về Nhà thờ lớn Hà Nội (08/08/2022)
Hành hương nơi đảo xa (08/08/2022)
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kết thúc tốt đẹp chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào, Campuchia (08/08/2022)
Tổng kết 5 năm phong trào thi đua yêu nước 'Sống tốt đời, đẹp đạo' trong đồng bào Công giáo thị xã Bỉm Sơn giai đoạn 2017-2022 (31/07/2022)
Hội nghị Tổng kết 5 năm phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo huyện Phú Xuyên nhiệm kỳ 2017 - 2022 (31/07/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log