Phối hợp hành động Để triển khai hiệu quả và lan tỏa phong trào, MTTQ các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn đã hiệp thương, thống nhất, phân công nhiệm vụ, việc làm cụ thể cho các tổ chức chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp phụ nữ đảm nhận vận động hội viên thu gom chai nhựa và túi ni-lông tái sử dụng làm gạch sinh thái, xử lý rác thải vô cơ, xây dựng các tuyến đường hoa; Hội Nông dân vận động hội viên, hộ gia đình làm thùng đựng, thu gom, xử lý rác thải hữu cơ; Đoàn Thanh niên xây dựng điểm rác thải xanh ở các nhà văn hóa thôn bản; Hội Cựu Chiến binh tuyên truyền vận động xử lý rác thải tại nguồn. Tại một số địa phương, Hội Phụ nữ đã xây dựng các mô hình chị em dùng làn thay túi ni-lông khi đi chợ, hạn chế sử dụng túi ni-lông trong cuộc sống hàng ngày. Hội Nông dân vận động các hội viên không vứt bao bì thuốc bảo vệ, chăm sóc thực vật hay các loại túi ni-lông ra đồng, ra rừng.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp cũng xây dựng, nhân rộng các mô hình tổ, nhóm tự quản thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa ở tất cả các khu dân cư; tuyên truyền vận động nhân dân, hộ gia đình ký cam kết tự giác thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải, chống rác thải nhựa. Toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.200 mô hình tự quản về xử lý rác thải và chống rác thải nhựa.
Sau khi tích cực tuyên truyền hướng dẫn và phối hợp cùng các tổ chức chính trị- xã hội triển khai, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” được các gia đình tích cực hưởng ứng thực hiện bằng những hành động thiết thực: Phân loại rác thải ngay tại gia đình, mỗi hộ có 1 xô đựng rác hữu cơ và 1 xô đựng rác vô cơ; đồng thời hạn chế sử dụng túi ni-lông và các sản phẩm bằng nhựa dùng một lần. Nhiều gia đình đã bố trí chỗ chứa rác thải nhựa riêng tại vườn nhà để thu gom đến nơi tập kết xử lý hoặc đem bán. Những gia đình có diện tích đất rộng đã đào hố xử lý rác hữu cơ, vừa giảm thiểu rác thải ra môi trường vừa kết hợp làm phân bón cho cây trồng; người dân chung tay xóa bỏ các điểm tập kết rác tự phát, chỉnh trang đường làng ngõ xóm.
Lan tỏa hầu khắp các khu dân cư Tại thành phố Tuyên Quang, tất cả 15/15 xã, phường trên địa bàn thành lập được 45 mô hình tổ tự quản về phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải nhựa. Các thành viên trong tổ tự quản tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại rác thải ngay tại gia đình, khuyến khích việc xây hố xử lý rác thải hữu cơ. Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức đổi rác thải nhựa lấy vật dụng gia đình; Thành đoàn tổ chức thu gom rác thải nơi công cộng; Hội Nông dân thành phố phát động phong trào thu gom bao bì, thuốc bảo vệ thực vật.
Tại xã Trung Hòa (Chiêm Hóa), Ủy ban MTTQ xã đã thành lập được 10 tổ tự quản ở 10 khu dân cư với hàng trăm thành viên tham gia, Trưởng ban Công tác Mặt trận là tổ trưởng, phó ban Công tác Mặt trận là tổ phó; trưởng các chi hội đoàn thể và các hộ gia đình của khu dân cư là thành viên của tổ tự quản. Hằng tháng, tổ chức ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về công tác vệ sinh môi trường.
Theo đánh giá của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, sau gần một năm triển khai, phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa” đã nhận được sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn với 1.733/1.733 khu dân cư ký cam kết bảo vệ môi trường; 7/7 huyện, thành phố và 138/138 xã đã tổ chức phát động phong trào, qua đó góp phần tích cực vào việc thực hiện Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 22/10/2020 của UBND tỉnh Tuyên Quang về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Trong Chỉ thị số 06/CT-UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh được đề nghị: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các biện pháp tái chế, tái sử dụng, giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông; vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phong trào “Tuyên Quang chung tay xử lý rác thải và chống rác thải nhựa”. Phối hợp với các ngành chức năng và chính quyền địa phương vận động các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng ký cam kết về phòng chống rác thải nhựa; xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư về thực hiện thu gom, xử lý rác thải và chống rác thải nhựa, từng bước giảm thiểu và tiến tới không dùng túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.