Đầu tiên đó là bài học về sự dân chủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn “lấy dân làm gốc”, ngay cả khi đất nước vừa mới thoát khỏi cảnh lầm than, còn quá non trẻ, đến hơn 90% người dân còn mù chữ, ấy vậy mà Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn muốn mở ra cuộc Tổng tuyển cử văn minh và dân chủ. Để người dân có thể nói lên tiếng nói riêng, thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng; tức là dân chủ, đoàn kết. Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân”.
Ngay sau đó, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề nghị tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử để bầu ra Quốc hội. Ngày 06/01/1946, là ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên. Trên báo Cứu quốc số 134 ra ngày 5/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời kêu gọi toàn dân đi bầu cử, thể hiện quyền độc lập dân chủ của đất nước ta: “Ngày mai mùng 1 tháng Giêng năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ”, “Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình”, “Ngày mai, quốc dân sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã: Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chống bọn thực dân, kiên quyết tranh quyền độc lập”… Trong không khí dân chủ mới hiện nay, chính những việc làm bài học đó đã khích lệ nhiều người ra tranh cử và ứng cử để chọn nhân tài giúp đất nước.
Cũng trong cuộc Tổng tuyển cử này, chúng ta còn học được bài học về niềm tin. Ta có thể hiểu đó là niềm tin của dân với Chính phủ để chọn lựa những người vừa đủ đức lại vừa đủ tài, có đủ bản lĩnh, đủ mưu trí đủ quyết tâm làm sao đưa đồng bào ta ra khỏi nghèo khó, đặt những viên gạch vững chắc trong công cuộc xây dựng đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đưa ra quan điểm rằng: “Tổng tuyển cử là dịp cho toàn thể Quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Những người trúng cử phải ra sức để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào”. Tin vào dân, tin vào lựa chọn của nhân dân, để tự người dân bầu ra người lãnh đạo mình, đưa đất nước phát triển đây là bài học hết sức quý giá.