Tin tức - Hoạt động

Lặng thầm gieo chữ 'trên mây'

Cập nhật lúc 21:07 05/11/2022
Thực hiện thiên chức cao quý của mình, những giáo viên cắm bản chấp nhận xa gia đình, xa con, gửi gắm tình riêng ở lại, gắn bó với bản làng hàng chục năm; tận tâm, tận lực, tận tụy với công việc. Hạnh phúc của những người giáo viên này chỉ đơn giản là mỗi ngày thấy học sinh đến trường đầy đủ và thuộc bài.
Huồi Cọ là một trong những bản ở vùng cao biên giới heo hút nhất ở cực Tây huyện Tương Dương
Huồi Cọ là một trong những bản ở vùng cao biên giới heo hút nhất ở cực Tây huyện Tương Dương
Dạy học "trên mây"

Huồi Cọ là một trong những bản ở vùng cao biên giới heo hút nhất ở cực Tây huyện Tương Dương (độ cao từ 1.200 -1.500m so với mặt nước biển). Bản được hình thành vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước, từ một vài hộ người dân tộc Mông ở bản Huồi Mới, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong di cư về… Nhiều năm trước, cuộc sống của người dân Huồi Cọ cặm cụi, mịt mờ trong sương. Lũ trẻ không đủ quần áo ấm, không có trường, có lớp. Khi chưa kịp lớn lên, đám trẻ đã lên rừng phát, đốt rẫy tra hạt. Đời nối đời sống trên đá bấp bênh.

Ngày nay, Huồi Cọ đã là một bản lớn với 63 hộ, trên 300 nhân khẩu. Vào bản đã có đường bê tông nối với quốc lộ, đi về huyện chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ. Bản có điện lưới, có trường học. Dân bản đẩy mạnh phong trào phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò, dê, thâm canh lúa nước. Vào năm 2020, Huồi Cọ là bản biên giới đầu tiên của Nghệ An đạt chuẩn bản nông thôn mới.

Sự phát triển của Huồi Cọ hôm nay không thể tách rời với công lao của những người thầy, cô giáo cắm bản. Ở bản, từ nhiều năm trước, 2 điểm trường mầm non và tiểu học đã được thành lập (học sinh vào cấp 2 được chuyển ra trường nằm ở trung tâm xã học bán trú). Nhiều thế hệ thầy cô đã về bản. Trong điều kiện trường lớp tạm bợ, họ không ngừng vượt khó để dạy cái chữ cho con em. Theo dân bản, từ những lớp học đơn sơ đó, đã có gần 30 cháu phát triển, học lên cao rồi có trình độ đại học.

Trong cái mịt mờ lưng chừng trời, tiếng cô trò đọc bài vang vang cả núi đồi…
Trong cái mịt mờ lưng chừng trời, tiếng cô trò đọc bài vang vang cả núi đồi…

Đến thăm điểm trường tiểu học Huồi Cọ vào những ngày đầu tháng 11. Trường lớp kiên cố nằm trên lưng chừng đồi ngay phía đầu bản. Bây giờ đã bắt đầu vào mùa mưa, sương mù hóa mưa lạnh bủa vây, phủ xuống điểm trường. Trong cái mịt mờ lưng chừng trời, tiếng cô trò đọc bài vang vang cả núi đồi… Năm học 2022 - 2023, điểm trường có 2 lớp học gồm lớp 1 và lớp 2, với 21 học sinh. Học sinh lớp 3, 4, 5 đều được chuyển ra học bán trú tại điểm trường chính cách đó 20km. Điểm trường có 2 cô giáo “thường trực” thực hiện nhiệm vụ dạy học ở Huồi Cọ.

Cô giáo Lô Thị Vương, 36 tuổi, ở điểm trường tiểu học Huồi Cọ chia sẻ: “Trước đây, điểm trường tạm bợ. Nhà ở giáo viên và lớp học đều làm bằng gỗ. 3 năm trước điểm trường kiên cố, khang trang với đầy đủ điện nước được xây dựng và đưa vào sử dụng. Nhờ vậy, hoạt động dạy học cũng như điều kiện sinh hoạt của giáo viên cũng đỡ đi phần nào khó khăn”… Đây là năm đầu tiên cô giáo Vương và cô giáo Kha Thị Hòa (45 tuổi) được Trường PTDT bán trú Tiểu học Nhôn Mai phân công về dạy ở điểm cao này. Với hai cô giáo, được dạy học ở "trên mây" là một trải nghiệm hết sức thú vị.

Các thầy cô giáo ở vùng cao vẫn thường ngại nói về khó khăn nhưng thực sự để đem được “cái chữ” cho học trò, bản thân họ phải vượt qua rất nhiều trở ngại. Với cô Vương (nhà ở xã Tam Đình), cô Hòa (nhà ở xã Lưu Kiền), quãng đường từ trường về nhà đều trên 150km. Trong điều kiện bình thường, 1-2 tuần họ mới về nhà 1 lần. Lên với Huồi Cọ, họ đối mặt với sự thiếu thốn do bản không hàng quán. Muốn mua gì thì phải vất vả lên xuống dốc núi cao. Họ đối mặt với sự cô đơn cùng cực khi mà chưa thể hòa nhập với phong tục, lối sống của dân bản. Ở đây, người dân vẫn đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về; đêm ngủ sớm; ít sự giao tiếp… Chưa kể, điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Mùa nóng nắng khô người. Mùa mưa, suốt tháng không thấy mặt trời, sương mù lạnh buốt.

Về dạy học, các cô giáo cũng rất vất vả khi mà các học sinh đều chưa biết tiếng Việt. Để truyền đạt cho học sinh hiểu thì giáo viên phải sử dụng song ngữ (tiếng Việt và tiếng Mông), cũng như cần sự kỳ công. Các em ở trường vừa mới học được ít tiếng Việt, về đến nhà giao tiếp với bố mẹ bằng tiếng Mông, hôm sau đến trường lại quên những từ đã học. Cô giáo Kha Thị Hòa chia sẻ: “Khó nhất vẫn là dạy cho các em môn Toán, Văn, luyện từ và câu. Để các em học hiểu bài, các cô chỉ có thể kiên trì và kiên trì hơn để dạy từng bước một”.

Bây giờ đã bắt đầu vào mùa mưa, sương mù hóa mưa lạnh bủa vây, phủ xuống điểm trường. Trong cái mịt mờ lưng chừng trời, tiếng cô trò đọc bài vang vang cả núi đồi
Bây giờ đã bắt đầu vào mùa mưa, sương mù hóa mưa lạnh bủa vây, phủ xuống điểm trường.

Mùa mưa đã về, rét mướt theo gió lùa vào phòng học. Quây bạt che chắn tránh ướt cho giường ngủ, bước xuống bếp lửa sưởi ấm, cô giáo Hòa chia sẻ nỗi niềm: “Cuộc sống người dân vùng cao đã đỡ phần nào vất vả nhưng các em học vẫn chưa thể đủ ăn, đủ ấm. Mong rằng, có nhiều hơn sự sẻ chia của xã hội đối với các em… Về phần giáo viên chúng tôi thì chỉ mong rằng mình đủ sức khỏe để phục vụ tốt sự nghiệp giáo dục nơi đây. Mỗi sáng mai, thấy các em đến trường đầy đủ, thuộc bài đã là một niềm vui, hạnh phúc lớn nhất rồi”.

Sự chia sẻ, thương yêu

Ở xã biên giới Nhôn Mai, mỗi điểm trường đều có một khó khăn riêng. Khó khăn nhất phải kể đến là điểm trường bản Huồi Măn – Nơi đây có điều kiện tương tự như bản Huồi Cọ, tuy nhiên đường vào bản, vào điểm trường là đường đất, độ dốc rất lớn, không thể đi vào bằng phương tiện cơ giới. Để vào được điểm trường Huồi Măn, các giáo viên phải đi bộ 4 - 5 giờ đồng hồ cho quãng đường 8km. Hoặc như với các điểm trường Piêng Luống, Piêng Òi – nằm biệt lập trong lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ, giáo viên phải vượt sông. Và ngay cả điểm trường chính cũng vậy…

Thầy giáo Trần Đức Quỳ - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường PTDT bán trú Tiểu học Nhôn Mai cho biết: Hiện trường có 7 điểm lẻ gồm các điểm trường bản Nả Hỉ, Na Lật, Xói Voi, Huồi Cọ, Huồi Măn, Phiêng Luông và Piêng Òi. Tổng sĩ số là 460 học sinh. 2 năm nay, trường thực hiện bán trú, phần lớn học sinh lớp 3 - 4 - 5 được đưa về điểm trường chính học bán trú. Hiện tổng số học sinh bán trú là 160. Thực hiện học bán trú, nhà trường dành tất cả phòng cho học sinh thế nên giáo viên thiếu phòng ở. Nhà công vụ không đủ, 8 giáo viên phải ra thuê nhà dân ở ngoài với giá trung bình 200.000 đồng/người/tháng. Nhà trường cũng đã tính sắp xếp họ về các điểm lẻ gần đó để ở tạm tuy nhiên lại bất tiện trong việc trực bán trú.

Cũng theo thầy Quỳ, Trường PTDT bán trú Tiểu học Nhôn Mai đang có 41 cán bộ, giáo viên. 2/3 số giáo viên này là không phải người bản địa. Mỗi lần về nhà, lên trường, các giáo viên đều phải vượt hàng trăm km. Cuộc sống của giáo viên trường còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những giáo viên ở điểm bản. Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường cũng đã tìm nhiều cách để giúp đỡ giáo viên như mua sắm, hỗ trợ các vật dụng thiết yếu hàng ngày ở điểm lẻ. Tuy nhiên, vẫn phải nói rằng do nguồn lực hạn chế, việc hỗ trợ chủ yếu vẫn là động viên về mặt tinh thần.

Để đảm bảo công bằng cũng như với tinh thần hỗ trợ cao nhất, vào đầu năm học, Ban Giám hiệu và Công đoàn nhà trường đã họp, cố gắng sắp xếp nhân sự thật tốt theo nguyên tắc: Giáo viên nữ đang nuôi con nhỏ, giáo viên có sức khỏe yếu thì ưu tiên dạy ở điểm chính; thực hiện vận động các thầy cô là người địa phương vào dạy tại các điểm khó khăn. Thầy giáo Trần Đức Quỳ chia sẻ: “Tất cả các giáo viên nhà trường đều hết sức trách nhiệm với công tác giảng dạy, yêu nghề yêu trẻ. Nhiều người xung phong vào các điểm lẻ để thay cho đồng nghiệp của mình đã “cắm bản” lâu năm, như cô giáo Vương, cô giáo Hòa ở Huồi Cọ là hai trong số đó”.

Mùa mưa, Huổi Cọ chìm trong sương mù lạnh buốt, suốt tháng không thấy mặt trời.
Mùa mưa, Huổi Cọ chìm trong sương mù lạnh buốt, suốt tháng không thấy mặt trời.

Ở Nghệ An hiện đang có hàng ngàn giáo viên cắm bản, có những người đã gắn bó với bản làng hàng chục năm. Thực hiện thiên chức phát triển giáo dục, phát triển chất lượng nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, họ chấp nhận xa gia đình, xa con, gửi gắm tình riêng ở lại, tận tâm, tận lực, tận tụy “gieo” chữ. Mong rằng, những giáo viên cắm bản đó sẽ ngày càng được quan tâm, động viên, hỗ trợ nhiều hơn. Mỗi một sự quan tâm, hỗ trợ nhỏ nhất cũng là động lực to lớn để họ vững vàng, cống hiến – như cô giáo Kha Thị Tý (49 tuổi đời và 30 năm tuổi nghề; gia đình hiện ở tỉnh Nam Định, mỗi năm chỉ về nhà 1 lần, đang dạy học điểm trường tiểu học và mầm non bản Chà Lâng, xã Hữu Khuông) tâm tình: “Nhiều khi cũng chỉ mong có ai đó lên để nói chuyện cùng mà thôi”!

Thành Chung - Đức Anh
https://baonghean.vn/
Thông tin khác:
Tập huấn kiến thức, kỹ năng công tác dân tộc cho cán bộ cơ sở (05/11/2022)
Khởi sắc từ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc (05/11/2022)
Hiệu quả từ thực hiện chính sách dân tộc ở Thái Nguyên (05/11/2022)
Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chúc mừng tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (03/11/2022)
Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện về quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu (02/11/2022)
Mục tiêu cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng (02/11/2022)
Bổ nhiệm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Tp. Hồ Chí Minh (01/11/2022)
Hà Giang giảm mạnh hộ nghèo nhờ thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ (31/10/2022)
80 tác phẩm đoạt Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XV (30/10/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log