Tin tức - Hoạt động

Lên miền đất mưa

Cập nhật lúc 15:54 26/11/2020
Là nơi khởi đầu dãy núi Hoàng Liên tuy không có đỉnh núi cao như Phansipăng nhưng ở Ý Tý, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai cũng có bốn năm đỉnh núi xấp xỉ 3.000 mét. Bởi vậy lên Ý Tý mọi người đều tưởng ở Sa Pa.
Khu đô thị du lịch Ý Tý nằm trong địa giới hành chính xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trên diện tích hơn 8.600 ha.
Khu đô thị du lịch Ý Tý nằm trong địa giới hành chính xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, trên diện tích hơn 8.600 ha.
Là nơi khởi đầu dãy núi Hoàng Liên tuy không có đỉnh núi cao như Phansipăng nhưng ở Ý Tý, huyện Bát Xát tỉnh Lào Cai cũng có bốn năm đỉnh núi xấp xỉ 3.000 mét. Bởi vậy lên Ý Tý mọi người đều tưởng ở Sa Pa. Ý Tý không có ngày hè nóng nực nhưng mùa đông đến hầu như năm nào băng tuyết cũng phủ trắng núi, trắng rừng có khi tới cả tháng trời. Rét chỉ cho lúa ngô sống vụ mùa nên sau thu hoạch, ruộng nương ngủ li bì. Trước đây, do tệ thả rông gia súc nên rét buốt thừa cơ quật ngã hàng trăm con trâu ngựa. 
Đâu chỉ riêng trời trên đầu làm khó cho người Ý Tý mà đất dưới chân cũng hành khổ. Trên 8.650 héc ta đất tự nhiên ấy nằm trên độ chênh cao gần 2.000 mét chỉ có chừng mươi héc ta đất bằng tự nhiên nhưng không nơi nào rộng bằng một sân bóng đá và đến đâu chân cũng vấp vào đá. Đá ngồi trong bản che khuất những ngôi nhà trình tường. Đá như lợn con, nằm khắp đường làng ngõ xóm. Để có được hơn 3.500 héc ta ruộng bậc thang, người ta phải vùi sâu đá xuống đất, xếp đá làm bờ ruộng cao quá đầu người. 
Mấy chục năm trở về trước bà con các dân tộc ở Ý Tý quanh năm đói nghèo. Cái đói chiếm cứ nơi ở của cum lúa, bắp ngô bởi một hạt ngũ cốc cũng không còn. Người dân Ý Tý đành tìm củ mài củ nâu. Cái nghèo bắt lớn bé già trẻ khoác tấm chăn chiên đi nương vừa làm chăn khi ngủ. Cái nghèo bắt trẻ con không được đi học, theo bố mẹ đi tìm miếng ăn.    
Từ khi làn gió công cuộc đổi mới thổi lên thì đời sống của người dân Ý Tý dần dần thay đổi. Giống lúa, ngô lai năng suất cao liên tiếp thay nhau trèo dốc lên Ý Tý, giúp người dân nơi đây thoát cảnh đói triền miên. Máy cày nhỏ, máy tuốt lúa đa năng nổ giòn giã mỗi vụ làm đất hay gặt mùa. Những mái tôn đỏ tôn xanh thay mái cỏ xám sỉn bám đầy rêu xanh, dù vẫn là nhà trình tường truyền thống. 
Cuối năm 2001, hơn 20 cây số đường ô tô từ Dền Sáng xuyên rừng già lên tới trung tâm xã Ý Tý giúp cho vùng đất mưa bước lên đường làm ăn mới. Truyền thống đoàn kết của ba dân tộc Hà Nhì, Mông và Dao cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã tạo thành sức mạnh mới để Ý Tý vươn lên. 
Cũng như mọi vùng quê, khâu đột phá giữ thế chủ công trong xây dựng nông thôn mới là phát triển kinh tế. Mỗi năm quay thóc trên sàn ngày một nhiều hơn, riêng năm nay người Ý Tý chở về nhà gần 1.800 tấn tóc và gần 760 tấn ngô. Không còn cảnh người đói ăn, gia súc gia cầm đói ăn nên người Ý Tý vững vàng mở rộng đất đai trồng các loại cây có thu nhập cao và thêm việc làm lúc nông nhàn. Hơn 60 héc ta xuyên khung và 10 héc ta đương quy đã đưa về hàng chục tỷ đồng. Dăm năm nay cây hoàng sin cô nhập hộ khẩu về nhưng nhanh chóng đứng vào đội ngũ xóa đói giảm nghèo vì cho thu mỗi năm hơn chục tỷ đồng. 
Vài chục năm về trước, người Ý Tý đâu dám nghĩ tới những nghề thủ công nghiệp hiện đại. Bây giờ thôn bản nào cũng có cửa hàng sửa chữa xe máy, gò hàn và sửa các máy nông cụ, đồ điện dân dụng mà thợ đều là người Ý Tý. Sự hội tụ của vùng khí hậu mát mẻ trong lành, của cảnh quan thiên nhiên sinh động và bản sắc dân tộc nên Ý Tý trở thành khu du lịch lý tưởng. Dù bị dịch covid-19 ngăn trở nhưng 6 tháng đầu năm nay Ý Tý đã đón hơn 5.000 khách trong và ngoài nước. Hàng chục ngôi nhà trình tường của Ý Tý đã trở thành hometay với đầy đủ tiện nghi tiên tiến. 
Phát triển kinh tế đã dẫn đường cho cuộc sống Ý Tý đi lên. Ngày ngày hơn 1.600 học sinh từ hệ mẫu giáo tới trung học cơ sở nô nức đến trường. Đến nay có hàng chục thanh niên Ý Tý đã cầm về quê tấm bằng đại học mà trước đây cha ông họ không hề có được. Những chàng trai cô gái ấy người rời dốc Nhù Cồ San xuống núi về huyện về tỉnh và về tận miền xuôi công tác, người ở lại quê đưa tri thức góp phần xây dựng quê hương. 
Đến Ý Tý hôm nay không còn cảnh chống gậy trèo đèo lội suối. Đường ô tô từ Mường Hum lên từ A Mú Sung sang và từ Trịnh Tường lên chỉ có 35 cây số rải nhựa mịn màng. Đường từ xã xuống các thôn bản và ngõ vào tận nhà dân đều được đổ bê tông cho ô tô chở hàng hóa, đưa đón khách về dự lễ hội khô khô già già độc đáo của người Hà Nhì. Dù có đường ô tô và xe máy vào tận sân nhà nhưng nhiều bản vẫn lưu giữ con đường cũ gập ghềnh để khách du lịch trải nghiệm một thời gian khổ trước đây. 
Rời Ý Tý xe chúng tôi ra về trong cuối chiều êm dịu. Những dải ruộng bậc thang đang vào kỳ thu hoạch khoe màu vàng óng ả xen giữa những khu ruộng bắp cải trồng trái vụ. Không lâu nữa cả vùng đất mưa Ý Tý hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới đồng thời là điểm du lịch văn hóa và sinh thái mời du khách mọi miền lên thưởng ngoạn.
NGUYỄN XUÂN MẪN
Thông tin khác:
Giáo phận Kon Tum: Thánh lễ truyền chức linh mục (26/11/2020)
Năm sự sáng trong tràng chuỗi Mân Côi (25/11/2020)
Động viên toàn dân hoàn thành kế hoạch Nhà nước và đổi mới phương thức hoạt động (25/11/2020)
Pho tượng Đức Mẹ bị bão cuốn đi sau 10 năm rồi bão lại mang về (24/11/2020)
Tài nguyên dầu khí Việt Nam (24/11/2020)
Tăng cường đẩy mạnh công tác dân vận - mặt trận (24/11/2020)
Chúc mừng kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trânnj Tổ quốc Việt Nam (20/11/2020)
Khóa học thường huấn linh mục doàn giáo phận Quy Nhơn (20/11/2020)
Thánh giá Đại hội Giới trẻ Thế giới được trao cho giới trẻ Bồ Đào Nha vào Chúa Nhật 22/11 (19/11/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log