Tin tức - Hoạt động

Mần non tư thục lao đao, tiến thoái lưỡng nan vì dịch bệnh

Cập nhật lúc 06:25 18/10/2021
Từ năm 2019 đến nay, nước ta đã bị bốn đợt dịch COVID-19 hoành hành, các em học sinh, đặc biệt là lứa trẻ mầm non phải ở nhà nhiều tháng nay, để phòng tránh dịch. Thực tế này vô tình đã đẩy các chủ cơ sở mầm non tư thục vào thế tiến thoái lưỡng nan, khó khăn bộn bề, nhất là về tiền thuê mặt bằng.
Vợ chồng chị Tuấn Anh - anh Văn Thuyên là giáo dân quê xa lên Hà Nội lập nghiệp. Dăm năm trước, nắm bắt được nhu cầu gửi trẻ của các gia đình, vợ chồng anh tính chuyện mở cơ sở mầm non tư thục. Đây là ý tưởng  rất trúng với đặc điểm ở thành phố lớn như Hà Nội. Để biến ý tưởng thành hiện thực, anh chị hoạch định và chuẩn bị từng khâu: tìm hiểu các quy định pháp luật liên quan, thủ tục cần thiết, chuẩn bị nhân sự, học hỏi kinh nghiệm và tìm mặt bằng phù hợp cả về diện tích và vị trí địa lý- một vấn đề khó khăn khi mở cơ sở giáo dục mầm non tư thục.
May mắn khi gần khu vực nhà anh chị ở có người cho thuê căn hộ có mặt tiền rộng, đường trước cửa cũng rộng nhưng không quá nhiều phương tiện giao thông qua lại, phù hợp với không gian của cơ sở mầm non. “Kết” địa điểm, anh chị kí hợp đồng thuê mặt bằng 5 năm, ngay sau đó cơ sở Mầm non tư thục Thăng Long ra đời tại phố Vọng, phường Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Với phương châm trọng tín- trọng tình, các giáo viên, nhân viên Mầm non tư thục Thăng Long luôn tận tình chăm sóc các con, chủ động nắm bắt, uốn nắn các con vào nề nếp.  Chỉ vài tháng đến lớp, các con đều ngoan và phát triển tốt cả về trí và lực, được các gia đình quanh khu vực tin chọn. Theo chị Tuấn Anh, chủ cơ sở Mầm non Thăng Long,  lĩnh vực này không chỉ cần tố chất kinh doanh mà quan trọng hơn là phải có tình yêu với các bé. “Có tình thì mình sẽ làm được hết trách nhiệm, hết tâm  huyết để mỗi ngày các bé đến trường là một ngày vui”.
Hoạt động của Mầm non tư thục Thăng Long đem lại hướng phát triển mới trong làm ăn của vợ chồng chị Tuấn Anh- anh Văn Thuyên. Tuy nhiên, từ năm ngoái, hoạt động của cơ sở bị xáo trộn liên tục vì Hà Nội giãn cách xã hội theo quy định để phòng chống dịch COVID-19. Năm nay, thời gian giãn cách kéo dài, đã  hơn năm  tháng trôi qua, Mầm non Thăng Long vẫn cửa đóng then cài. Trong khi tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. 
Theo kinh nghiệm của nhiều người kinh doanh, thuê mặt bằng năm năm thì hai năm đầu hoạt động chỉ để thu hồi số tiền đã bỏ ra đầu tư, sang năm thứ ba mới có lãi nhưng nếu dính đại dịch thì thật khó mà thu hồi vốn. Hiện nhiều hộ kinh doanh thuê mặt bằng đang ở thế tiến thoái lưỡng nan: mặt bằng vẫn phải duy trì theo hợp đồng, trả không xong, hoạt động kinh doanh thì lúc được lúc không.
Với chị Trần Thị Gấm, giáo dân từ Nam Định lên Hà Nội, dịch COVID-19 đã khiến chị không thể vớt vát hoạt động kinh doanh giáo dục mầm non tư thục, vì ba năm trước, thuê mặt bằng lâu dài là rất khó, nên khi tìm được địa điểm ưng ý tại phố Nguyễn Cơ Thạch, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội, chị đã kí hợp đồng thuê năm năm, thanh toán trọn gói một lần với số tiền cả tỷ đồng. Năm ngoái, trường hoạt động không ổn định vì dịch, năm nay dịch nghiêm trọng hơn, chị đành phải đóng trường, về quê. Xót xa số tiền bỏ ra, chị tìm cách cho thuê lại  mặt bằng nhưng COVID thất thường, chẳng ai giám thuê. “Hoạt động trông trẻ liên quan trực tiếp đến sức khỏe các bé. Dù hết giãn cách xã hội, được phép hoạt động trở lại thì cũng ít gia đình đem con đi gửi. Dịch triền miền nên giáo viên, nhân viên cũng đã chấm dứt hợp đồng lao động rồi, giờ tìm nhân sự cũng khó”, chị Gấm chia sẻ. 
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non- Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, các cơ sở giáo dục tư thục rất khó khăn khi phải tạm dừng hoạt động. Nhiều trường làm mọi cách để níu chân giáo viên như: tặng gạo, hỗ trợ 0,5-1 triệu đồng, nhưng đa phần các đơn vị không còn sức để níu giữ nhân viên vì dịch kéo dài. 
Theo chính sách của UBND TP.Hà Nội, người lao động làm việc tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở cấp giáo dục mầm non, mẫu giáo… có  hợp đồng lao động nhưng phải tạm hoãn thực hiện, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên do cơ sở giáo dục tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người. Số tiền này chỉ quá ít ỏi so với thời gian 5 tháng  giáo viên, nhân viên mầm non tư thục không có việc làm.
Hiện nay, Hà Nội đã nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng  chủ nhân nhiều cơ sở mầm non cho biết, muốn khôi phục hoạt động trở lại phải chuẩn bị rất vất vả vì chưa có giáo viên, nhân viên, hơn nữa tình hình hiện nay được xác định là sống chung với dịch nên rất bấp bênh. Do vậy, đành cố cầm cự, rồi nghe ngóng tính cách phục hồi từng bước.
BA
Thông tin khác:
Phật giáo Việt Nam tích cực đồng hành trong bảo vệ môi trường (18/10/2021)
Phát huy hiệu quả nguồn lực các tôn giáo, góp phần tích cực vào an sinh xã hội (17/10/2021)
Thắp sáng niềm tin, nâng bước học trò nghèo thủ đô (16/10/2021)
Tặng quà hỗ trợ đồng bào Công giáo khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 (15/10/2021)
Phong trào thi đua đặc biệt (15/10/2021)
Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam chúc mừng Ngày Doanh nhân Việt Nam (14/10/2021)
Các tổ chức tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường (12/10/2021)
Tặng quà người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, ảnh hưởng dịch (11/10/2021)
Hơn 19.310 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid - 19 (10/10/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log