Ngay khi Mùa Vọng vừa mới về, lòng người Công giáo đã rộn lên những niềm vui háo hức đan xen những hoạt động sôi nổi chuẩn bị cho ngày lễ Giáng sinh. Nào là thiệp mừng, nào là điện sao trang trí, nào cây thông Noen, hang đá Belem, nào nghệ thuật diễn nguyện đêm Giáng sinh... Thời gian như bị rút ngắn, không gian như thu nhỏ trong những biểu tượng, những họa tiết được hứng khởi từ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước. Năm nào cũng vậy, nhưng năm nay thì không!
Hiện thế giới đã vượt trên ngưỡng 250 triệu người nhiễm đại dịch Covid-19, trong đó trên 5 triệu người tử vong. Tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 1 triệu người bị nhiễm. Những con số thống kê tạo nên một Giáng sinh buồn!
Thật vậy, vui sao được khi dịch bệnh đang bùng phát và diễn biến phức tạp tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Vui sao được trước những nạn nhân của dịch bệnh, những con số nhiễm bệnh, những người tuyến đầu ngày đêm đang lao tâm chống dịch bao gồm các nhà lãnh đạo, các nhà khoa học, các tổ chức y tế quốc gia và quốc tế; rồi trước cả những hệ lụy của dịch bệnh bao gồm kinh tế, văn hóa, xã hội… đang bị tê liệt? Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết: “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”! Giáng sinh trong khung cảnh giãn cách xã hội làm sao có thể nghĩ đến khung cảnh đông vui được?
Trước bối cảnh thế giới hôm nay, âm thanh vọng về từ lời ca thân thuộc của bài hát “Đêm Belem” do nhạc sĩ Hải Linh sáng tác dường như càng thấm thía hơn: “Đêm đông, lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa”. Thế giới hôm nay cũng đang nếm trải một mùa đông lạnh lẽo do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong bao nhiêu nỗ lực của nền y khoa hiện đại, có không thiếu lời cầu nguyện tha thiết của các tín hữu nài xin Chúa “thương xót chúng con và toàn thế giới”. Khung cảnh đêm đông lạnh lẽo năm ấy sao hợp với bối cảnh hiện đại của thế giới hôm nay đến thế. Vâng, đúng rồi, vì đêm đông lạnh lẽo nên nguồn sáng đã đến để phá tan đêm tối trần gian! Vậy niềm vui Giáng sinh không phụ thuộc vào hình thái tổ chức của con người nhưng là ý nghĩa thần học của ơn cứu độ được trao ban cho nhân loại qua Đức Giêsu Kitô - “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Mặc nhiên, vì thân phận con người là đêm đông giá lạnh nên niềm vui không bừng lên từ trái đất, nhưng từ trời mà xuống. Sự thật này buộc ta phải nhìn nhận lại vấn đề. Trần gian có đau thương mới càng cần yêu thương, nhân loại có đi trong đêm tối mới càng cần ánh sáng; thế giới lo âu vì dịch bệnh hôm nay mới càng cần mầu nhiệm Giáng sinh đến sưởi ấm những cõi lòng băng giá!
Hồi cuối năm 1996, tôi có vinh dự được tiếp xúc với Giáo sư bác sĩ Đặng Hanh Đệ, khi đó là Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Việt Đức, giáo sư tâm sự: “Hồi còn sinh viên, năm nào tôi cũng dự lễ Noen tại nhà thờ lớn Hà Nội. Tôi thích nhất nghe hát thánh ca, bài hát “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời...” hát đêm đông lạnh mà lòng lại thấy ấm áp và rất vui” Niềm vui trào dâng từ trong cõi lòng là tâm thức của người tham dự và làm lan tỏa giai điệu của Thiên thần trong đêm Giáng sinh:
"Vinh danh Thiên Chúa trên trời,
bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14).
Tự bản chất, Giáng sinh là mầu nhiệm cứu độ, Đức Giêsu Kitô đã đến “gánh tội trần gian” và chấp nhận chết trên Thập giá thay cho thân phận phải chết của con người và trao ban lại cho nhân loại sự sống đời đời. Thánh Phaolô đã diễn tả về mầu nhiệm này: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận yếu hèn, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập tự” (Pl 2,6-8).
Dịch bệnh virus SARS-CoV-2 đã khuynh đảo thế giới, tạo bối cảnh buộc xã hội đi vào giãn cách, nhiều hoạt động chuyển sang hình thái online, tương lai hoạch định trong thế thụ động, năng lực hoạt động buộc phải giữ an toàn để sống chung với dịch bệnh, thế giới bước đi trong dò dẫm lo âu… Nhưng trong mầu nhiệm Giáng sinh, đau khổ, dịch bệnh, sự chết từ nay đã được mặc lấy một ý nghĩa cứu độ và được bừng lên niềm hy vọng vào sức sống mới trong mầu nhiệm Phục sinh. Không có Giáng sinh buồn, chỉ có hình thái tổ chức buồn. Giáng sinh bừng lên niềm vui ơn cứu độ không gì ngăn cản được!
Một khi Ánh sáng Ngôi Lời đã đến trong trần gian, thì đêm đông giá lạnh của sự chết sẽ bị tiêu tan. Lời tiên tri Isaia như mãi còn vang vọng:
“Dân đang lần bước giữa tối tăm
đã thấy một ánh sáng huy hoàng;
đám người sống trong vùng bóng tối,
nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi”
(Is 9,1).
Ý nghĩa của ngày lễ Giáng sinh năm nay càng trở nên thấm thía hơn, vì diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh. Sự dữ và đau khổ vẫn còn đó, nhưng dưới lăng kính của triều đại Đấng Cứu Thế
“Sói sẽ ở với chiên con, beo nằm
bên dê nhỏ.
Bò tơ và sư tử non được nuôi chung
với nhau,
một cậu bé sẽ chăn dắt chúng”
(Is 11,6).
Khung cảnh thái bình đó, đến từ Hoàng tử bình an là Đức Giêsu Kitô, Đấng đã mở ra kỷ nguyên cứu độ và cho Giáng sinh một ý nghĩa tràn đầy niềm vui ơn phúc, vượt thời gian, không gian, vượt đau khổ, dịch bệnh và cả sự chết.
“Vì một trẻ thơ đã chào đời để cứu ta,
một người con đã được ban tặng cho ta.
Người gánh vác quyền bính trên vai,
danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh,
người Cha muôn thuở, Thủ Lãnh hoà bình”
(Is 9, 5).
Lm Phêrô Hồng Phúc