Đầu năm 1946, Bác Hồ gửi hai bức thư mời Cụ Huỳnh Thúc Kháng từ miền Trung ra Hà Nội đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Nội vụ trong Chính phủ liên hiệp. Lần đầu, hai người gặp nhau (25/1/1946), cụ Huỳnh thân tình bày tỏ: “Tôi ra đây là cốt gặp cụ, chớ lúc này là lúc cần tăng gia sản xuất mà tôi lại không biết cầm cày, cầm cuốc, lúc cần phải kháng chiến mà tôi lại không mang nổi súng.
Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, ra mắt quốc dân đồng bào tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I, ngày 2/3/1946 (ảnh: TL)
Cụ nên kiến nghị người trẻ, thạo việc để trao nhiệm vụ thì hơn”. Bác Hồ thân tình giải bày: “Chính phủ có 10 bộ, đã có 9 người nhận rồi. Nay xin cụ nhận cho Bộ Nội vụ để Chính phủ ra mắt đồng bào gấp... Việc mời cụ nhận chức vụ này là ý kiến chung của tất cả anh em các đảng phải. Cụ ở trong nước biết rõ trình độ tiến bộ của cả ba kỳ. Đồng thời ba kỳ đều tín nhiệm cụ”. Nắm chặt tay cụ Huỳnh, Bác nói thêm: “Trên con đường tranh đấu giành độc lập, cụ đã đi được 99 dặm, chỉ còn một dặm nữa, xin cụ đừng thoái thác”. Qua những lần tiếp xúc, cụ Huỳnh cảm phục tấm gương quên mình vì dân vì nước của Bác Hồ, cộng thêm thái độ trọng thị, chân thành và khiêm nhường của Bác, cụ Huỳnh vui vẻ nhận việc. Cụ nói: “Nếu cụ thấy ba chữ Huỳnh Thúc Kháng còn chỗ dùng đối với Tổ quốc... tôi hiến cho cụ dùng”. Bác hết sức vui mừng và rất tin tưởng vào tài năng và đức độ của cụ Huỳnh.
Mùa xuân Bính Tuất (1946), Quốc hội khóa I họp tại Hà Nội) cử ông Lê Văn Hiến làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Ông thưa với Bác Hồ: “Tôi chưa có kiến thức về tài chính. Lãnh trách nhiệm này, tôi lo không làm tròn nhiệm vụ”. Bác khuyên: “Chú cứ mạnh dạn nhận công việc được giao. Vừa học, vừa làm, nhất định sẽ thành công”. Được Quốc hội và Bác Hồ tin dùng, ông Hiến dồn hết tâm sức vào công việc. Giữa tháng 11/1946, Bác Hồ gặp và hỏi ông Nguyễn Lương Bằng (phụ trách tài chính của Đảng) và ông Hiến (phụ trách tài chính của Nhà nước): “Hai chú tính xem, vấn đề tài chính và hậu cần phục vụ chiến tranh của ta trong thời gian đầu có thể chịu được bao lâu?”. Hai người thưa: “Hiện nay quốc khố hầu như trống rỗng, mà đâu đâu cũng cần tiền, nhà nước không thể đáp ứng. Nếu chiến tranh xảy ra ngay, ta gặp rất nhiều khó khăn. Kính đề nghị Bác cố giữ cho chiến tranh không xảy ra ít nhất là một tháng nữa, để ta chuyển máy in tiền ra ngoài Hà Nội và xin Quốc hội ra lệnh lưu hành tiền Việt Nam”. Đúng một tháng sau, hai ông báo cáo với Bác: “Nhà máy in tiền và sản xuất giấy đã được lắp đặt tại đồn điền Chi Nê, Hòa Bình, chuẩn bị in “Đồng bạc Cụ Hồ”. Thế là ngày 19/12/1946, Bác Hồ phát lệnh “kháng chiến”.
Mùa xuân Kỷ Sửu (1949), từ Việt Bắc, Bác Hồ gửi thư cho hoàng thân Ưng Úy (chú ruột Bảo Đại): “Kính thưa cụ Ưng Úy tại Huế. Trước hết, tôi xin gửi lời thăm sức khỏe của cụ và quý quyến, xin chúc cụ được nhiều sức khỏe. Sau đây, xin mời cụ tham gia kháng chiến để chúng ta tiếp tục sự nghiệp bỏ dở của các vị tiền bối Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân là đánh đuổi thực dân Pháp, dành độc lập cho dân tộc, cho Tổ quốc”. Hoàng thân Ưng Úy đọc thư, xúc động: “Cụ Hồ thật nhơn đức. Cụ đã cứu thằng cháu ta thoát khỏi đoạn đầu đài, còn cho ngôi Cố vấn tối cao. Vậy mà... chứ nó lại ký cái hiệp ước Élysée với Pháp nhận là Quốc trưởng quốc gia Việt Nam trong Liên hiệp Pháp ô nhục ra rứa”. Cụ thở dài rồi nói với người đưa thư là Ưng Trí (cháu họ, làm việc trong UBKC Huế): “Từ lâu tôi ưng ra với mặt trận mà chưa đặng. Lúc ni thuận dịp xin cho tui ra để trực tiếp đứng trong hàng ngũ, noi theo gương cụ Hồ chống ngoại xâm”... Thế là cụ và cụ bà được tổ chức đón ra chiến khu sống với lực lượng kháng chiến chống thực dân Pháp. Cụ đảm nhận vị trí Trưởng ban Vận động tòng quân tại Liên khu Tư”
Hải vân