Truyền thống đạo:
Đạo Thánh Chúa được các nhà truyền giáo rao giảng trên đất nước Việt Nam từ đầu thế kỷ 16, nhưng trải qua năm tháng đầy khó khăn, các thừa sai phải trốn tránh, giáo dân phải phân tán... mãi đến cuối thế kỷ 18, một vài giáo dân trốn tránh mới đến vùng đất này lập nghiệp; theo tương truyền thì họ có 6 người, lập nên làng nhỏ, đặt tên là Thạch Tuyển.
Chỉ từ 6 người Công giáo, họ lập thành gia đình và sinh sống ở đây. Nhờ vào sự trung thành với Đức tin của Chúa, trải qua thời gian, ánh sáng Tín Mừng đã lan dần đến người xung quanh, số người gia nhập đạo ngày một đông và các thừa sai đã quan tâm chăm sóc. Đến thời vua Tự Đức giáo dân đã có khoảng 600 người, tuy nhiên lúc ấy làng vẫn còn một số chưa theo đạo, mãi đến đầu thế kỷ 20, làng mới trở thành làng Công giáo toàn tòng và đổi tên thành Thạch Bích như hôm nay.
Một yếu tố đáng ghi nhớ là, trong thời kỳ bắt đạo, năm 1858, Đức cha Retord (Liễu) làm Giám mục Tây Kỳ Hà Nội, trong khi thi hành sứ vụ chăm sóc đoàn chiên, lính địa phương đã bắt giam ngài tại đình làng Khe Tang (cạnh Thạch Bích) chờ giao nộp quan trên để lĩnh phần thưởng. Một số giáo dân Thạch Bích dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Tâm đã đi giải cứu, đặc biệt không một ai bị thương vong.
Năm 1862, sau khi vua Tự Đức kí Hòa ước Nhâm Tuất, số phận chung của các tín hữu được đối xử nhẹ tay hơn, những người đi sơ tán lại trở về xây dựng quê hương. Thời gian này, Thạch Bích được dựng ngôi nhà thờ nhỏ và phòng tạm trú cho các cha về Làm Phúc, đó là ngôi nhà thờ ba gian; thời gian này, Thạch Bích là một giáo họ của xứ Sơn Miêng.
Đến thời Đức cha Gendeau (Đông) làm Giám mục đại phận, ngài đã cho Thạch Bích trở thành giáo xứ và cử cha Phêrô Điềm làm cha xứ tiên khởi. Và số giáo dân đông khoảng 1.500 người, cha xứ trực tiếp coi sóc, ngôi nhà nguyện cũ chỉ có ba gian chật hẹp, cha con đã quyết định xây dựng nhà thờ mới. Vị trí trung tâm làng được lựa chọn, một số giáo dân hy sinh di dời nhà ở, tạo khu đất thật vuông vắn, khang trang được chuẩn bị nhanh chóng. Họa đồ được chọn là bản vẽ của ông Đốc. Thân họa kiểu, và cũng được chính ông trực tiếp coi sóc công trình. Vật liệu và nhân công điều do giáo dân hợp sức đóng góp. Được nghe kể lại, gia đình khá giả đốt hai lò gạch, vừa thì hai gia đình chung một... để góp gạch xây dựng. Làng hiện có nhiều ao chính là giáo dân đã lấy đất đem làm gạch. Gia đình nào cũng siêng năng cầu nguyện cùng Đức mẹ, xin cho ngôi nhà thờ sớm được hoàn thành, khởi công từ năm 1904 đến năm 1911 thì hoàn thành. Đặc tính ngôi Thánh đường hiện có, nền cao 1,5m; rộng 15m; dài 45m với hai tháp chuông cao 30m, phía dưới có sân rộng, quang có đường kiệu rước... có vườn hoa, tường rào vây quanh tranh nghiêm, xinh đẹp. Một điều đáng nói là trong thời gian xây dựng nhà thờ, Bề trên ban cho giáo dân tăng gia sản xuất bội thu... tạo sự xác tín, phó thác vào Thiên chúa càng sốt sắng hơn! Thạch Bích được xem như giáo xứ “nữ trưởng” của giáo phận Hà Nội, trưởng thành về mọi mặt; đặc biệt là trung tâm nhân rộng tín hữu, từ Thạch Bích đã phát triển sang Đại Ơn, nay Đại Ơn đã là giáo xứ và một số giáo họ trực thuộc tương đối đông đúc như: Cao Bộ, Cao Dương, Đồng Hoàng, Cao Mật Bến, Nội Hồ, Mỹ Dương, Văn Nội và Thanh Lãm... hiện tổng số giáo dân của Thạch Bích trên tám ngàn giáo dân; linh mục Chánh xứ hiện nay là cha Nguyễn Khắc Quế.
Như trên đã viết, ngày 19-2-2011, Tòa Ân giải Tối cao do sự ủy nhiệm của Đức Giáo hoàng đã hân hoan ban ơn Toàn Xá cho các tín hữu thành tâm, thống hối khi hành hương về Thạch Bích vào những ngày 13-5 và 1-10, là những ngày khai mạc và bế mạc Bách chu niên, tức Năm Thánh nhân 100 năm xây dựng ngôi Thánh đường Thạch Bích.
& đời:
Ông Nguyến Kim Côn- một người Công giáo, chuyên chụp ảnh cho Bác Hồ thuật lại câu chuyện hôm Bác về thăm Thạch Bích trên một tạp chí:
Sáng 2/12/1959, tôi được đi cùng Bác Hồ đến thăm đồng bào Công giáo thôn Thạch Bích, tỉnh Hà Đông. Dư âm cuộc di cư vào Nam năm 1954 còn khá nặng nề. Biết điều này, Bác muốn đến tận nơi để động viên bà con giáo dân.
Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 2/12/1959, chiếc xe Pô-bê-đa màu sữa chở Bác đến Thạch Bích.
Được tin Bác đến, bà con giáo dân kéo về chật sân Đền thánh Antôn. Sau vài lời thăm hỏi việc đồng áng rồi Bác đi thẳng vào vấn đề: "Chúa ở khắp mọi nơi, ở trên trời, dưới đất và cả hoả ngục nữa- có đúng không?".
Đúng ạ! Đúng ạ! Thưa Bác đúng ạ! Thưa cụ đúng ạ! Mọi người đồng thanh trả lời như học sinh trả lời cô giáo.
Bác lại hỏi: "Chúa ở khắp mọi nơi thì sao lại bảo Chúa đi Nam- Có phải Chúa đã đi Nam không?".
- Không ạ! Không ạ! Những khuôn mặt rạng rỡ rao lên.
Bác hỏi tiếp: "Chúa Giêsu chịu đóng đinh lên Thánh giá là để cho nhân loại được ấm no, được học hành, được bình an, thờ phụng Chúa- Có đúng không?".
Đúng ạ! Đúng ạ! Tiếng trả lời râm ran xen tiếng vỗ tay.
- "Thế thì Đảng ta ngày đêm lo sao cho hợp tác xã có năng suất cao, sao cho các gia đình giáo dân được no ấm, các cháu đến tuổi đi học, được cắp sách đến trường, người lớn được biết chữ thì học bình dân học vụ. Sớm, tối chuông nhà thờ vẫn ngân vang để bà con bình an thờ phụng Chúa- Đảng ta làm như vậy có đúng không...?".
Không nén nổi xúc động bởi lãnh tụ tối cao mà sao gần gũi dân đến thế. Tiếng vỗ tay rộ lên xen tiếng hô vang:" Hồ Chủ tịch muôn năm! Đảng Lao động Việt Nam muôn năm!". Bác phải giơ hai tay ra hiệu để bà con im lặng rồi nói tiếp: "Nếu Chúa còn sống đến bây giời thì Chúa cũng làm Cộng sản" (ý lo cho nhân loại được hạnh phúc)...
Kể từ đó, cán bộ đảng viên và nhân dân xã Bích Hoà (mà thôn Công giáo toàn tòng Thạch Bích chiếm chủ yếu về dân số xã) đã luôn phấn đấu lao động sản suất, xây dựng địa phương có nền kinh tế chính trị, văn hoá xã hội ổn định và phát triển. Nhớ ơn Người, trong sâu thẳm tình cảm bà con nhân dân rất muốn làm một công trình gì đó đáp ơn Người, kì họp lần thứ 6- HĐND 2004-2006 quyết định là đặt trên khuôn viên đền thánh Antôn và một phần trường tiểu học Bích Hoà cạnh đó. Tên công trình được đặt là: Địa điểm di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chính Minh về thăm Đảng bộ và nhân dân xã Bích Hoà. Tổng kinh phí 1 tỷ 795 triệu đồng, gồm hai phần nhà bia và nhà tiếp khách lưu niệm. Nhà khách lưu niệm gồm ba gian, hệ thống gỗ lim theo kiểu trồng giường, tường xây gạch chỉ, móng bê tông tổng 60 m2. Nhà bia theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống của dân tộc (42,25m2), hai tầng, tám mái- chồng giường giá chiêng, cột lim, móng gạch chỉ và đổ bê tông. Bia ốp bốn mặt: Mặt chính diện nhìn từ ngoài vào là bức ảnh gốm do nghệ nhân Trần Độ- Bát Tràng vẽ, nung, ảnh này được sử dụng nguyên mẫu ảnh chụp Bác đứng nói chuyện với đồng bào Công giáo Thạch Bích, tại đền thánh Antôn, năm 1959; mặt bên tay phải khi đi vào là khẩu hiệu: "Cán bộ, đảng viên, nhân dân xã Bích Hoà luôn phải đoàn kết lương giáo, sống tốt đời đẹp đạo"; mặt bên trái, nhìn từ phía cuối nhà xứ Thạch Bích là: "Đảng bộ, nhân dân, các cháu học sinh, các cháu thiếu niên nhi đồng... quyết tâm thực hiện lời Bác"... Và mặt nhìn từ nhà lưu niệm ra là: "Bích Hoà quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới của đất nước".
Một vài hình ảnh ngày khai mạc Năm Thánh