Tin tức - Hoạt động

Người Công giáo Việt Nam với việc tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên

Cập nhật lúc 06:58 28/01/2022
 

Trong tâm thức của mỗi người Việt Nam ta có một dòng chảy xuyên suốt như là một truyền thống, một phẩm chất đạo đức cao đẹp đó là sự tôn kính, lòng biết ơn đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Truyền thống này được xem như một thứ đạo: đạo hiếu, đạo làm người, là nét đẹp thuần phong, mỹ tục đã ăn sâu trong đời sống người Việt một cách tự nhiên từ rất lâu, trong đó có người Công giáo Việt Nam, bởi họ luôn tự hào khẳng định rằng: trước khi là người Công giáo, tôi đã là người Việt Nam.
 
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi...” (Xh 20,12).
“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi...” (Xh 20,12).
Khi đi vào tìm hiểu nội dung này, phải nhắc đến một vấn đề khá nhạy cảm đó là trước đây chúng ta đã từng nghe nói rằng theo đạo Công giáo là từ bỏ việc thờ kính ông bà, tổ tiên. Và nó cũng được xem như là một trong những lý do để người ta kỳ thị, tẩy chay, thậm chí cấm theo đạo Công giáo ở Việt Nam như các vua chúa triều Nguyễn đã từng làm. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Xin thưa đây là một sự ngộ nhận rất đáng tiếc. Tuy nhiên điều này có lý do của nó do hoàn cảnh lịch sử tạo ra. Đó là việc đạo Công giáo được truyền vào nước ta từ thế kỷ XVI (1533) do các thừa sai phương Tây mang vào và đương nhiên những người này cũng mang theo văn hóa bản địa của họ vào nước ta, và ở thời điểm đó các thừa sai này cũng không hiểu nhiều về văn hóa của người Việt. Thêm vào đó trong giai đoạn cấm đạo gay gắt dưới thời nhà Nguyễn, Công giáo bị xem là thứ tà đạo, dị đoan mê tín hoặc lòng người trong đó dư luận rất phổ biến cho rằng theo đạo này là từ bỏ ông bà, tổ tiên, quay lưng lại với truyền thống dân tộc. Các nhà nho cùng vua chúa thời đó đều lên án đạo Công giáo một cách gay gắt. Sự công kích tập trung chủ yếu vào vấn đề văn hóa, trong đó nhiều nhất là về việc thờ kính ông bà, tổ tiên. Đó là chưa nói tới ý đồ xấu của các thế lực khác lợi dụng để chia rẽ đoàn kết lương giáo, trong khi ánh sáng Tin Mừng cũng chưa được lan tỏa rộng khắp như ngày nay. Nhưng dù thế nào, thì sự thật là, cho đến những năm nửa đầu thế kỉ XX, vấn đề thờ kính ông bà, tổ tiên của người Công giáo xem ra vẫn là vấn đề được nhắc tới và vẫn còn những ngộ nhận đáng tiếc. Chỉ đến sau này với chính sách tôn giáo đúng đắn cởi mở của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống sinh hoạt tôn giáo, cùng với ánh sáng Tin Mừng, sự chỉ dẫn bởi những văn kiện của Công đồng Vatican II, chúng ta hiểu rằng Công giáo không loại bỏ sư tôn kính ông bà, tổ tiên, mà trái lại, ̣ Công giáo còn cho thấy một chiều khác rộng lớn hơn của đạo hiếu, góp phần làm cho quan niệm về chữ hiếu trở nên sống động hơn. Ở đây phải mở ngoặc nói thêm từ ông bà là để chỉ chung các bậc có công sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ con cháu nên người, có thể hiểu có cả cha mẹ chúng ta.Vậy người Công giáo Việt Nam đã sống với tinh thần đạo hiếu, tôn kính ông bà, tổ tiên như thế nào? Như đã nói đây là một phong tục, một truyền thống tốt đẹp của người Việt nói chung luôn được gìn giữ và phát huy qua mọi thời đại. Trong dòng chảy ấy, việc tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên của người Công giáo được đặt nền tảng vững chắc trên Thánh Kinh, truyền thống Giáo hội, đã và đang gieo vào dòng máu, con tim của người Công giáo Việt Nam qua nhiều thế hệ. Ngày nay khi được Tin Mừng soi chiếu, nó được đón nhận như một thành phần không thể thiếu được của toàn bộ đời sống Kitô hữu. Xét về mặt giáo lý, Kinh Thánh dạy rõ về bổn phận hiếu nghĩa của con cái đối với những bậc sinh thành ra mình. Trong Cựu Ước đã đặc biệt nhấn mạnh một trong những giới luật nổi bật quan trọng về lòng hiếu thảo của con cái đối với mẹ cha là “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Chữ hiếu vừa tóm tắt mọi bổn phận của con cái đối với cha mẹ vừa hình thành một trong các nền tảng cơ bản của gia đình cũng như xã hội Việt Nam. Điều này đã được nhấn mạnh trong Kinh Thánh Tân Ước rằng: “Con cái hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, vì đó là điều phải. Hãy thảo kính cha mẹ ngươi. Lệnh truyền ấy là lệnh truyền thứ nhất”. Đó là lời thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư gửi tín hữu Êphêsô 6,1-2. Thảo kính cha mẹ là lệnh truyền thứ nhất trong đạo yêu người. Đúng như vậy, Mười điều răn của Thiên Chúa được chia làm hai phần: Mến Chúa và yêu người. Phần đầu gồm 3 điều dạy người ta phải kính thờ Thiên Chúa cách tuyệt đối. Phần sau nói về bổn phận đối với tha nhân và đối với chính mình, gồm 7 điều, trong đó điều đầu tiên là: “Thảo kính cha mẹ” (Theo thứ tự là điều răn thứ tư). Đạo Công giáo vì vậy đặc biệt đề cao lòng yêu thương con người, tình bác ái, vị tha mà trước hết là “phải yêu mến người bên cạnh như chính mình” (Marcô 12,28- 39). Người bên cạnh đầu tiên trong đời ta là ai nếu không phải là cha mẹ? Chính cha mẹ đã cho ta sự sống, nuôi nấng dạy dỗ ta. Thế nên, lòng yêu thương đối với cha mẹ luôn luôn sâu nặng nhất trong trách nhiệm của những kẻ làm con. Điều này thật gần gũi với người Việt chúng ta. Đối với người Công giáo kính yêu và biết ơn cha mẹ còn là một con đường tuyệt vời để dọn sẵn tâm hồn đón nhận Thiên Chúa. Lòng hiếu kính cha mẹ cũng dạy cho người tín hữu biết báo đền tình thương của Cha trên trời. Kinh Thánh đã dùng lòng hiếu thảo đối với cha mẹ để diễn tả tình yêu mà người tín hữu phải có đối với Thiên Chúa là như vậy, cho nên chúng ta càng nhận thấy chiều kích rộng lớn và sự sâu sắc của đạo hiếu trong đời sống Kitô hữu.
Trong phụng vụ Kitô giáo luôn có những nghi thức nhằm đề cao đạo hiếu nhất là việc nhớ đến những người đã qua đời trong mỗi thánh lễ, từng lời kinh, nguyện ngắm. Thánh lễ nào cũng có ý chỉ cầu nguyện cho các linh hồn với lời nguyện: “Lạy Chúa, xin nhớ đến ông bà, cha mẹ, anh chị em chúng con đang an nghỉ trong niềm hy vọng sống lại và mọi người đã qua đời trong tình thương của Chúa. Xin cho các linh hồn ấy được vào hưởng ánh sáng tôn nhan Chúa” (Kinh nguyện Thánh Thể). Bên cạnh việc dâng lễ, cầu nguyện thường xuyên trong các thánh lễ, phụng vụ Kitô giáo còn dành những thời gian đặc biệt cho việc kính nhớ ông bà tổ tiên theo cách riêng. Chẳng hạn trong ba ngày Tết, phụng vụ dành riêng ngày mồng hai để kính nhớ tổ tiên và ông bà cha mẹ. Ngày này, các giáo xứ thường tổ chức thánh lễ rất long trọng tại thánh địa, trong đó nghi thức Kính Nhớ Tổ Tiên được cử hành trước như đưa dẫn cộng đoàn vào tâm tình thánh lễ. Trong lời nguyện mở đầu thánh lễ ngày mồng hai Tết, người Công giáo thưa với Thiên Chúa: “Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa dạy chúng con phải thờ cha kính mẹ. Hôm nay nhân dịp đầu năm mới, chúng con họp nhau để kính nhớ tổ tiên. Xin Chúa trả công bội hậu cho những bậc sinh thành dưỡng dục chúng con, và cho chúng con biết trọn niềm hiếu thảo với các ngài”. Cuối thánh lễ ngày mồng hai Tết, linh mục đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, nhân dịp đầu năm mới, chúng con đã được dự tiệc Mình và Máu Thánh Đức Kitô. Chớ gì nguồn sinh lực thần linh này giúp chúng con sống ngày nay sao cho tròn chữ hiếu đối với ông bà, cha mẹ, và mai sau được cùng các ngài hưởng phúc trường sinh”. Nếu như Phật giáo lấy tháng 7 âm lịch hàng năm là Mùa Vu lan báo hiếu thì Giáo hội Công giáo dành cả tháng 11 dương lịch hàng năm để cầu nguyện cho những người đã qua đời, bằng việc đọc kinh, xin lễ và tham dự thánh lễ, được gọi là tháng Các linh hồn, còn có thể gọi là Mùa báo hiếu Kitô giáo. Cũng như truyền thống tảo mộ của người Việt, trong những ngày đầu năm, các gia đình người Công giáo cùng nhau viếng mộ ông bà, tổ tiên. Điều khác biệt là người Công giáo chỉ thắp những nén nhang tượng trưng cho lòng thương nhớ và những lời cầu nguyện cho linh hồn các bậc tổ tiên đã ra đi sớm được hưởng nhan Thiên Chúa. Theo phong tục Việt Nam, chiều 30 Tết các gia đình thường dọn một mâm cỗ, thắp hương trên bàn thờ tổ tiên theo ý nghĩa đón ông bà về ăn Tết với con cháu. Tục lệ này cũng được đón nhận nơi đồng bào Công giáo. Nhiều giáo xứ, ngay từ sáng 30 cùng nhau tới viếng nghĩa trang, Vườn Thánh... Bà con giáo dân đến kính viếng, mời ông bà tổ tiên cùng về chứng kiến những ngày Tết sum họp của con cháu. Ai ai cũng xin ông bà cầu bầu cùng Thiên Chúa chúc lành cho con cháu trong năm mới và cũng hiệp ý xin lễ cầu nguyện cho các ngài đã từ bỏ thế gian này được hưởng phúc lành nơi Thiên quốc.

Lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ được xuất phát từ lòng biết ơn người đã sinh ra ta cũng như đã nuôi dưỡng giáo dục dạy dỗ ta nên người. Đạo Công giáo dạy rằng: “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đền được điều cha mẹ cho con?” (Hc 7,27-28). Công đồng Vatican II chỉ rõ: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh”. Khi cha mẹ còn sống, con cái bày tỏ lòng hiếu thảo qua việc yêu mến, tôn kính, vâng lời, chăm sóc và giúp đỡ cha mẹ. Và đạo Công giáo cũng nhắc nhở phận làm con phải thật lòng yêu mến và tôn kính cha mẹ trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Cụ thể là trong tư tưởng, ta thực tình nhìn nhận cha mẹ đáng trọng kính, vì đã sinh thành, nuôi dưỡng, dạy dỗ, hướng dẫn, gây dựng hạnh phúc cuộc đời cho ta. Trong lời nói, ta lựa cách xưng hô và chuyện trò thật khiêm cung, êm ái, không bao giờ dùng những lời nói cứng cỏi, nóng nảy đối với cha mẹ. Trong việc làm, ta năng quan tâm, hỏi han, bày tỏ lòng yêu mến bằng việc phụng dưỡng cha mẹ, tìm cách làm cho cha mẹ được vui. Ngay cả khi đã trưởng thành, nếu ta có làm điều gì sai trái mà được cha mẹ nhắc nhở, cần vâng theo. Khi cha mẹ qua đời, con cái tỏ lòng hiếu kính bằng cách lo an táng chu đáo, cầu nguyện cho cha mẹ. Đối với việc thờ cúng ông bà, tổ tiên Hội Thánh Công giáo nhìn nhận đó là một hình thức tốt đẹp để bày tỏ lòng tưởng nhớ công ơn tiền nhân và khuyến khích các tín hữu phát huy những tinh hoa trong văn hoá dân tộc. Ngày kỵ giỗ hay những dịp đặc biệt khác, họ xin linh mục dâng thánh lễ cầu nguyện cho cha mẹ. Người Kitô hữu cũng xin các bậc tiền nhân đã an nghỉ trong Chúa chuyển cầu cho họ trước nhan Ngài. Việc cầu nguyện với tổ tiên được thực hiện đặc biệt trong dịp cúng giỗ mà ngày nay Giáo hội chấp thuận cho người Công giáo Việt Nam được thực hiện theo hình thức Đông phương để tỏ lòng kính nhớ và biết ơn ông bà cha mẹ. Nghi lễ cúng tế làm cho con cháu thấy gần gũi tổ tiên, dường như các ngài đang cảm thông với họ. Điều này không có gì xa lạ với giáo lý về sự hiệp thông giữa các tín hữu. Nó cũng nói lên niềm tin mãnh liệt về đời sau và nhắc nhở con cháu biết nối chí cha ông. Cha ông đã ăn ở ngay lành, con cháu sẽ noi gương ấy. Cha ông đã ra công tìm kiếm chân lý, con cháu sẽ tiếp tục công cuộc của các ngài.

Trong quá khứ việc thờ kính ông bà tổ tiên đối với người Công giáo đã phải chịu rất nhiều thành kiến, hiểu lầm, khiến cho một tôn giáo chân thật và tốt lành bị tổn thương vì nhiều người cho rằng theo đạo Công giáo là từ bỏ ông bà tổ tiên, là bất hiếu, đó là một trong những lý do khiến khá nhiều người có cái nhìn thiếu thiện cảm, thậm chí bài xích đạo Công giáo. Thành kiến ấy chính là hậu quả lâu dài lịch sử truyền giáo tại Việt Nam trong cách hiểu về việc thờ cúng tổ tiên, với biết bao những khó khăn và những hiểu lầm đang tiếc. Cho đến nay, Giáo hội Công giáo Việt Nam đã có những hướng dẫn theo tinh thần của Tòa Thánh, đặc biệt từ Công đồng Vatican II về việc hội nhập văn hóa bản địa thì mọi việc mới được sáng tỏ. Về việc này phải kể tới Thông cáo số 1 của Hội đồng Giám mục Việt Nam về việc Tôn kính ông bà tổ tiên và các anh hùng liệt sĩ tại Hội nghị tại Đà Lạt ngày 13 và 14/6/1965 đã chỉ rõ: “Nhiều hành vi, cử chỉ xưa kia tại Việt Nam, có tính cách tôn giáo, nhưng nay vì sự tiếp xúc bên ngoài và vì tâm tình, tập quán đã thay đổi nhiều, nên chỉ còn là những phương cách biểu lộ lòng hiếu thảo tôn kính đối với tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ. Những cử chỉ, thái độ, nghi lễ có tính cách thế tục, lịch sự và xã giao đó, Giáo hội Công giáo chẳng những không ngăn cấm mà còn mong muốn và khuyến khích cho chúng được diễn tả bằng những cử chỉ riêng biệt của mỗi nước, mỗi xứ và tùy theo trường hợp. Vì thế, những cử chỉ, thái độ và nghi lễ tự nó hoặc do hoàn cảnh, có một ý nghĩa thế tục rõ ràng, là để tỏ tinh thần ái quốc, lòng hiếu thảo, tôn kính hoặc tưởng niệm tổ tiên và các bậc anh hùng liệt sĩ (như treo hình, ảnh, dựng tượng, nghiêng mình bái kính, trưng hoa đèn, tổ chức ngày kỵ giỗ…) thì được thi hành và tham dự cách chủ động.” Không chỉ có vậy, ngày 14/11/1974 tại Nha Trang, các Giám mục Việt Nam (miền Nam) đã ra nghị quyết về “Lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên” với những chỉ dẫn rất cụ thể như việc lập bàn thờ gia tiên để kính nhớ ông bà tổ tiên; việc đốt nhang hương, đèn nến và vái lạy trước bàn thờ tổ tiên; trong hôn lễ, dâu rể được làm nghi lễ gia tiên trước bàn thờ; trong tang lễ, được vái lạy trước thi hài người quá cố, đốt hương vái theo phong tục địa phương; được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng. Và trong quyết nghị về lễ nghi tôn kính ông bà tổ tiên cũng nhắc nhở: Khi thi hành các việc trên đây để tránh có sự hiểu lầm nên cần phải giải thích cho hiểu việc tôn kính tổ tiên và các vị anh hùng liệt sĩ theo phong tục địa phương, là một nghĩa vụ hiếu thảo của đạo làm con cháu, chứ không phải là những việc tôn kính liên quan đến tín ngưỡng, vì chính Chúa cũng truyền phải “thảo kính cha mẹ”, đó là giới răn sau việc thờ phượng Thiên Chúa. Trong Đại hội lần thứ XIV của HĐGMVN họp từ 30/9 đến 4/10/2019 tại Trung tâm Mục vụ giáo phận Hải Phòng, “Văn bản hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên” đã được Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân trình bày trước Đại hội. Sau khi thảo luận về văn bản này, các Đức Giám mục đã biểu quyết đồng thuận và Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN đã công bố cho phép áp dụng thử nghiệm Văn bản hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên trong thời gian 3 năm, từ ngày 4/10/2019.

Như vậy, việc ứng xử của người Công giáo Việt Nam với tục thờ cúng tổ tiên là một biểu hiện sống động nhất của quá trình hội nhập giữa Công giáo và văn hóa Việt Nam cũng như quá trình Công giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc. Với người Công giáo trước hết, đạo hiếu là lời dạy của Chúa. Là điều răn đầu tiên và quan trọng nhất trong các điều răn trình bày những bổn phận căn bản của con người đối với nhau, phù hợp với phẩm giá và lương tâm con người trong mọi hoàn cảnh và qua mọi thời gian. Người Công giáo vẫn tâm niệm rằng trước khi là Kitô hữu, chúng ta đã là người Việt Nam mang trong mình dòng máu Lạc Việt. Chúng ta đã được cưu mang trong truyền thống tốt đẹp của dân tộc, và được sinh ra trên mảnh đất quê hương nặng chữ tình và chữ hiếu, chữ trung và chữ tín. Tất cả những truyền thống tốt đẹp ấy đã trở thành đạo, và đạo lấy chữ hiếu làm đầu. Việc tôn kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên là để xác tín nguồn cội của mình, nguồn cội gia đình và nguồn cội dân tộc. Biết ơn nguồn cội chính là thắp lên ý thức về giống nòi của mình để giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hoá uống nước nhớ nguồn của dân tộc như ông cha ta vẫn thường dạy: cây có gốc, nước có nguồn, con người có tổ tiên. Và những gì chúng ta đã nói trên đây cho thấy người Công giáo đã và đang sống tinh thần đạo hiếu một cách sốt sắng như một chiều kích của Tin Mừng Chúa Kitô trong sự hoà quyện với truyền thống văn hóa, đạo đức hết sức tốt đẹp của dân tộc.
Ngọc Hà
Thông tin khác:
Chút tâm tình hướng tới Hội Thánh hiệp hành (28/01/2022)
Tết và đạo hiếu (27/01/2022)
Tết với người Công giáo Việt Nam (27/01/2022)
“Không bao giờ nghĩ Chúa sẽ chọn mình vào chức vụ này” (26/01/2022)
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thăm, chúc mừng tại giáo phận Thanh Hóa (26/01/2022)
"Xuân nhân ái - Tết sẻ chia" đến với người nghèo huyện Thường Tín (25/01/2022)
Tp Hồ Chí Minh: Đưa hơn 1.000 sinh viên khó khăn về quê đón Tết (25/01/2022)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự chương trình "Tết sum vầy, xuân bình an" với công nhân tỉnh Bình Dương (24/01/2022)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đón người dân về quê an toàn, chăm lo để mọi người đều có Tết (24/01/2022)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log