Hòa trong niềm vui chung của dân tộc, chào đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần, người Công giáo chúng ta không quên ông bà tổ tiên và trên hết, trước hết nhớ tới Thiên Chúa là Cha yêu thương ban muôn ơn lành hồn xác một năm qua để dâng lên Ngài tâm tình thờ lạy, biết ơn và tiếp tục xin ơn cho những ngày tháng năm tiếp theo của cõi đời người. Đó là ngày mồng một Tết.
Ngày mồng hai Tết, Giáo hội Công giáo Việt Nam, kính nhớ tổ tiên, ông bà cha mẹ.
Ngày mồng ba Tết cầu cho việc thánh hóa công ăn việc làm.
* Vui ngày đoàn tụ gia đình đón xuân nhưng không quên đạo hiếu, bổn phận cốt lõi đời người, cầu cho tổ tiên ông bà đã qua đời và chăm sóc cha mẹ còn sống, an ủi khi ốm đau bệnh nạn, quan tâm nâng đỡ lúc tuổi già.
Chữ “hiếu” trong đời sống tâm linh người Việt “Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức. Về cơ bản, nội dung phạm trù “hiếu” mang một ý nghĩa tích cực, đó là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ.
Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, song đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có nét đặc sắc riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo.
Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chắc hẳn người Việt đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, còn gọi là ‘đạo’ thờ ông bà hay ‘đạo’ hiếu. Không thấy có sử liệu xác thực tục thờ cúng này có từ khi nào. (Nhưng theo tôi, có con người là có đạo hiếu, đó là bản năng tự nhiên mà Thiên Chúa đã in sâu đậm trong tâm khảm chúng ta khi tạo dựng)
Ngoài ra, tập tục cũng bao gồm ông bà, cha mẹ còn sống cũng phải được kính trọng như khi đã mất. Đôi khi có sự hiểu lầm là việc thờ kính tổ tiên, ông bà chỉ dành cho người đã chết.
Trong dòng máu và các tế bào đang hoạt động trong cơ thể chúng ta, mình cảm nhận được sự hiện hữu của tổ tiên. Do vậy việc thờ kính mang ơn là điều tất yếu của một con người biết ‘ăn quả, nhớ kẻ trồng cây’.
Trong quan niệm của Phật giáo, hiếu đạo cũng được đề cao. Đức Phật luôn dạy rằng, con người cần ăn ở hiền lành, tu nhân, tích đức, cứu khổ, cứu nạn; những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai. Bất hiếu là tội lớn nhất trong hành vi, lẽ sống của mỗi con người. Người nào chẳng đối xử tốt với cha mẹ của họ, thì khó có thể sống tốt, sống thiện với người khác được. Bất hiếu thì cũng bất nhân.
Đạo hiếu ở Việt Nam Đạo hiếu trong Nho giáo, Phật giáo phù hợp với thuần phong, mỹ tục, văn hóa của con người Việt Nam. Vì thế, người Việt Nam luôn coi trọng và tiếp thu chữ hiếu trong giáo dục nhân cách cho con người; coi đạo hiếu là đường hướng và phương châm ứng xử nhân văn của con cháu đối với cha mẹ và cũng là các chuẩn mực, thước đo giá trị đạo đức của con người.
Đồng hành với dân tộc, người Công giáo Việt Nam đã hòa nhập và nâng tầm đạo hiếu lên cao trong đời sống tâm linh cũng như trong cuộc sống hằng ngày:
- Hiếu với thượng phụ là Thiên Chúa Tạo dựng (ông Trời).
- Hiếu với trung phụ là những người chân chính, thay mặt Thiên Chúa, quản trị xã hội con người, bảo đảm một cuộc sống an ninh trật tự, công bằng ngày càng văn minh và phát triển.
- Hiếu với hạ phụ là chăm sóc chu đáo, tử tế, kính trọng cha mẹ, đấng đã sinh ra, dưỡng dục mình khi các ngài còn sống và thờ cúng nguyện cầu cho các ngài khi đã qua đời.
Trong thánh lễ mỗi ngày, người Công giáo luôn cầu cho tổ tiên, ông bà đã qua đời, đặc biệt trong những ngày vui xuân đón Tết.
Nhân dịp năm mới nói đến Tết và đạo hiếu của người Công giáo Việt Nam, chúng ta không thể quên lưu ý đến văn kiện: hướng dẫn việc tôn kính tổ tiên của Hội đồng Giám mục Việt Nam ban hành ngày 28/10/2019.
“Việc đốt nhang hương, đèn nến trên bàn thờ gia tiên và vái lạy trước bàn thờ, giường thờ tổ tiên, là những cử chỉ thái độ hiếu thảo tôn kính, được phép làm” (số 2); “Được tham dự nghi lễ tôn kính vị thành hoàng quen gọi là phúc thần tại đình làng, để tỏ lòng cung kính biết ơn những vị mà theo lịch sử đã có công với dân tộc hoặc là ân nhân của dân làng, chứ không phải là mê tín như đối với các “yêu thần, tà thần” (số 6).”
Là người Công giáo Việt Nam, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 trong mùa dịch COVID-19, chúng ta vui xuân cùng gia đình, kính nhớ ông bà tổ tiên, và không quên cầu nguyện cho những người không may đã qua đời trong những đợt dịch bệnh bùng phát vừa qua, đó là tâm tình anh em đồng bào trong Đức Giêsu Kitô.