Những giò hoa lan đột biến luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới yêu hoa lan. Ảnh: CTV |
Nhiều chiêu thổi giá Hoa lan đột biến (nếu hội tụ đủ các yếu tố về hương thơm, màu sắc, hình thái) là nguồn gen thực vật đặc biệt quý hiếm phải trải qua một quá trình biến đổi bên trong hoặc bên ngoài từ hàng triệu triệu cá thể mới có được một cá thể. Do các loài hoa này rất đắt đỏ và khó chăm sóc, có độ rủi ro cao nên thường chỉ có những người thật có điều kiện về kinh tế hoặc quá đam mê mới dám bỏ ra số tiền lớn để sở hữu nó. Vì thế, nhiều giống hoa đột biến quý cũng đã được đặt theo tên người Việt đang sở hữu nó như Lan Hài Trần Tuấn; Lan Hài Chu Xuân Cảnh…
Bên cạnh sự quý hiếm, trong bối cảnh tác động của đại dịch COVID19, nhiều ngành bị đình trệ sản xuất kinh doanh, kênh đầu tư và dòng tiền bị đứt gãy, dòng vốn từ các ngành khác chuyển sang đầu tư vào lĩnh vực hoa lan đột biến. Ngoài ra, Một số trường hợp đã lợi dụng sự khan hiếm của lan đột biến để thổi giá, khi cơ quan công an vào cuộc xác minh thì đó chỉ là giá ảo. Nhưng giao dịch ảo hoặc thổi giá này đã gây náo loạn thị trường và tạo ra cơn sốt ảo, gây bất ổn xã hội.
Thực tế một số vụ giao dịch hoa lan đột biến được loan tin hàng chục tỷ đồng, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc xác minh thì đó chỉ là những thỏa thuận giao dịch giá trị tương lai, những giao dịch mang tính chất đặt hàng. Hoặc là giao dịch hàng đổi hàng. Giá trị của hàng hóa đó do hai bên tự quy ước với nhau, họ đã thỏa thuận cùng “vống” số tiền lên để lấy tiếng sang. Trong trường hợp này, rõ ràng tiền không phải là vật trung gian trong các thương vụ mua bán, nhưng thương vụ kiểu này đã tạo ra “sốt” ảo về giá
Theo Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, hoạt động mua bán lan đột biến thời gian gần đây chủ yếu là về cách thức “thổi giá”, “làm giá ảo” để lừa đảo người tiêu dùng. Thực tế, một số phản ánh cho thấy nhiều trường hợp không có giao dịch mua bán thực sự, chỉ giao dịch ảo và đây là chiêu trò đánh bóng tên tuổi của các đối tượng tham gia trong cuộc giao dịch mua bán kiểu này. Cách thổi giá đã “đánh” vào lòng tham của người mua, đưa những mức chênh lệnh giá sau mua bán quá lớn, gây kích thích người mua sau cao hơn người mua trước và cứ thế tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng khi không có người mua nữa thì người đang giữ sản phẩm lan đột biến sẽ bị thiệt hại lớn vì sản phẩm không còn tương xứng với giá trị thực tế nữa.
Đâu là tiềm năng thật? Theo Phó Chánh văn phòng Trung ương Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam, Vương Xuân Nguyên, tiềm năng phát triển ngành hoa cây cảnh ở Việt Nam còn rất lớn. Hiện nay, chi tiêu bình quân đầu người cho tiêu dùng hoa ở Việt Nam vào khoảng 2 USD/năm, trong khi nhu cầu này của khu vực và thế giới là 10- 15 USD. Việt Nam là một nước đa dạng sinh học thứ 16 của thế giới nhưng hàng năm vẫn phải nhập khẩu hoa cây cảnh với giá trị nhập khoảng 50% tổng sản lượng tiêu dùng. Xuất khẩu hoa cây cảnh của nước ta đạt khoảng 600 triệu USD nhưng chủ yếu là của các công ty nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, lan đột biến nói riêng, sản phẩm hoa cây cảnh do người lao động trực tiếp sản xuất, nuôi trồng không phải đóng thuế mà còn được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật. Chỉ hoạt động kinh doanh mua đi bán lại hoa lan đột biến phải đóng thuế theo quy định.
Từ những phân tích trên, ông Vương Xuân Nguyên nhận định: thị trường hoa cây cảnh bản địa trong nước đang đang có nhiều tiềm năng và cơ hội. Mặt khác, phát triển hoa lan đột biến hay các loại hoa cây cảnh bản địa còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho một bộ phận lao động ở nông thôn cũng như thành thị; kéo theo nhiều ngành phụ trợ; góp phần cải thiện môi trường sinh thái; duy trì sự đa dạng sinh học… Người tham gia đầu tư trồng lan đột biến, cần chuẩn bị kỹ lưỡng các yếu tố: Kiến thức chuyên môn vững vàng; Chủ động về nguồn vốn; Công tác quản trị sản xuất tốt, cùng với khả năng phân tích về nhu cầu thật của thị trường…
Ông Nguyên cũng lưu ý, lan đột biến cũng giống bất kỳ một ngành hàng nào khi phát triển sôi động cũng dễ phát sinh mặt trái tiêu cực kèm theo, cần phải kiên quyết đấu tranh, như giả mạo lan bột biến; đưa ra những thông tin không trung thực hay những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí là sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản… Chính quyền tại một số địa phương đã lên tiếng cảnh báo người dân và đã khởi tố, bắt tạm giam nhiều trường hợp bán lan đột biến giả, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người mua. Người dân cần tỉnh táo trước cơn “sốt” đột biến kiểu như năm vừa qua, càng không nên dùng đòn bẩy vốn từ các nguồn vay mượn lãi suất cao để chạy theo cơn sốt.