Khi nói: “Mẹ của rừng” là người ta nghĩ ngay về cây đại thụ trên đỉnh non hằng năm tích nhựa, trổ bông rồi vãi hạt - để tạo nên một quần thể của trùng xanh. Hay “Mẹ của rừng” ấy là chỉ về người cả đời mải miết cắm cây trên đất trống để dần dần biến nơi đó thành đại ngàn? “Mẹ của rừng” ở cái khoảnh khắc mà Hữu Thành nhấn nút chụp sao lại tơ tướp, buông xuôi và tỏ ra bất lực thế này (?). Xem ảnh, người ta chỉ còn thấy ẩn giấu vẻ kiêu hãnh thần thánh toát ra của một hồn cây đã cả đời vươn mình chống chịu gió lay, bão táp. Thấy sự lầm lụi của đá xanh bị đập vụn sắp đưa vào lò vôi, nhưng vẫn cứ tỏ ra cứng cỏi và sắc cạnh…
“Mẹ của rừng” là thực thể tự nhiên, “Mẹ của rừng” cũng có thể là hình tượng được nhân cách hóa. Người dân tộc Raglai ở Bình Thuận lại truyền đời theo phong tục mẫu hệ, nên gọi phụ nữ là “Mẹ của rừng” cũng không ai cho đó là cường điệu. Bức ảnh được ghi lại từ mấy chục năm trước, anh phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam Hữu Thành đã chụp hướng từ dưới lên, như cố để làn mây trắng vờn trên mái tóc bạc, “mẹ của rừng” ủ dột bấu víu vào cành cây khô đét tựa một ống xương phơi nắng, đấy hẳn là thứ gì còn lưu sót lại từ cánh rừng của mẹ, mọi thứ trong đó đã từng được mẹ yêu quý rất bản năng, chẳng khác nào những đứa con dứt ruột của mình. Mẹ khép đôi mắt mệt mỏi hướng nhẹ lên trời cao, để mong nghe được từ sâu thẳm vọng về tiếng rì rào của lá, hay thấy được tiếng chim tí tách gọi nhau trong tán cây… Nhưng giờ chỉ có nắng trùm hụp, cái nóng khắp không gian, mẹ thảng thốt ngồi ở cái nơi từng dịu mát vào giữa tiết hè - để hong da chịu nắng, chịu cảnh cô đơn và bướng bỉnh vần vũ đợi từ ngàn xanh câu trả lời, rằng ai đã vội vã triệt hạ cánh rừng mà mẹ từng mang nặng đẻ đau?…
Cuộc sống đổi thay, cái được hay mất khó mà định lượng. Nhưng thứ mà ai cũng nhìn thấy rằng, hễ chúng ta cứ mở đường tới đâu, là rừng nhanh chóng mất dần theo đó. Người Raglai cũng chịu chung cảnh tách khỏi rừng, giống như với nhiều người ở các dân tộc khác trên khắp đất nước này. Khai thác tận kiệt tài nguyên quốc gia, đã khiến không chỉ một cá nhân bị thua thiệt. Rồi ai trả lời cho cái căn nguyên mà cô phát thanh truyền hình xinh đẹp thông báo ở bản tin thời sự tối nay: “Mức ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội đang ở mức không lành mạnh - gần 160 US AQI” ?
Bức ảnh cũ kĩ, xuống cấp, như đã bị lạc quên dưới đáy hòm - tác giả của bức ảnh chợt thấy và kỉ niệm ùa về kèm theo bao câu hỏi: Không biết người trong ảnh giờ thế nào? Còn hay mất? Hiệu quả cảnh tỉnh của bức ảnh có làm lay động tới người ra chính sách và xã hội không? Lần công tác gần đây anh ghé qua nơi bà mẹ Raglai ngồi năm xưa, ở đó đã được những hàng cọc thép gai chia thành nhiều ô rộng khuất tầm con mắt. Nó chắc chắn đã thuộc sự quản lý của một cá nhân, hay một tập đoàn nào đó… Người phóng viên đã lên tiếng bằng tác phẩm của mình, nhưng rừng vẫn mất và anh thấy cay đắng, trống trải. Lây nỗi bất lực từ “Mẹ của rừng”, anh bải hoải cúi nhìn xuống con đường lầm bụi trước xe máy, rồi kéo ga lướt nhanh như thể để trốn chạy một tội lỗi mà chính mình đã gây ra…