Trả cho Thiên Chúa môi trường tươi đẹp. Ảnh: CTV |
Tìm hiểu thông điệp - Các bí tích là môt cách thức ưu tuyển, trong đó, thiên nhiên được Thiên Chúa đón lấy và trở thành trung gian cho đời sống siêu nhiên. Qua diễn tiến phụng vụ, chúng ta được mời gọi ôm lấy thế giới trên một bình diện khác. Nước, dầu, lửa và màu sắc được đón nhận với các biểu trưng của chúng và được đưa vào những lời ca tụng. Bàn tay chúc lành là công cụ của tình yêu Thiên Chúa và phản ánh sự gần gũi của Đức Giêsu Kitô, Đấng đến để đồng hành với chúng ta trên đường đời. Nước được xối trên thân xác em bé được rửa tội, là dấu chỉ cho một đời sống mới. Chúng ta không thoát ra khỏi thế gian, cũng không phủ nhận thiên nhiên, khi chúng ta muốn gặp gỡ Thiên Chúa. Điều này có thể nhận ra một cách đặc biệt trong linh đạo Kitô giáo Đông phương: “Vẻ đẹp là một trong những dấu chỉ ưu ái nhất trong Giáo hội Đông phương để chỉ sự hoà hợp thần linh và mẫu ảnh cho nhân loại được chuyển đổi, được biểu lộ ở khắp mọi nơi: trong các hình dáng và cách trình bày nhà thờ, trong âm thanh, màu sắc, ánh sáng, trong mùi hương.
- Theo kinh nghiệm Kitô giáo, tất cả thụ tạo của vũ trụ vật chất sẽ tìm được ý nghĩa đích thực trong Ngôi Lời Nhập Thể, chỉ vì Con Thiên Chúa đã hội nhập trong con người của mình một phần của vũ trụ vật thể, nơi mà Người đưa vào một mầm giống chuyển đổi dứt khoát: “Kitô giáo không phủ nhận vật chất, thân xác, nhưng đánh giá cao trong hành động phụng vụ, trong đó, thân xác con người cho thấy bản chất sâu xa của mình là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và được kết hiệp với Chúa Giêsu, Đấng vì muốn cứu độ trần gian đã đón nhận một thân xác” (LD 235).
Bình luận và minh họa - Các dấu chỉ Bí tích là động lực thúc đẩy chúng ta quan tâm đến môi trường, hướng dẫn chúng ta trở thành người quản lý vũ trụ. Đức Giáo hoàng Phanxicô nói, “Vũ trụ mở ra trong Thiên Chúa, Người sẽ đem nó đến thành toàn”. Vì vậy, chiêm ngắm từng chiếc lá, vách núi, giọt sương, khuôn mặt người nghèo khổ,... không chỉ giúp chúng ta đào sâu những cảm nghiệm về tác động của ân sủng Chúa trong tâm hồn chúng ta mà còn giúp chúng ta biết cách gặp gỡ Chúa trong những thụ tạo.
- Trong các bí tích, thiên nhiên được Thiên Chúa nâng lên thành phương thế trung gian cho đời sống siêu nhiên. Như nước, dầu, lửa và các sắc màu là biểu tượng của sức mạnh và được tháp nhập trong lời ngợi khen của chúng ta. Nước đổ trên đầu em bé trong phép Thánh tẩy là dấu chỉ của một sự sống mới, chẳng hạn.
- Trong Thánh Thể, sự viên mãn đã thành toàn; đó là trung tâm sống động của vũ trụ, tràn đầy tình yêu và sự sống bất diệt. Thánh Thể kết nối trời với đất, Thánh Thể ôm lấy và bao bọc toàn thể vũ trụ.
- Việc tham dự Thánh lễ vào ngày Chúa nhật có tầm quan trọng đặc biệt. Chúa nhật là ngày chữa lành các mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với thế giới; là ngày Phục sinh - “ngày đầu tiên” của công trình tạo dựng mới; ngoài ra, ngày này cũng loan báo “con người sẽ an nghỉ đời đời trong Thiên Chúa”.
- Linh đạo Kitô giáo hợp nhất giá trị của nghỉ ngơi và nghi lễ. Chúng ta có xu hướng xem nghỉ ngơi, chiêm niệm là điều gì đó không hiệu quả và không cần thiết. Nghỉ ngơi là một cách làm việc khác, hình thành nên một phần yếu tính của chúng ta. Nó ngăn cản con người khỏi rơi vào tình trạng trống rỗng, nó ngăn ngừa lòng tham vô đáy và cảm giác cô lập khiến chúng ta chỉ tìm kiếm lợi ích cá nhân đến mức loại bỏ tất cả mọi thứ khác.
- Vì thế ngày nghỉ ngơi, mà trung tâm là Thánh lễ, dọi chiếu ánh sáng trên cả tuần, và thúc đẩy chúng ta quan tâm đến thiên nhiên và người nghèo.
Như vậy đời sống của con người trong vũ trụ được Thiên Chúa chúc phúc. Môi sinh chính là hoàn cảnh, khung cảnh để con người phát triển về mặt thể lý. Bảo vệ môi sinh, bảo vệ trái đất là bảo vệ cuộc sống thể chất của con người. Nhưng như trong Sáng thế ký “Ta sẽ tạo dựng con người giống hình ảnh ta” (St1, 26, 17). Thiên Chúa không những chỉ tạo dựng con người, cho làm chủ vũ trụ, Ngài còn ban chính con một người đến trần gian là Đức Giêsu Kitô để những ai tin vào Ngài sẽ không phải chết nhưng được sống muôn đời (Ga 3, 14-21), Chính Đức Kitô đến trần gian rao giảng Tin Mừng Nước Trời, Người thiết lập các phép Bí tích là dấu chỉ cho sự yêu thương của Người với con người. Đón nhận các Bí tích tức là đáp lời mời gọi của Đấng tạo thành để con người trở nên Con Thiên Chúa cho đến khi Đức Kitô lại đến lần thứ hai trong vinh quang.