Tin tức - Hoạt động

Tiền đóng bảo hiểm xã hội thấp nhất, cao nhất sẽ không gắn với lương cơ sở?

Cập nhật lúc 16:30 15/10/2023
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi điều chỉnh các mức trợ cấp gắn với lương cơ sở bằng số tiền cụ thể và quy định căn cứ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội mức thấp nhất, cao nhất.
 


Theo tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật BHXH sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Cụ thể, định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết Số 27-NQ/TW sẽ không còn mức lương cơ sở.

Trong khi đó, Luật BHXH năm 2014 quy định nhiều khoản trợ cấp gắn với mức lương cơ sở như: mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng...

Cho nên, dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ bổ sung các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành), đồng thời quy định các mức này được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH.

Về căn cứ đóng BHXH bắt buộc, dự thảo Luật BHXH sửa đổi bổ sung tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất bằng một nửa mức lương tối thiểu tháng ở vùng cao nhất do Chính phủ công bố, cao nhất bằng 8 lần mức lương tối thiểu tháng tại vùng cao nhất do Chính phủ công bố.

Đây là cơ sở quy định căn cứ đóng BHXH đối với những đối tượng không hưởng tiền lương (chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương...); và cũng là căn cứ để xác định trách nhiệm tham gia đối với đối tượng người lao động làm việc không trọn thời gian.

Về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc đối với khu vực ngoài nhà nước cơ bản kế thừa quy định hiện hành.

Tuy nhiên, có quy định cụ thể hơn theo hướng tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng, bao gồm mức lương, phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác, được trả thường xuyên và ổn định trong mỗi kỳ trả lương.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, tiền lương bình quân làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc năm 2022 của người lao động là 5,73 triệu đồng/tháng, chiếm khoảng 75% thu nhập bình quân của người lao động làm công, hưởng lương.

Luật BHXH hiện hành chỉ có quy định về tiền lương/thu nhập làm căn cứ đóng BHXH cao nhất, bằng 20 lần mức lương cơ sở. Tuy nhiên, chưa có quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.

Dự thảo Luật BHXH sửa đổi cũng đề xuất bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh), người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp; người lao động làm việc không trọn thời gian.
Theo tính toán của Chính phủ, dự kiến tổng số người được mở rộng tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 3 triệu người.

 

TH
Thông tin khác:
Phổ cập pháp luật đến đồng bào dân tộc thiểu số (13/10/2023)
Dân vận khéo ở vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum (13/10/2023)
Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào (13/10/2023)
Đại hội Đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII thành công tốt đẹp (12/10/2023)
Cơ sở lý luận thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (10/10/2023)
Để xứng đáng là cơ quan ngôn luận Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (10/10/2023)
Gửi gắm niềm tin vào Đại Hội (10/10/2023)
Xây dựng đường hướng hoạt động phôi hợp trong đạo, ngoài đời (10/10/2023)
Hiệp sĩ Đại Thánh giá: Tôi tự hào có ba người mẹ (10/10/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log