Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên lần thứ II, nhiệm kỳ 2022-2027 |
Năm 2022, Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhiệm kỳ 2022- 2027 được triển khai tổ chức tại các tỉnh, thành phố với nhiều điểm nổi bật thể hiện sự gắn bó, đồng hành của đồng bào Công giáo và sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và quý linh mục, tu sĩ, giáo dân. Để làm rõ hơn về những nội dung này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam Nguyễn Văn Toàn.
Phóng viên: Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vừa tổ chức tại cấp tỉnh, thành phố, ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của sự kiện này?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Từ tháng 7 đến nay, Ủy ban Đoàn kết Công giáo tại một số tỉnh, thành phố đã tổ chức Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhiệm kỳ 2022-2027. Đại hội không chỉ là thực hiện Điều lệ của tổ chức mà quan trọng hơn còn là dịp để phân tích toàn diện về đặc điểm, kết quả thi đua yêu nước của một giai đoạn, từ đó rút ra những kinh nghiệm và định hướng phong trào thi đua cho các năm tiếp theo; đồng thời Đại hội là dịp để biểu dương, khen thưởng những tập thể và cá nhân xuất sắc trong các phong trào thi đua “sống tốt đời- đẹp đạo”, qua đó nhân lên những việc thiện lành trong đời sống xã hội.
Một trong những nội dung rất quan trọng để nâng cao chất lượng các phong trào mà Đại hội tại một số tỉnh, thành vừa rút ra được đó là kinh nghiệm đổi mới phương thức hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo; tăng cường phối hợp, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và MTTQ; sự ủng hộ của các vị chức sắc Công giáo đối với các hoạt động thi đua “sống tốt đời - đẹp đạo”.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, do vậy, Đại hội còn là dịp để khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong đồng bào Công giáo. Các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo một số tỉnh, thành phố vừa tổ chức Đại hội đã phần nào làm sáng tỏ những đóng góp của đồng bào Công giáo trong thành quả phát triển của các địa phương. Sự chung sức, chung lòng của đồng bào Công giáo được các vị lãnh đạo tỉnh, thành phố đó trân trọng ghi nhận, đánh giá cao, đồng thời mong muốn Ủy ban Đoàn kết Công giáo tiếp tục phát huy đường hướng “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” để cùng Nhân dân góp phần nhiều hơn nữa vào thành quả xây dựng quê hương, xứ đạo giàu, đẹp, văn minh.
Đại hội đại biểu người Công giáo tỉnh Thanh Hóa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2022 - 2027 |
Từ Đại hội tại một số địa phương vừa diễn ra, xin ông chia sẻ về kết quả nổi bật trong thi đua yêu nước và công tác tổ chức Đại hội? - Thực tế tại các địa phương đã tổ chức Đại hội cho thấy, công tác tổ chức Đại hội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp giúp đỡ tận tình của Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Ở cấp Trung ương, ngay từ tháng 4/2021, Ban Thường trực Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã có hướng dẫn gửi Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh, thành phố về việc tổ chức Đại hội cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022- 2027. Từ đề nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Cơ quan Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố đề nghị phối hợp, hỗ trợ Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh, thành phố tổ chức Đại hội.
Như vậy Trung ương đã sớm có hướng dẫn và văn bản chỉ đạo, từ đó MTTQ các tỉnh, thành phố có cơ sở để báo cáo và đề xuất kế hoạch tổ chức Đại hội với Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh, tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Vì thế công tác tổ chức Đại hội tại các địa phương vừa qua đã nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình về mọi mặt, góp phần quan trọng vào thành công của Đại hội.
Một điểm nổi bật nữa thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, thành phố đó là tại các địa phương vừa tổ chức Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều có các vị lãnh đạo trong Ban Thường vụ dự và phát biểu. Điều này một lần nữa cho thấy ý nghĩa quan trọng của Đại hội và sự quan tâm của các vị lãnh đạo đối với phong trào thi đua trong đồng bào Công giáo, qua đây vai trò Ủy ban Đoàn kết Công giáo đang được khẳng định trong mái nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Điểm chung nhất tại các tỉnh, thành vừa tổ chức Đại hội là đồng bào Công giáo đã gặt hái được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát huy được nét đẹp bác ái trong từ thiện- xã hội; tích cực chung tay bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến nay đã có nhiều công ty, doanh nghiệp do người Công giáo làm chủ vượt qua khó khăn của dịch COVID-19 vươn lên phát triển và thành nhân tố tích cực trong ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh. Tại nông thôn, giáo dân đã hình thành được các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hình thành các trang trại nông nghiệp để tăng năng suất và giá trị hàng hóa, qua đó tăng thu nhập cho gia đình. Đây là những điểm nhấn về hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, sống tốt đời đẹp đạo” do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam phát động. Phong trào này đã được cụ thể hóa thành 8 nội dung thi đua, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Và kết quả thi đua tại các địa phương vừa tổ chức Đại hội đã thể hiện đúng trọng tâm này.
Một điểm hoàn toàn mới, đó là nhiệm kỳ 2017-2022, đất nước ta bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19. Mặc dù tình huống này không có trong kế hoạch hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhưng bằng tấm lòng bác ái, sự đoàn kết, đồng bào Công giáo đã đồng lòng, chung sức hỗ trợ Chính phủ phòng chống dịch. Nhiều tu sĩ, giáo dân đã tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch với những việc làm giàu tình bác ái, thắm tình đồng bào.
Nhân sự tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo là một trong những nội dung rất được quan tâm tại Đại hội, xin ông cho biết các tỉnh, thành vừa tổ chức Đại hội đã chú trọng những tiêu chí nào về công tác nhân sự? - Trong những nhiệm kỳ gần đây, công tác nhân sự được quan tâm xây dựng theo hướng trẻ hóa và có tính kế thừa,… Nhưng tiêu chuẩn cốt lõi mà Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo đã rút ra, đó là phải đảm bảo được “3T”: tiêu biểu, tích cực, tự nguyện. Tiêu biểu: là người Công giáo tiêu biểu trong đồng bào Công giáo; Tích cực: nhiệt tình trong công việc; Tự nguyện: tự nguyện tham gia tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo.
Vừa qua, các địa phương đã vận dụng linh hoạt tiêu chí “Tiêu biểu” trong chọn lựa nhân sự cho nhiệm kỳ 2022-2027. Ví dụ linh mục, tu sĩ tiêu biểu trong hoạt động bác ái, tiêu biểu trong tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự,… Tỉnh ven biển thì thường có giáo dân tiêu biểu về phát triển kinh tế thủy sản; thành phố thì giáo dân tiêu biểu thường là doanh nhân; vùng nông thôn thường có giáo dân sản xuất giỏi, tiêu biểu trong tham gia xây dựng nông thôn mới, sống tốt đời đẹp đạo;…
Về số lượng ủy viên, theo Điều lệ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp tỉnh được phép không quá 100 ủy viên. Thực tế tại những tỉnh, thành phố vừa tổ chức Đại hội thì chưa có địa phương nào giới thiệu tới 100 vị ủy viên tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo nhiệm kỳ 2022-2027.
Nhìn chung, Đại hội tại các tỉnh vừa qua đều chọn được những nhân sự tiêu biểu, có uy tín và kinh nghiệm hoạt động phong trào, nhiều địa phương phía Nam có đông linh mục tham gia như: Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu; độ tuổi của các ủy viên được trẻ hóa so với nhiệm kỳ 2017-2022. Đây là một trong những kết quả thực hiện chủ trương nâng cao chất lượng nhân sự mà Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam đã đề ra và đang từng bước được thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn ông!