Ban biên tập dự họp giao ban cùng với anh chị em Phòng Thư ký biên tập. Ảnh: Phạm Cường |
Ban biên tập và đồng nghiệp thường ví Phòng Thư ký biên tập với từ mỹ miều “trái tim” của cơ quan báo, song cũng có những từ thật nôm na: “Người gác cổng”, phòng “bếp núc” hay người “nuôi con mọn”. Từ nào cũng thật đúng và ý nghĩa. Xin nêu câu nói của nhà báo Vũ Thành Nam, Tổng biên tập báo Người Công giáo Việt Nam động viên chúng tôi: “Bộ phận nào trong cơ quan có thể thiếu vắng vài ba ngày nhưng riêng Phòng Thư ký biên tập không thể thiếu một ngày, thì khó phát hành báo đúng kì hạn”.
Cụ thể hơn, Phòng Thư ký biên tập được giao các nhiệm vụ: Tham mưu giúp Ban biên tập xây dựng nội dung mỗi số báo, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên; Tổng hợp và điều hòa nội dung, biện pháp tuyên truyền theo kế hoạch; Xây dựng lịch tuyên truyền cho phóng viên triển khai đúng yêu cầu; Tổ chức các số báo, trang báo, sửa morát, lên makét, theo dõi việc in ấn và phát hành; Xây dựng và duy trì mạng lưới cộng tác viên…
Với báo Người Công giáo Việt Nam trong chiều dài lịch sử 64 năm xây dựng và phát triển, Phòng Thư ký biên tập luôn khẳng định mình là tập thể đoàn kết vượt khó nỗ lực học tập và sáng tạo để chăm chút cho cái hồn của tờ báo.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Phòng Thư ký biên tập cũng xuất bản báo đúng kỳ, đủ số mỗi tuần 1 số 24 trang, riêng số báo lễ, Tết phát hành 72 trang. Các tin, bài được biên tập phù hợp với đặc thù “thưởng thức” của đồng bào Công giáo và bạn đọc xa gần.
Điểm nhấn trong những gần đây, Phòng đã tham mưu giúp Ban Biên tập xây dựng các trang tuyên truyền đậm nét các phong trào thi đua yêu nước như: “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, sống tốt đời đẹp đạo”, “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nhân đạo từ thiện - xã hội, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội…, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của toàn dân.
Cùng với công tác tuyên truyền, Phòng đã có bước phát triển rõ nét về công nghệ chế bản, in ấn, trình độ làm makét, đọc morát. Đội ngũ kỹ thuật viên luôn có ý thức tự học, tự bồi dưỡng, nhờ vậy đã nhanh chóng tiếp cận và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, chế bản điện tử tại chỗ, đáp ứng nhu cầu công việc, bớt được thời gian qua lại nhà in như trước đây.
Vui biết bao, cứ vào sáng thứ 5 hằng tuần tờ báo được “xuất xưởng”, ai cũng ngắm xem thành quả của mình được đóng góp trong đó. Anh chị em thường tâm sự: “Khi có được tờ báo trên tay là quá vui rồi, nhưng đó vẫn mới vui được một nửa, còn phải chờ phản hồi từ độc giả”.
Vậy nên, dù khó khăn, vất vả, và cả nhiều lo toan trong cuộc sống, những người làm báo tại Phòng Thư ký biên tập - báo Người Công giáo Việt Nam luôn tâm huyết với nghề.