Tin tức - Hoạt động

Quảng Nam "Cái nôi" Hội thánh Tin lành Việt Nam

Cập nhật lúc 06:47 12/07/2021
Nhà thờ Tin Lành Thanh Quýt, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV
Nhà thờ Tin Lành Thanh Quýt, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: CTV

Năm 2021 đánh dấu kỷ niệm Hội thánh Tin lành Việt Nam 110 năm xuất hiện trên quê hương Việt Nam (1911 - 2021). Cùng chung niềm vui trong tinh thần Đại kết liên tôn, chúng ta hân hoan tìm về vùng đất Quảng Nam, được ghi nhận là địa danh đầu tiên thành lập Hội thánh Tin lành, để rồi tỏa đi khắp Bắc-Trung-Nam và cả vùng Campuchia.

Ngược dòng thời gian, vào năm 1887, Tiến sĩ Mục sư Albert Benjamin Simpson, người sáng lập Giáo hội Phúc âm Liên hiệp (The Christian and Missionary Alliance) tại Hoa Kỳ, đã có ý định sang Á châu truyền giáo, mà ưu tiên đến Việt Nam trước. Nên năm 1893, Mục sư A. B. Simpson đến Singapore để gặp giáo sĩ David Lelacheur. Giáo sĩ David vừa có dịp viếng thăm Sài Gòn về và cho biết cánh cửa đạo Tin lành đến cho Việt Nam đã rộng mở.

Sau khi nghe lời tường trình trên, Mục Sư A. B. Simpson nóng lòng nên đã thu xếp gửi giáo sĩ qua Việt Nam truyền giáo liền sau đó. Nhưng chưa thể thực hiện được, vì theo khoản 9 của Hòa ước Giáp Tuất (1874) và khoản 14 của Hòa ước Giáp Thân (1884) được ký kết giữa triều đình nhà Nguyễn và Chính phủ Pháp, quy định chỉ có giáo sĩ Pháp và Tây Ban Nha mới có quyền truyền giáo trong nước Việt Nam mà thôi. Được tin đó, các giáo sĩ này đành phải sang Trung Hoa lập cơ sở Truyền giáo trước, nhằm mục đích làm điểm tựa để tìm cách về Việt Nam mai này.

Năm 1899, giáo sĩ R. A. Jaffray từ Hoa Nam dùng thuyền theo sông Hồng đến Hà Nội, tìm nơi đặt cơ sở Truyền giáo. Cũng như năm 1902, Giáo hội Phúc Âm gửi ông bà Giáo sĩ Sylvian Dayan đến Hải Phòng giảng đạo. Nhưng cả hai lần trên chưa ở được lâu, đều bị Chính quyền Pháp chống đối, đành phải rời bỏ Việt Nam về lại Trung Hoa. Kết quả tuy không được rao giảng chính thức, nhưng vẫn có một số tín hữu theo Tin lành âm thầm rải rác đó đây.

Mãi cho đến năm 1911, nhờ giáo sĩ R. A. Jaffray tới Đà Nẵng mua lại được căn nhà của Thánh Thư Công Hội Anh (British and Foreign Bible Society) - nằm trên góc đường Khải Định và Nguyễn Hoàng - mà không gặp khó khăn, cản trở nào từ chính quyền địa phương. Để rồi từ nơi đây làm trụ sở thành lập Hội thánh Tin lành truyền giáo tiên khởi. Kết quả, có ông Nguyễn Văn Phúc là người đầu tiên tin nhận Chúa. Bên cạnh đó, một người con ưu tú của mảnh đất Quảng Nam đã có công bỏ ra 10 năm để dịch bộ Cựu Ước và Tân Ước ra tiếng Việt, phát hành năm 1926. Một bản dịch Kinh Thánh mang đậm chất giọng người Quảng. Người đó chính là nhà văn, nhà báo Phan Khôi (1887 - 1959).

Tại Hội thánh Tin lành Quảng Nam, mãi năm 1918, lớp Kinh Thánh mới bắt đầu được tổ chức học trong một chuồng ngựa cũ nằm trong khuôn viên của Hội Truyền giáo Liên Hiệp. Kế đến vào năm 1921, trường Kinh Thánh chính thức thành lập ở phía sau nhà thờ Đà Nẵng do giáo sĩ D. I. Jeffrey làm đốc học.

Để thích hợp với hoàn cảnh xã hội, từ ngày 5 đến 13/3/1927, tại Quảng Nam - Đà Nẵng, có 50 đại biểu từ 57 chi hội đến dự. Hội đồng Tổng Liên Hội đầu tiên của tín hữu Tin lành Việt Nam đã biểu quyết: Kết hợp các chi hội trên toàn quốc lại, để chính thức thành lập Giáo hội Tin lành Việt Nam, mà không còn lệ thuộc vào Mẫu Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp nữa. Với danh hiệu là: “Hội Tin lành Đông Pháp”, cùng bầu Mục sư Hoàng Trọng Thừa làm Hội trưởng. Tiếp theo năm 1936, tu chỉnh nội quy thành: “Hội Tin lành Việt Nam Đông Pháp”. Đến năm 1950, Hội đồng biểu quyết đổi tên là: “Hội thánh Tin lành Việt Nam” (The Vietnam Evangelical Church). Danh hiệu này được dùng cho đến ngày nay.

Không phải ngẫu nhiên mà địa danh Quảng Nam - Đà Nẵng lại trở thành “Cái nôi” của Hội thánh Tin lành Việt Nam. Trải dài theo năm tháng, Hội thánh tại địa phương đã vượt qua bao thử thách, cấm cách để mở mang nước Chúa, với những nhận xét của các vị hữu trách qua dòng thời gian. Trên tờ Đặc san Hướng đi số 38/2011, ở trang 15, tác giả Nguyễn Đình Bùi Thị, lần lượt ghi nhận:

Mục sư Lê Hoàng Phu đã cho biết vào thời kỳ đầu như sau: “Nói chung, sự tăng trưởng mau nhất xẩy ra ở tỉnh Quảng Nam ở Trung Kỳ, đặc biệt là thung lũng sông Cái, ở Trung Bộ Trung kỳ”. Mục sư còn nói: “Trong nhiều năm tỉnh Quảng Nam đã cung cấp cho các Hội Thánh địa phương khắp ba kỳ phần lớn các mục sư cho các Hội”.

Riêng Mục sư Lê Văn Thái cũng có một số ghi nhận tương tự về sự phát triển đạo Chúa cách mau lẹ tại xứ Quảng Nam: “Hội Thánh Chúa tại miền Trung phát triển rất mau. Số tín đồ tăng gấp đôi hằng năm và chẳng bao lâu thì số tín hữu tại Tourane và các vùng lân cận lên đến số một ngàn người”. Mục sư Thái lại cho biết thêm: “Làn sóng Tin lành mạnh như thác lũ. Cách ăn nết ở của tín hữu là những bài giảng sống đầy năng lực biện chứng cho đức tin. Chỉ một thời gian ngắn, tiếng nói của Tin lành đã lan rộng toàn tỉnh Quảng Nam và các vùng phụ cận... Lửa Thánh Linh bùng cháy trong lòng mỗi cá nhân tín hữu. Ánh sáng đã bùng lên trong đêm tối...”. Sau đó Mục sư còn nhấn mạnh: “Chúa đã ban ơn cách lạ lùng cho công việc ngài tại tỉnh Quảng Nam. Càng lúc càng có thêm nhiều người mới trở lại với Chúa. Trong số đó, có nhiều nhà trí thức giàu sang, có địa vị trong xã hội bằng lòng chấp nhận Tin lành...”.

Theo cuốn “Tìm hiểu con người xứ Quảng” do Nguyễn Ngọc chủ biên thì: Danh xưng Quảng Nam có từ lâu đời, đã hơn 500 năm, chữ “Quảng có nghĩa là mở rộng; Nam là hướng Nam, đi về hướng Nam”. Như vậy, Quảng Nam có nghĩa là vùng đất mở rộng về phía Nam, bởi thế trên phương diện tôn giáo, riêng Tin lành tại Quảng Nam luôn phát triển. Hiện có hơn 100 Hội Thánh lớn nhỏ, kể tất cả các hệ phái Tin lành, với số tín đồ trên 20.000 người và đang trên đà mở rộng. So với các nơi, số tín hữu tại Quảng Nam chỉ đứng sau vùng Sài Gòn mà thôi.

Quảng Nam mảnh đất thân thương. Thật xứng danh dù trải qua hơn 100 năm, đạo Tin lành xuất hiện, với biết bao thăng trầm chiến tranh loạn lạc, thời thế đổi thay. Nhưng vùng đất linh địa này vẫn luôn là “Cái nôi” của Hội thánh Tin lành Việt Nam. Ở nơi đây, hằng lưu dấu trong sử xanh muôn đời vinh dự khởi đầu cho các tín hữu Cơ Đốc giáo thờ phượng kính Chúa yêu người. Rồi ngày một thăng tiến, đem Tin Mừng cứu rỗi của Chúa Giêsu đến đồng bào trên quê hương thân yêu.
 
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Người Công giáo trong những ngày dịch bệnh (10/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp đồng lòng phòng chống dịch Covid-19 (09/07/2021)
Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Mặt trận hai nước Việt Nam - Lào (08/07/2021)
Niềm vui mới ở Sa Đéc (08/07/2021)
Hội sách trực tuyến (07/07/2021)
Các giáo xứ tích cực hành động vì môi trường (06/07/2021)
Mừng kính Tam đa quân nhân tử đạo (06/07/2021)
Người Công giáo Trà Vinh phát huy vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chốn dịch Covid-19 (05/07/2021)
Phát huy vai trò tuyên truyền để khích lệ đồng bào Công giáo gắn bó, đồng hành cùng dân tộc (02/07/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log