Các thánh tử đạo Việt Nam |
I. Bối cảnh đưa đến trường hợp tử đạo của ba đấng Vua Minh Mạng (1820-1841) đã ra 7 sắc lệnh cấm đạo Gia Tô, đặc biệt năm thứ 19, nhà vua truyền cho các quan địa phương cần bắt các lính tráng có đạo trong quân ngũ phải quá khóa (bước qua Thánh giá)
Riêng tỉnh Nam Định nơi có đông tín hữu Gia Tô, vua đã ban chiếu chỉ cho Tổng đốc Trịnh Quang Khanh: “ Nếu khanh muốn giữ vững thủ cấp trên cổ, hạn trong vòng một tháng phải bắt tất cả đạo trưởng còn trốn tránh trong tỉnh và thanh trừng các lính theo Gia Tô đến đứa cuối cùng. Trẫm không muốn giết chúng, nhưng muốn chúng bỏ tà đạo...”
Thừa lệnh nhà vua, quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh ra sức bắt bớ, tiêu diệt kẻ có đạo ngày một gắt gao bằng những âm mưu thâm độc, hình phạt kinh khủng, đến nỗi không có quan nào dữ tợn hơn ông, khiến cho người Công giáo phải hoảng sợ.
Một trong những âm mưu đó là, vào đầu năm 1838 Trịnh Quang Khanh cho mở tiệc khoản đãi binh lính trong đó có khoảng 500 binh sĩ Công giáo ở các cơ quan thuộc quyền, với ý đồ xúi dục họ bỏ đạo.
Sau khi cho ăn uống no say, quan Tổng đốc ra lệnh cho mọi người ra về phải bước qua Thánh giá và điềm chỉ bỏ đạo, nếu bất tuân sẽ bị hình phạt, giam cầm, tước bỏ chức quyền.
Vì sợ hãi trước những tra tấn, kìm kẹp, ngục tù, nên hầu hết binh lính yếu bóng vía đều quá khóa, đầu tiên có 15 người nhất định không để cho lính kéo qua Thập tự, nhưng sau bị lý hình dùng đòn vọt tra tấn, giam cầm, bỏ đói không chịu được nữa, lần lượt có kẻ xin bỏ đạo, cuối cùng chỉ còn ba người quyết chí giữ vững đức tin, đó là Augustinô Phan Viết Huy, Nicôla Bùi Đức Thể và Đaminh Đinh Đạt, dù phải mang gông xiềng nặng nề, bị đánh đập tàn nhẫn và chịu xỉ nhục trong nhiều tháng, nhưng vẫn trung thành với Thiên Chúa.
Thấy vụ ba người lính không chịu bỏ đạo kéo dài, Trịnh Quang Khanh bèn nghĩ ra kế dùng những người thân của gia đình, bạn bè, quan chức trong làng xóm, hầu lung lạc ý chí ba người lính này.
Để thực hiện ý định, Tổng đốc ra lệnh truyền cho các Chức Dịch ba xã đương thời, những bậc cao niên, cha mẹ, anh chị em, vợ con thân nhân, bè bạn tâm giao liên quan đến ba đương sự, không kể lương giáo phải có mặt tại công đường và cho giải tù nhân đến cùng những công sai lý hình cầm sẵn dụng cụ tra tấn trên tay, dưới sự giám sát của Tổng đốc Trịnh Quang Khanh.
Khởi đầu quan tuyên bố: “Tại các ngươi, mà ba thằng này bất trị, vì các ngươi đã chẳng dạy bảo chúng vâng chịu luật pháp nhà nước cho sớm, đã thế còn án binh bất động...khác gì các ngươi với chúng cùng một giuộc, nên các ngươi cũng phải chịu tội với chúng...”.
Rồi quan ra lệnh cho Lý hình lần lượt nọc các nhân sự hiện diện ra đánh đòn từng người, một cách tàn nhẫn không nương tay. Thấy Thân Nhân và các bậc tiền bối trong làng xã khổ sở vì mình như vậy, không còn lòng dạ nào nữa, nên ba ông lần lượt kẻ trước người sau đều nói: “Bẩm quan lớn, xin đừng đánh đập những người vô tội này nữa, quan lớn dạy thế nào chúng tôi cũng xin vâng...”. Chỉ chờ có vậy, quan cho Quá Khóa và một tờ giấy cam kết bỏ đạo được đưa tới cho các ông điểm chỉ, quan lại cho phép họ trở về quân ngũ cùng mười quan tiền thưởng kèm theo. Tiếng trống gióng lên báo hiệu công việc đã mãn, mọi người cất bước ra về...
Nhưng sau khi được trả tự do lại bị lương tâm cắn rứt, rất khổ tâm nên ba người cùng nhau ăn năn thống hối, đi xưng tội và trở lại Nam Định tìm gặp quan Tổng đốc, ném trả lại tiền cho quan và tuyên xưng đức tin cùng sẵn sàng chết vì Chúa, Trịnh Quang Khanh rất giận dữ nhưng chỉ đuổi các ngài về và giao cho các Hương Chức canh chừng.
II. Sử sách chính thống triều Nguyễn viết về bản án Bức xúc trước việc đã lên gặp quan Tổng đốc, nhưng vẫn bị làm ngơ, ba ông bàn với nhau phải vào tận kinh đô tuyên xưng đức tin để chuộc lại tội lỗi. Tháng 5/1839 hai ông Augutinô Huy và Nicôla thể đi vào Huế, còn anh Đaminh Đạt vì gia cảnh neo đơn con còn nhỏ phải ở nhà, nhưng đồng lòng cùng ký tên trong tờ trình với hai đàn anh.
Đến Huế, đã hai lần dâng sớ lên các Bộ, biện minh cho đức tin nhưng không được chấp nhận, hai ông Huy và Thể đã lợi dụng dịp vua Minh Mạng ngự giá ngoài thành hóng mát, dâng tờ trình bày tỏ nỗi lòng. Vua truyền thu tờ sớ ký tên ba người và khi biết nội dung vua liền nổi giận ra lệnh tống giam ngay hai ông và tra tấn rất dã man, nhưng hai ông quyết không bỏ đạo, cuối cùng án tử hình cũng được ban ra và vua truyền chém ngang lưng vứt xác xuống biển.
Qua bài “Những năm Hợi trong lịch sử” của Giáo sư Nguyễn Lý Tưởng sưu tầm, đăng trên Carolina Việt Báo số 26 tháng 2/2007 thật là hy hữu và hiếm có đã ghi lại một biến cố liên hệ tới việc tử đạo của 2 thánh nhân trong tác phẩm “Quốc sử Quán Nhà Nguyễn” biên soạn.
“Tháng 5 năm Kỷ Hợi (1839) người theo đạo Gia Tô ở Nam Định là Phạm Viết Huy và Bùi Đức Thể vào kinh đô kiếu nại rằng: “ông cha họ đã theo đạo từ lâu đời, năm ngoái do sự bắt ép của quan địa phương mà họ phải bước qua “Thập giá” chứ không phải do lòng họ muốn làm như vậy. Nay họ vẫn xin theo đạo không thay dạ đổi lòng, nếu vua bắt phải chết họ cũng không hối hận”.
Quan Tam Pháp trình báo việc đó lên vua Minh Mạng. Nhà vua rất ngạc nhiên và ra lệnh đem họ ra bãi biển, dùng búa lớn chặt ngang lưng, vứt xác xuống biển. Vua cho rằng đạo ấy là tà đạo, dụ dỗ người ta làm những điều xằng bậy, không có luân lý đạo đức... và ra lệnh cho các quan địa phương tra xét nếu ai còn trung thành với đạo ấy thì bắt họ phải chà đạp lên Thập giá hai ba lần và phải tuyên bố bỏ đạo... ai trước đây đã bỏ đạo và bước qua Thập giá rồi cũng bắt họ phải bước qua Thập giá một lần nữa. Ai bất tuân thì bị đem đi giết... Nhân đó vua ra lệnh cho các tỉnh miền Bắc lùng bắt cho được giáo sĩ tên “Dê du Ny Mô” hiện đang trốn tránh trong dân chúng... và ra lệnh cho các tỉnh miền Nam theo dõi, kiểm soát chặt chẽ những tín hữu đạo Gia Tô đang lẩn trốn... (trích Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đệ nhị kỷ, Minh Mạng năm thứ 20, do Quốc Sử Quán nhà Nguyễn biên soạn).
Riêng anh Đaminh Đinh Đạt ở nhà luôn mong chờ, nên rất vui mừng khi được tin hai ông Huy và Thể đã can đảm hy sinh vì đạo Chúa và mình sẽ hân hạnh được chung số phận. Ngày 13/7/1839 vua châu phê truyền xử giảo ông Đạt, lệnh được đưa từ kinh về. Quan Tổng đốc liền ấn định thi hành vào ngày 18/7/1839 và giao cho Án Sát Ty Sứ thực hiện cùng bố cáo cho bàn dân thiên hạ trong địa hạt biết.
III. Hãy tuyên xưng đức tin noi gương thánh nhân Cả ba thánh nhân đều là người thuộc Phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, đồng thời cùng phục vụ trong quân ngũ, dưới quyền quan Tổng đốc Trịnh Quang Khanh và đã đoàn kết giữ vững đức tin làm chứng nhân cho Chúa.
l Thánh Nicôla Bùi Đức Thể, sinh năm 1792 tại làng Kiên Trung, Nam Định, tham gia quân ngũ mới được 10 tháng tính đến lúc bị bắt, bị xử lăng trì ngày 12/6/1839 tại cửa biển Húc Tuần thuộc ranh giới Thừa Thiên Huế, thân xác bị chém làm đôi rồi vứt ra khơi.
l Thánh Augustinô Phan Viết Huy, sinh năm 1795 quê quán Hạ Linh, Nam Định, phục vụ trong quân ngũ được 10 năm, cũng bị xử lăng trì giống như Thánh Nicola Thể sau một ngày 13/6/1839 tại cửa biển Húc Tuần, Thừa Thiên, thi thể bị ném xuống biển.
l Thánh Đaminh Đinh Đạt, sinh năm 1803 tại xứ Phú Nhai, Bùi Chu, Nam Định, là người tín hữu tân tòng, gia cảnh có vợ và một con nhỏ, tuy ít tuổi nhưng đã tòng quân được 12 năm, bị kết án xử giảo ngày 18/7/1839 tại pháp trường Nam Định, thi hài được an táng trọng thể tại nhà người anh cả. Đặc biệt nơi xử người, ngoài chiếc chiếu được trải sẵn, còn có tấm thẻ gỗ bản án cắm bên cạnh viết: “Tên Đinh Đạt thuộc Xuân Trường phủ, Giao Thủy huyện, Phú Nhai xã, là tên tội phạm, cố chấp theo Gia tô tả đạo, vẫn cố giữ chẳng chịu bỏ đạo ấy, bất tuân Quốc Pháp chịu án xử giảo, nay thi hành ngày tám, tháng sáu, Minh Mạng nhị thập niên”.
Đời vua Thành Thái, ngày 27/5/1900 Đức Thánh Cha Lêô XIII đã ra sắc lệnh “Những người rất can đảm” tôn phong cả ba vị lên hàng chân phước, dịp này giáo dân đã cải táng hài cốt thánh Đạt về nhà thờ Phú Nhai cùng thiết lập hình tượng cả ba người, tôn kính thánh Đạt và hai bạn thánh Huy cùng thánh Thể trên ngôi tòa vàng rực rỡ.
Tám mươi tám năm sau, vào ngày 19/6/1988 Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn vinh các ngài lên bậc hiển thánh trong số 117 chân phúc tử đạo Việt Nam.
Những người đương thời khi thấy sự kiên trung của ba quân nhân đều hết sức khâm phục và thân thương gọi các ngài là ba ông “Tam đa nhà đạo”. Ngày nay tín hữu chúng ta hãy nhiệt thành và can đảm noi gương làm nhân chứng đức tin, khởi đi từ mỗi cá nhân, từ đó lan tỏa và trở nên men, muối và ánh sáng trong mọi môi trường, để Giáo hội ngày một trở nên tốt đẹp lành thánh hơn.