Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia tại Quảng Nam đã có hàng nghìn hộ gia đình đồng bào được hưởng lợi, được tạo sinh kế bền vững. Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá mới đây cũng chỉ ra những hạnh chế, tồn tại cần khắc phục trong thực hiện các Chương trình.
Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 9 huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn. Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Làng văn hóa Tăk Chươm, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. |
Trong từng Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện 5 năm, hằng năm; trong đó đã xác định cụ thể địa bàn, đối tượng, danh mục dự án, chương trình, nội dung thực hiện. hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Ngân sách tỉnh đã bố trí đầy đủ, đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định và đã cơ bản phân giao kế hoạch vốn cho các địa phương từ huyện đến xã, cho các chủ đầu tư, các cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình, đã có hàng nghìn hộ gia đình đồng bào được hưởng lợi, được tạo sinh kế bền vững. Đến tháng 6.2023, Quảng Nam có 117/193 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 60,62%; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mới, 214 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Công tác giảm nghèo được tỉnh quan tâm với các giải pháp, cách làm cụ thể, phù hợp với thực tiễn, nguồn lực và thực trạng nghèo của địa phương. Tỷ lệ giảm nghèo đạt và vượt mục tiêu đề ra hàng năm. Năm 2021 giảm 3.156 hộ nghèo/2.000 hộ theo chỉ tiêu giao, vượt 158% so với kế hoạch đề ra; năm 2022 giảm 3.981 hộ nghèo/3.000 hộ nghèo theo chỉ tiêu giao, vượt 132,7% so với kế hoạch đề ra. Trong 2 năm (2021 - 2022), Quảng Nam đã hỗ trợ, tạo việc làm hơn 19 nghìn lao động, giúp gần 4.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập. Xây dựng, cải tạo hơn 36 nghìn công trình nước sạch hợp vệ sinh…
Tuy nhiên, các ý kiến đánh giá mới đây cũng chỉ ra rằng, hầu hết các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2021 không bảo đảm duy trì các tiêu chí đạt chuẩn. Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỷ lệ hộ nghèo giảm, nhưng tỷ lệ hộ cận nghèo tại 5/6 huyện nghèo tăng, cho thấy kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; tỷ lệ giải ngân của Quảng Nam đạt rất thấp, đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp.
Theo đó, kế hoạch vốn năm 2022, đến 31/01/2023 giải ngân được gần trên 487 tỷ đồng/1.620 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách Trung ương giải ngân được gần 325 tỷ đồng/1.234 tỷ đồng, đạt 26,31%; vốn ngân sách tỉnh giải ngân được gần 162 tỷ đồng/385 tỷ đồng, đạt gần 42%. Đối với kế hoạch vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài), giải ngân đến 30/06/2023 được gần 386 tỷ đồng, đạt 11,44% kế hoạch. Một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần chưa triển khai thực hiện được trong năm 2022, như nội dung hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn chậm.
Lý giải về việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm so yêu cầu, lãnh đạo những địa phương được hưởng lợi từ các chương trình cho rằng, tỷ lệ giải ngân còn thấp do cuối năm 2022, Trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021 - 2025. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, chưa đồng bộ, gây lúng túng cho địa phương trong thực hiện các chương trình. “Quảng Nam đã có sáng kiến thành lập Văn phòng điều phối chung các Chương trình Mục tiêu quốc gia cấp huyện. đây là kinh nghiệm hay cần được xem xét, phát huy. Tới đây, Quảng Nam cần khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định số 38/2023/NĐ - CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ - CP ngày 19.4.2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu gia”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi hôm 21/7.
Bùi An
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com