44 năm trước anh và các bạn bước lên bàn thánh nhận tác vụ linh mục. Ngày ấy anh đang U. 30, tuổi đầy nhiệt huyết của đời người.
Cha AnTôn Nguyễn Đình Thục, Phó chủ tịch UBĐKCG/TPHCM |
Anh Antôn kính mến,
Nghe người bạn gửi Email báo tin 27 tháng tư này, anh mừng kỷ niệm 44 năm linh mục, 70 tuổi đời, đồng thời gửi kèm một bài viết trên mạng của ai đó có tựa đề “NHỘT”. Bài viết đối chiếu cuộc sống của Đức Thánh Cha Phanxicô với người linh mục Việt Nam hôm nay. Anh bạn bình luận “Bài viết thật hay, nhưng cay đắng quá”. Mình mới đọc lướt qua, chợt nhớ về anh và viết ít hàng này.
44 năm trước anh và các bạn bước lên bàn thánh nhận tác vụ linh mục. Ngày ấy anh đang U. 30, tuổi đầy nhiệt huyết của đời người. Nghe nói anh đã mạnh dạn đề xuất xin cho được đi truyền giáo cùng với hai người bạn cùng khóa và được toại nguyện. Ý định đó đã thai nghén trong thời gian vừa chịu chức Bốn. Bề trên mà cụ thể là Đức Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình khi biết điều này đã cho các anh rõ những khó khăn sẽ gặp ở vùng Phước Khánh, Cần Giờ, Tam Thôn Hiệp...mệnh danh Sibêri của SàiGòn, nơi ánh sáng Tin Mừng chiếu dọi leo lét. Các anh đã có một thời tuổi trẻ linh mục năng nổ, nhiệt thành. Chấp nhận sống chung trong một cộng đoàn “tam nhân đồng hành” khó nghèo, ăn cơm tay cầm, cơm nguội là chính vì thời gian “Đi” nhiều hơn nghỉ. Còn cha Đan Vinh bạn anh thì chọn hoạt động trong một phong trào trẻ. Chủ yếu đến với người trẻ bằng những sinh hoạt dã ngọai, qua đó tìm gặp Chúa nơi những người trẻ xa lạ. Tìm và áp dụng những phương pháp thâm nhập Lời Chúa vào trong giới trẻ. Chuyên tâm viết lách, những “Tác phẩm”: Học sống Lời Chúa, Kinh tối gia đình, Lời Chúa trong cuộc đời, gần đây là Hiệp sống Tin Mừng... đã thai nghén từ lâu. Khi được vào đúng môi trường, đúng hoàn cảnh, đã ra đời. Đáp ứng nhu cầu khát khao LỜI của mọi người. Các anh đã chọn con đường Thầy chí thánh Giêsu đã đi, là phục vụ những con người cụ thể (Tất nhiên đã là Linh mục ai chẳng chọn lý tưởng ấy?). Nhưng suy tư của những linh mục trẻ như các anh ngày ấy thật tuyệt vời. Ngồi học dưới mái nhà chung chủng viện, chắc các anh đã thao thức nhiều, chỉ chờ ngày mãn khóa, được xức dầu ghi ấn tín, là như bước ra một thế giới mới ấp ủ suốt thời gian tu học. Là linh mục để làm gì? Hẳn các anh đã suy nghĩ nhiều, đã đặt ra cho mình. Chắc không phải là để về một nơi nào đó an nhiên có nhà thờ, có giáo dân, có phương tiện đi lại, nơi ở ổn định. Mỗi ngày sáng lễ chiều kinh theo phân công của cha sở. Những điều ấy là đương nhiên, nhưng không phải là mục tiêu của cuộc đời linh mục. Là linh mục là để thỏa mãn ý Chúa đòi buộc “Hãy làm điều này mà nhớ đến Thầy”. Đó là “Bẻ bánh mình ra” xây dựng những cộng đoàn yêu thương, thân mật như nhóm mười hai, để mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy, đồng thời cũng là để thỏa mãn những ý định của bản thân “Trọn thân con thuộc về Chúa”. Anh chọn vai trò người đi gieo và hẳn mong ước những hạt giống được nảy nở trên những vùng đất cằn cỗi, sỏi đá, chua phèn, nước lợ. Mệt đấy, cực đấy nhưng mà vui khi biết rồi sẽ có “Đây hạt giống sinh ba chục, kia hạt giống sinh sáu chục, có hạt trổ sinh một trăm”. Dù thời gian ra đi không nhiều, nhưng đã để lại nơi anh nhiều bài học qúi giá: Bài học sống và làm việc chung, bài học sẻ chia những gì mình có với anh em mình, với đồng lọai, bài học “Sống Đức Kitô giữa đồng bào mình” mà 90% chưa nhận biết Đức Kitô. Thời cuộc thay đổi, sau năm 1975, trở về với chức năng mục vụ cộng đoàn, anh dành ra thời gian học hỏi để tiếp thu thêm những kiến thức đạo đời, hầu giúp cho họat động mục vụ, nhanh chóng mạnh dạn hòa nhập với xã hội mới. Mình mới nghe một người bạn, thầy Chú, một đồng nghiệp thân thiết kể rằng các linh mục bên Đức, khi nhận tác vụ linh mục thì ngoài ba lời hứa: độc thân, khó nghèo, vâng phục còn có lời hứa sẽ tiếp tục học hỏi suốt đời (!?). Học không phải để lấy bằng cấp, không phải để chuyển nghành, không phải để có vai trò nào khác trong xã hội, Giáo hội mà chỉ để phục vụ như Thầy chí thánh Giêsu. Thánh nhạc là con đường anh cảm thấy mình được thỏa thích vẫy vùng ca tụng Chúa, phục vụ cộng đòan. Nhưng chỉ vì chuyện người bạn làm mất xe, khiến việc học chính quy với vị thầy, linh mục Tiến Dũng, bị dừng lại, thay vào đó là học hàm thụ mà vẫn đáp ứng được sở nguyện. Nhưng đúng là không chuyên nghiệp nên trong danh mục các bài thánh ca, chưa thấy tên anh xuất hiện, khác với cha Đan Vinh đều đều hàng tuần thấy tên trên những trang mạng Lời Chúa, trên báo chí, tập san các đoàn thể.
Mới hôm nào còn là linh mục trẻ, xông xáo, họat bát, năng nổ tham gia nhóm nghiên cứu Thần học của Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố, cùng Nhạc sĩ Viết Chung và các bạn tổ chức các liên hoan hợp xướng Thánh ca các ca đoàn trong giáo phận; đi đầu thực hiện thu âm, phát hành các băng nhạc Thánh ca Giáng sinh những năm đất nước bước vào đổi mới... mà nay đã 44 năm. Tuổi đời đã bước vào thất tuần: Hai mươi năm cuối là bao? Anh bây giờ, một cha sở mấy chục năm. Không còn bước đi trên khắp nẻo đường, nhưng dừng lại để chăm sóc đoàn chiên và gặp gỡ, đối thoại với bà con, các giới trên địa bàn, trong thành phố. Từ một họ đạo nhỏ ở Phú Nhuận, sang một giáo xứ lớn tại Tân Bình, rồi lại về một xứ đạo gần đó. Mỗi một cộng đoàn đều có những phong phú khác nhau, nhưng tựu trung đều là những cộng đoàn yêu thương. 44 năm nhìn lại, chắc anh đã đúc rút cho bản thân nhiều kinh nghiệm mục vụ. Đã nghĩ đến việc viết hồi ký mục vụ cho mình chưa? Kể anh nghe chuyện nhỏ: đứa cháu mình một lần đi dâng lễ tại một nhà thờ nội thành, nghe cha T.T giảng, về nhà cháu nhắc đi nhắc lại lời Cha: Nhiều người nói Giáo hội Việt Nam nay không còn thiếu linh mục. Đúng, nhưng vẫn thiếu các linh mục thánh thiện, chứ còn... Anh nghĩ thế nào ? mình sẽ gửi cho anh bài viết Nhột để xem anh có nhột? Chắc là không rồi!
Xin Chúa cho anh mừng thọ 70, và các anh năm nay mừng 44 năm linh mục, luôn trung thành với ơn gọi của mình, để được tiếp tục mừng Kim khánh, Ngọc khánh, Kim cương linh mục rồi “Thiên thu linh mục” trên nước trời. Fx. Đỗ Công Minh
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com