Tin tức - Hoạt động

Venezia: Chuyện về ngôi thánh đường được xây dựng giữa lúc dịch bệnh

Cập nhật lúc 15:40 23/04/2020
Trong khi thế giới đang chật vật đối mặt với thử thách của corona virus, thì ở một nơi khác trước đây là Cộng hòa Venezia, bây giờ là một thành phố thuộc Italy, cách đây 428 năm, khi bệnh dịch hạch tấn công giết chết nhiều người, một ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ đã mọc lên.
Toàn cảnh ngôi thánh đường Chúa Cứυ Chuộc. Ảnh: CTV
Toàn cảnh ngôi thánh đường Chúa Cứυ Chuộc. Ảnh: CTV

Trong khi thế giới đang chật vật đối mặt với thử thách của corona virus, thì ở một nơi khác trước đây là Cộng hòa Venezia, bây giờ là một thành phố thuộc Italy, cách đây 428 năm, khi bệnh dịch hạch tấn công giết chết nhiều người, một ngôi nhà thờ nguy nga tráng lệ đã mọc lên. Một điều đáng lưu ý là nhờ đức tin đã cứu một trong những thành phố được yêu thích nhất trên thế giới khỏi bệnh dịch hạch.

Ngày nay bất cứ ai đến thăm Venezia có thể chiêm ngưỡng ngôi thánh đường Chúa Cứu Chuộc, một cấu trúc cao 76 mét, với mái vòm uy nghi, vươn cao trên hòn đảo Giudecca. Tuy nhiên, ít có người biết rằng, ngôi thánh đường này được xây vào năm 1592 để tạ ơn Thiên Chúa vì đã thương cứu giúp đánh bại một cơn đại dịch hạch đã cướp đi mạng sống của hơn 30% cư dân của thành phố này.

Vào khoảng năm 1575-1577, một làn sóng dữ dội của bệnh dịch hạch tấn công vùng đất lúc bấy giờ gọi là Cộng hòa Venezia, giết chết gần 50.000 người. Một phần ba người dân Venezia bị thiệt mạng vì dịch hạch trong đó có họa sĩ nổi tiếng thời phục hưng là Tiziano. Năm 1576, ở đỉnh điểm mùa dịch, Thượng viện quyết định xây một ngôi nhà thờ nguy nga để cầu xin Chúa trợ giúp trong cuộc chiến chống lại bệnh tật. Doge Alvise I Mocenigo, người cai trị nước Cộng hòa Venezia lúc bấy giờ đã chọn Andrea Palladio, một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng nhất thời phục hưng để thực hiện dự án.

Palladio đã thiết kế ngôi nhà thờ có gian giữa kết hợp với ba nhà nguyện phụ. Mặt tiền được mô phỏng theo đền Pantheon ở Rôma, đường dẫn đến cửa tiền nhà thờ có 15 bậc, theo lối kiến trúc của đền thờ Giêrusalem. Theo cách này, Palladio đã cố gắng tạo nên một công trình đồ sộ, qua đó cho thấy lòng cậy trông vào Chúa của các tín hữu mọi thời đại.

Sau khi đặt viên đá đầu tiên, Palladio đã dựng nên một ngôi nhà thờ nhỏ bằng gỗ có chức năng như một nhà thờ tạm trong khi xây dựng nhà thờ lớn hiện tại. Nhà thờ bằng gỗ này hoạt động như một nhà nguyện nổi, nối kết với phần còn lại của thành phố bằng những cây cầu và sà lan di động cho phép các linh mục và nhà cầm quyền đến nhà tạm. Chỉ vài tháng sau khi thành phố quyết định xây dựng nhà thờ để cầu xin sự trợ giúp của Chúa, ngày 20/7/1577, chính quyền đã tuyên bố chấm dứt bệnh dịch.

Một đoàn rước bằng thuyền phát xuất từ mọi ngõ ngách của vịnh này hân hoan tuôn về “nhà thờ nổi” như một dấu chỉ tạ ơn. Kể từ đó, ngày 20/7 hằng năm người dân ở đây tổ chức lễ tạ ơn Chúa đã phù giúp họ đánh bại dịch bệnh.

Buổi lễ kỷ niệm bắt đầu từ tối hôm trước với những màn trình diễn pháo hoa tuyệt đẹp trên khắp thành phố. Ngày hôm sau người dân Venezia đổ ra các kênh đào, trên những chiếc thuyền được trang trí rất đẹp để tỏ lòng biết ơn vì một kết thúc có hậu của một trang sử đầy khó khăn của thành phố.
 
Lm Giuse Võ Tá Hoàng
Thông tin khác:
“Linh mục là người biết nhớ” (23/04/2020)
Bổ nhiệm Phó Tổng biên tập tạp chí Mặt trận (21/04/2020)
Mùa Chay – Tuần thánh những tập tục và truyền thống (21/04/2020)
Chúc mừng lễ bổn mạng cha Chính xứ Hàm Long (21/04/2020)
Nhà thờ Chính tòa Hà Nội: Đại lễ phục sinh 2020 trong bối cảnh Covid-19 (21/04/2020)
"Hãy biết chia cơm sẻ áo với những người cơ hàn” (21/04/2020)
Nhà thờ giáo xứ Kẻ Láng. (20/04/2020)
Toàn nước Ý ngưng các Thánh lễ công khai, kể cả lễ an táng, cho đến ngày 03/04 (20/04/2020)
Du lịch Việt: Đừng để đến lúc khó mới tìm đến nhau (20/04/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log