Nhờ chú trọng đầu tư giao thông, thủy lợi, 100% số xã có đường giao thông nông thôn trong tỉnh được rải nhựa hoặc đổ bê tông đến trung tâm xã; 100% thôn, bản có đường tới trung tâm, trong đó có 95,9% được bê tông hoá. Toàn tỉnh hiện có 3.224 công trình thủy lợi gồm 133 đập, hồ, 36 trạm bơm điện nhỏ, 3.055 đập dâng, 1.317 cống đầu mối, 291,8 km kênh, mương được kiên cố.
100% đường giao thông tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Yên Bái được cừng hóa bằng bê tông hoặc rải nhựa. |
Đầu tư đồng bộ hạ tầng lưới điện, 100% xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ được dùng điện lưới quốc gia đạt 97,6%. Tuy nhiên, đến hết năm 2023, toàn tỉnh còn 30 thôn, bản "trắng" với khoảng 3.558 hộ chưa có điện lưới quốc gia, chủ yếu nằm trên địa bàn các thôn bản đặc biệt khó khăn của các huyện Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Toàn tỉnh hiện có tổng số 358 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 108.778 công trình cấp nước cho 160.454 hộ gia đình. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 96% (vượt 19% mục tiêu Đại hội đại biểu DTTS tỉnh lần thứ III). Tỷ lệ chất thải rắn được thu gom và xử lý ở khu vực nông thôn đạt 40,2% năm 2023.
Về đầu tư trường, trạm, toàn tỉnh có 79,3% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 72% xã có khu thể thao; 966 thôn, tổ dân phố có khu nhà văn hóa từ 200m2 trở lên, 324 tổ dân phố có khu nhà văn hóa dưới 200m2. Tỷ lệ phòng học được xây dựng kiên cố đạt 87,8%; có 342 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 77,38%. Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn có tổng số 6.929 giường bệnh bảo đảm việc khám, chữa bệnh cho người dân.
Về đầu tư phát triển mạng lưới chợ, vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện có 92 chợ đang hoạt động phục vụ nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa, giao lưu văn hóa. Đến nay, nhiều chợ được đầu tư quy mô, hiện đại như: xây mới chợ xã Khao Mang, chợ trung tâm huyện Mù Cang Chải và nâng cấp, cải tạo các chợ trung tâm xã (ở Lâm Thượng, Khánh Thiện, An Phú, huyện Lục Yên; Châu Quế Thượng, Châu Quế Hạ, Lang Thíp, huyện Văn Yên...).
Hạ tầng công nghệ thông tin vùng đồng bào DTTS tiếp tục được tỉnh quan tâm đầu tư. Hiện nay, 100% xã, phường, thị trấn đã có đường truyền băng rộng cáp quang; mạng di động 4G được phủ sóng trên 98,5% thôn, bản. Đặc biệt, đã hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác 1
trạm BTS, phủ sóng di động 4G cho 257 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu của 3 bản chưa có điện lưới của xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải. Dự kiến đến hết năm 2024, toàn tỉnh có thêm 57 trạm phát sóng 5G của Viettel, VNPT...