Văn hóa nghệ thuật

GIỚI THIỆU CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC ĐỀN TAM THÁNH QUẦN CỐNG

Cập nhật lúc 10:52 29/06/2010

Ý tưởng xây dựng Đền Tam Thánh đưa ra được tất cả mọi người tán thành. Nhưng có nhiều ý kiến trái ngược về địa điểm xây dựng, về mẫu mã kiến trúc và về phương án tiến hành.

Trước sự tham gia ý kiến rất phong phú này mọi người nhận thấy cần phải có nhiều cuộc họp với nhiều thành phần để đúc kết và tuyển chọn phương án tối ưu. Có các cuộc họp chính thức do cha chính xứ tổ chức với sự tham dự của quý cha đồng hương và ban trùm trưởng giáo xứ. Có các cuộc họp có tính cách gia đình như gia tộc Tam Thánh. Cả  ban đại diện làng Quần Cống cũng tham gia ý kiến. Có các cuộc thảo luận bên lề, trong các khu xóm và trong nhóm bạn hữu.

  Về địa điểm xây dựng
Gia tộc Tam Thánh muốn xây dựng đền ngay trên đất tổ. Trong khi ban đại diện làng lại muốn xây dựng ngay trên đất đình làng xưa. Mỗi bên đều có lý do chính đáng. Nhưng những lý lẽ chưa đủ sức thuyết phục.
 Xây trên đất của gia tộc Tam Thánh có những thuận lợi vì đã có đất sẵn sàng, vì đó là nơi các thánh đã từng sinh sống, vì có con cháu giúp việc bảo trì. Nhưng về đất tổ cũng đã thiếu sự nhất trí. Hiện nay đã có hai nơi xây hai cơ sở khác nhau rồi. Nếu phải chọn một sẽ có mâu thuẫn tranh cãi. Và nếu xây trên đất tổ thì ai sẽ đứng chủ quyền. Đền là của chung nếu chỉ thuộc về một gia đình là không hợp lý.

Xây dựng tại thửa đất của đình làng xưa có những ưu điểm. Vì đó là một di tích đáng quí. Vì đó là nơi chung. Nhưng không phải không có những trở ngại. Vì là đất chung nên còn phải tổ chức những buổi hội làng. Sẽ mất đi tính cách tôn nghiêm cần thiết của một ngôi đền. Vì là đất của chung nên sau này có thể gặp trở ngại khi chính quyền không thuận thảo với xứ đạo.

 

Sau cùng mọi người đều thống nhất ý kiến xây dựng Đền Tam Thánh ngay trong khuôn viên nhà thờ xứ là hợp lý và thuận lợi nhất. Vì nhà thờ là nơi tôn nghiêm rất thuận lợi cho bầu khí cầu nguyện. Vì nhà thờ là nơi chung sẽ biến đền thành chính thức của cả giáo xứ sẽ ổn định lâu dài. Đền Thánh nằm trong khuôn viên nhà thờ sẽ tiện lợi cho khách hành hương đến kính viếng.

Thoạt tiên mọi người nghĩ đến khu đất ở đầu nhà thờ, đối diện với nhà xứ mới xây. Đây là một khu đất rộng, hoàn toàn thuộc chủ quyền của nhà xứ. Tuy nhiên địa thế thất lợi vì ở quá sâu bên trong, không thuận lợi cho khách hành hương lui tới. Ngoài ra đền phải xây dựng đàng sau công trình phụ của một số hộ sẽ mất vẻ tôn nghiêm. Có thể mở ra phía đường nhỏ của xóm nhưng vì là đường nhỏ nên giao thông không thuận lợi.

Thấy những bất lợi của khu đất đầu nhà thờ, mọi người nghĩ đến khu đất tọa lạc bên cạnh trái nhà thờ, ở ngay lối vào. Nhưng phần lớn khu đất này thuộc về tư nhân. Vì thế cần thương lượng và cần thêm kinh phí mua đất. Tuy tốn kém hơn nhưng đây là một địa điểm đẹp vì ở ngay lối vào nhà thờ, rất thuận lợi cho khách hành hương lui tới đồng thời tạo thêm cảnh quan cho tổng thể khu vực nhà thờ xứ. Việc thương lượng tiến hành dễ dàng vì mọi người đều tha thiết với ngôi đền tôn kính Tam Thánh Quê Hương. Giá cả đều có tính cách tượng trưng. Riêng ông trùm Căn đã đi tiên phong dâng hiến phần ao thuộc quyền sở hữu của gia đình ông để góp phần xây dựng đền.

Về ý tưởng kiến trúc

 Từ khi dự định xây dựng Đền Tam Thánh manh nha, ý tưởng kiến trúc đã được thảo luận nhiều.  
 Vào thời điểm đó, nhiều ngôi nhà cổ thôn quê được các đại gia mua đem ra thành phố rất được tán thưởng. Vì thế có ý kiến nên mua một ngôi nhà cổ có giá trị dùng làm đền. Tuy nhiên ý kiến này mau chóng bị bác bỏ. Vì ngôi nhà cổ sẽ khó bảo trì. Với thời gian, gỗ không còn tốt. Bảo trì và nhất là tôn tạo những hoa văn cổ xưa là việc làm phức tạp đòi hỏi tài năng, công sức và kinh phí. Hơn nữa khó tìm một ngôi nhà cổ phù hợp với mục đích tôn giáo, kiến trúc hài hòa với nhà thờ, hình dáng không quá to lớn lấn át ngôi nhà thờ.
Có ý kiến xây dựng một ngôi đền với những tháp cao, lộng lẫy hoành tráng. Ý kiến khác muốn xây dựng một ngôi đền rộng lớn có thể đón tiếp hàng ngàn người đến cầu nguyện và tham dự thánh lễ.
Sau nhiều cuộc thảo luận, tham khảo ý kiến những người chuyên môn, các nghệ sĩ, mọi người đều đồng ý những điểm sau đây :
 Kiến trúc ngôi đền phải mang tính chất dân tộc vì ngôi nhà thờ Quần Cống đã có lối kiến trúc dân tộc với 3 ngọn tháp ở mặt tiền nhà thờ có những tầng mái cong.
Tuy mang dáng dấp dân tộc, nhưng kiến trúc ngôi đền không được sao chép những ngôi đền cổ, mà phải hiện đại với những sáng tạo độc đáo.

Để có hòa hợp tổng thể, kích thước ngôi đền không được quá lớn, không được lấn át nhà thờ trái lại phải làm nổi bật nhà thờ tạo nên một tổng thể hài hòa và xinh đẹp. Vì nhà thờ, nơi thờ phượng Chúa vẫn là điểm chính. Đền Tam Thánh tôn kính các Đấng Tử Đạo chỉ là điểm phụ.

Đền Tam Thánh bên ngoài phải thể hiện được phong cách dân tộc theo triết lý Á Đông, nhưng bên trong phải nói lên ý nghĩa thần học và tôn giáo, đặc biệt về đức tin kiên cường của các Đấng Tử Đạo.
 Về thực hiện xây dựng

 Sau khi đã thống nhất ý tưởng chủ đạo, cần phải có người thực hiện. Có hai chuyên viên được lưu tâm. Kiến trúc sư Anre Dũng Lạc Trần trung Kiên và họa sĩ Giuse Trần thanh Bình. Trước hết hai chuyên viên này là người công giáo, am hiểu kiến trúc Á Đông, hiểu biết Kinh Thánh và Thần học và rất có tâm huyết với nghệ thuật kiến trúc tôn giáo. Kế đến hai chuyên viên này đã có nhiều kinh nghiệm xây dựng và trang trí các công trình tôn giáo. Kiến trúc sư Trần trung Kiên đã thiết kế nhiều nhà thờ như nhà thờ Trung Trí thuộc giáo xứ Hàm long, đền thánh Nguyễn Đích ở Chi long, hiện đang tham gia cuộc thi thiết kế Trung tâm Thánh Mẫu Lavang. Họa sĩ Trần thanh Bình đã từng trang trí nhà thờ chính tòa Lạng sơn, nhà thờ Mai khôi Sài gòn, đền kính cha Trương bửu Diệp ở Tắc sậy, nhà thờ Thánh Tâm ở Đà lạt, nhà thờ Thánh linh ở Long xuyên, nhà thờ Ngọc thạch ở Cần thơ…
 Hai chuyên viên đã tích cực cộng tác với nhau và làm việc hăng say, nên đã đưa ra nhiều mẫu mã. Lúc đầu là ngôi đền hình tròn có hai mái rất mềm mại. Sau đó là hình  ngôi nhà ba mái với kiến trúc hình chiếc nón lá rất Việt nam. Các ý tưởng về trang trí bằng đá, bằng gỗ cũng như qui hoạch cảnh quan tổng thể đều được thảo luận tỉ mỉ với nhiều ý tưởng phong phú.
 Một ban xây dựng đã được thành lập gồm có
 Điều hành  : Cha Xứ Gioakim Nguyễn hữu Văn

Trưởng ban          : Ông Trùm Căn

Phó ban      : Ông Trùm Luận

Cố vấn        : Quý cha quê hương Quần Cống, đặc biệt là

Đức TGM Giuse Ngô quang Kiệt

Cha Giuse Phạm ngọc Oanh

Cha Vinxente Nguyễn tốt Nghiệp

Cha Đaminh Ngô văn Viễn

Cha Giuse Phạm thành Lâm

Cung cấp gỗ         : Anh Trần công Đoàn

Anh Trần viết Đảng

 Toàn thể giáo dân trong giáo xứ Quần Cống sẽ tham gia các công tác chung như  chuẩn bị mặt bằng, di chuyển vật liệu, giúp đổ bê tông, vệ sinh khu vực…
 Trong bầu khí nô nức, mọi người hăng hái bắt tay vào việc. Hi vọng ngày khai mạc Năm Thánh kỷ niệm 150 năm tử đạo của Tam Thánh Quê Hương (13-01-2009) ngôi đền sẽ hoàn thành để khách hành hương tứ phương đến kính viếng.
  Còn nữa.
Người con xứ Cống
Thông tin khác:
Con đường (22/06/2010)
Tìm hiểu về lễ hội ở xứ đạo Kẻ Sặt. (21/06/2010)
NGỌN LỬA (21/06/2010)
ĐÔI NÉT GIỚI THIỆU ĐỀN TAM THÁNH QUẦN CỐNG (18/06/2010)
GIA TÀI CỦA CON (17/06/2010)
ĐẠI ĐA SỐ LINH MỤC SỬ DỤNG INTERNET MỖI NGÀY (16/06/2010)
Di sản của một giám mục: Làm thế nào để bài giảng sống động hơn? (10/06/2010)
Tấm lòng của Bác đối với đồng bào Công Giáo (07/06/2010)
Nhà thờ Phát Diệm - độc đáo và duy nhất (04/06/2010)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log