Văn hóa nghệ thuật

Nhà thờ Cam Ly

Cập nhật lúc 10:19 15/07/2015
Trong số 100 công trình kiến trúc Công giáo xuất hiện ở Đà Lạt nửa đầu thế kỷ XX thì nhà thờ Cam Ly được đánh giá là có giá trị cao về mặt mỹ thuật kiến trúc cũng như giá trị sử dụng cho tâm linh tôn giáo. Nhà thờ Cam Ly hay còn gọi là nhà thờ Sơn Cước nằm trên ngọn đồi, gần với thác Cam Ly của thành phố Đà Lạt.
Nhà thờ do linh mục người Pháp tên là Botary thiết kế cùng với nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ thi công xây dựng. Nhà thờ khởi công năm 1959 và sau 8 năm xây dựng, năm 1967, nhà thờ hoàn thành. Đây là nhà thờ mà kiến trúc mô phỏng chiếc nhà rông của đồng bào Tây Nguyên và được phát triển theo tinh thần của trường phái kiến trúc thô mộc nên kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương Tây và truyền thống dân tộc (ảnh trên).
Mặt bằng thi công nhà thờ hình chữ nhật có diện tích 324m2, trong đó 1/3 dành cho gian cung thánh, 2/3 còn lại là nơi để giáo dân tham dự lễ và cầu nguyện. Nổi bật nhất là mái nhà thờ có độ dốc lớn và rất rộng, dài 17m nên lợp 80.000 viên ngói mua từ nước ngoài về với trọng lượng 90 tấn trên đó đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Nhà thầu cũng tính toán để dư 8.000 viên ngói để sau này thay thế các viên ngói hư có được sự đồng bộ. Tường nhà thờ xây bằng đá dày 40cm nên mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Hệ thống tường và cột gắn chắc vào kèo cột làm bệ đỡ cho mái ngói nặng. Các cột đỡ cao 3m, kích thước 20 x 50cm. Nhà thờ có kỹ thuật xử lý ánh sáng và âm thanh tốt tạo sự huyền ảo của một công trình tôn giáo. Các ô cửa kính màu rất phong phú nhưng chỉ có 2 loại là hình tam giác và hình vuông. Vì đây là công trình tôn giáo dành riêng cho người dân tộc nên mang đậm màu sắc dân tộc. Với người dân tộc thiểu số thì hình tam giác chỉ sự ưu việt của Chúa hơn hẳn mọi loài thụ tạo, còn hình vuông tượng trưng cho trái đất được bao quanh là các tinh tú khác như sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc và Mặt trời. Trên gian cung thánh có chiếc bàn thờ dài 3,90m, rộng 0,90m được làm bằng gỗ thông già lấy từ rừng Lang Biang và xử lý khô 15 năm. Bàn thờ chính có dựng tượng Chịu nạn mà dưới chân tượng có gắn 3 chiếc sừng trâu sắp xếp từ lớn đến nhỏ. Đối với người thiểu số, con trâu là vật nuôi rất quan trọng không chỉ trong sản xuất mùa vụ mà cả trong tế lễ thần linh nữa. Ba chiếc sừng trâu tượng trưng cho Ba Ngôi Thiên Chúa và cũng là lễ vật của người dân dâng lên Thiên Chúa hàng ngày. Tường gian thánh phía trên có gắn ba ngôi sao cách điệu được phối màu bằng các ô kính hình tam giác màu tượng trưng cho Thiên Chúa Ba Ngôi (ảnh dưới).
Bên trong nhà thờ Cam Ly
Tiền sảnh nhà thờ có hai con thú. Con cọp tượng trưng cho sức mạnh, con chim phượng hoàng tượng trưng cho sự thông minh. Người dân tộc cảm thấy an toàn khi có con cọp canh gác gần đó và con chim phượng hoàng cảnh báo từ xa vì loài chim này có đôi mắt rất tinh anh. Ngoài ra, những hình ảnh con thú này cũng nói đến sự hoán cải của tôn giáo. Con cọp hung dữ là thế nhưng dưới bàn tay huấn luyện của Chúa, nó sẽ trở nên hiền lành và khôn ngoan như chim phượng hoàng.
Nhà thờ có vườn cảnh xung quanh rất đẹp với rất nhiều loại cỏ cây, hoa lá và có nhiều cây thông cổ thụ rất đặc trưng của thành phố hoa Đà Lạt. Ngôi nhà thờ Cam Ly rất đặc trưng, khác hẳn với những nhà thờ Công giáo của người Kinh. Nó là sự hội nhập văn hóa giữa gương mặt của Chúa Trời và gương mặt của Yang (Trời) mà người dân ở đây đã thờ cúng lâu đời.
Nơi đây cũng có cơ sở của dòng Mến Thánh giá Đà Lạt. Các nữ tu cũng mở một nhà chăm sóc cho trẻ em nghèo, bệnh tật của người dân tộc. Có khoảng 50 em độ tuổi từ 6 đến 18 tuổi. Các em được dạy dỗ nhiều chương trình khác nhau từ lớp 1 đến đại học. Một số em học xong phổ thông, đại học đã tình nguyện ở lại để giúp các lớp kế tiếp.
Bích Hải
Thông tin khác:
Nhà thờ Thiện Lâm (06/07/2015)
Tân Thế Giới: Xưa và Nay (30/06/2015)
Nhà thờ Mằng Lăng (23/06/2015)
Sổ tiết kiệm tình yêu (19/06/2015)
Triển lãm chuyên đề “Chum Chóe cổ” và “Lời Ru” (03/09/2014)
Bông hồng có gai (22/07/2014)
Túc cầu giáo (01/07/2014)
Lời thề giữ nước (20/06/2014)
Kẻ trộm Thánh (09/06/2014)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log