Văn hóa nghệ thuật

Túc cầu giáo

Cập nhật lúc 14:23 01/07/2014
Thoạt nghe “Túc cầu giáo”, có vẻ “sốc”, xúc phạm Thánh thiêng. Thực ra, túc cầu chân chính có thể tưởng tượng như một tôn giáo, chỉ có yêu thương, hòa bình,vui tươi lành mạnh; người ta còn gọi: môn thể thao vua
Nhân mùa World Cup 2014, theo tác giả Vu Gia trên Tạp chí Kiến thức Ngày nay, số 859,nhớ lại, đọc lại chút kỷ niệm về bóng đá cho vui. Và cũng chính tác giả viết nên những ai yêu thích bóng đá:”Tín đồ Túc cầu giáo”.
Nghe có vẻ”đao to búa lớn”, xúc phạm đến các tôn giáo. Tuy nhiên, thật ra có thể gọi”hòa đồng tôn giáo”, “tôn giáo đại đồng” hay “tôn giáo hòa bình thế giới”. Quả thật, “túc cầu giáo” có tôn chỉ , mục đích, lý tưởng cao đẹp, luôn thể hiện nơi các vận động viên, cổ động viên, một”tôn giáo” có kỷ luật khá đồng bộ, đòi hỏi nhiều đức tính cần thiết: tránh thô bạo,giao trách nhiệm từng vị trí trong sân cỏ, phối hợp nhịp nhàng, không đề cao cá nhân,tạo nên thành quả của toàn đội. Nói chung đòi hỏi những đức tính toàn diện, có đạo đức tôn giáo, đạo đức tâm linh, đạo đức nhân bản, con người, bao gồm cả đạo đức dân tộc, quốc gia…Vì mục tiêu World Cup là xây dựng tình đoàn kết giữa con người với con người, giữa các quốc gia dân tộc trên thế giới, quên đi hận thù. Trên sân cỏ không phân biệt,thể chế  chính trị,tôn giáo, bạn thù, đảng phái, màu cờ sắc áo như đang diễn ra sôi nổi tại,Brazil.
Các bức tượng Công giáo đặt  bên các cầu thủ

Nhân danh một linh mục Công giáo, một thời xuân xanh tuổi trẻ, ngày từ thưở học sinh Tiểu học, đến Trung học, lên Đại học cũng là thời Tiểu Chủng sinh, Đại Chủng sinh, lên tới chức Linh mục vừa sau Giải phóng 15.4.1975, đã một thời là vận động viên đội tuyển bóng đá xã Long Thới(tăng cường đội tuyển huyện)., huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh. Thời đó, một xã Long Thới tới trên 16.000 dân, trong đó 85% Công giáo.
Những ngày đó tôi đã dự nhiều giải học sinh, sinh viên; đã trải nghiệm nhiều cảm xúc vui buồn lẫn lộn, chơi đẹp, chơi xấu, tranh cãi bàn thắng thua, bao vây trọng tài,ăn gian, những động tác giả cũng có; vinh quang có, nhục nhã có, tung hô vỗ tay có, lủi thủi lơ thơ cũng có…Trong các bài tập luyện, huấn luyện viên hướng dẫn cả thủ thuật(kỹ thuật) ăn gian, giống động tác giả trong tranh cướp bóng. Tuy nhiên pha gian lận nào bị trọng tài phát hiện thổi phạt,bị tai tiếng, phải chịu tai tiếng như Maradona(bàn tay của Chúa).Nhưng pha giả ôm đầu, đánh đầu chạm tay khó có thể phát hiện.
Ngày xưa, đã có đứa trẻ nào nhà quê như mình được xem trận cầu trên sân cỏ  bao giờ? Truyền hình, TV, còn chưa thấy lấy gì được xem trực tiếp trận cầu”kinh điển”, cúp này cúp nọ!  Banh bóng thì tự chế, hoặc xin vải vụn bó lại, hoặc ăn trộm trái bưởi non phơi héo, không lấy bưởi già, đá không nổi.Sân bóng thì bất cứ nơi nào trống-giống trẻ em đường phố bây giờ - là động chân. Gặp nhà bạn có sân không cần lớn nhỏ cũng chơi; gặp sân nhà thờ có cấm, có đuổi cứ chơi rồi chạy, rồi đến, cây cối hoa kiểng mặc kệ…Ông bà đã dạy mà:”nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”. Dù khốn khổ mà vui nhất sau mùa gặt, có rất nhiều sân ruộng; ngày xưa chưa ai biết giống lúa thần nông “lết”, cây lúa thật thấp, phải ngồi la ngồi lết sát đất mới cắt được. Cắt xong, gốc ra bằng phẳng hơn dễ đá.Ngày ấy thuần giống lúa cao giàn, cắt lúa chỉ phân nửa, phân nửa còn lại gốc ra cứng thật cao. Mặc cho mưa to gió lớn, bốn mùa xuân hạ thu đông, tứ thời bát tiết; càng mưa to càng thú, vừa được chơi té lăn té lộn, đá bùn đất lên nhau, vừa được tắm mưa thỏa thích. Nhưng sau trận  sân ruộng, chân cẳng chúng tôi không còn hình thù gì, máu chảy, trầy xước, từ đầu, mặt tới chân tay mình mẩy vì toàn mặc “áo da”, nhỏ nữa thì “quần da”.
Dù là học sinh, nhưng đã bắt đầu đi tu đã được dạy dỗ phải e dè hơn, không được chửi tục, không được đánh nhau, ít được chơi xấu. Có nghỉ hè về nhà đá banh ở đâu cũng như vậy; còn được dạy không ích kỷ háo danh háo thắng dẫn bóng một mình, chuyền bóng cho bạn nữa…Không gì buồn trong sân bóng bằng ít được chuyền bóng, la hét ỏm tỏi, nếu đá dở chẳng mấy khi được bóng.
Trên là thời tuổi xuân hồn nhiên vô tư trong thú chơi bóng đá. Ngày lớn dần lên, mình hiểu dù bây giờ có pha phôi chút thời sự chính trị, văn hóa, kinh tế , xã hội. Tuy nhiên có  những ông chủ, ông bầu cạnh tranh giữa các Câu lạc bộ. Nhưng đó cũng là những quy luật của phát triển xã hội, mà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ta  đang chủ trương xã hội hóa theo thị trường thế giới.Nguyên trong mỗi quốc gia đã diễn ra bao nhiêu giải  đấu, bao nhiêu cấp, tới khu vực, châu lục rồi ra thế giới…
Thật ra bản thân các vận động viên, các cầu thủ chẳng mấy ai suy nghĩ chuyện xa xôi, mơ hồ, quan điểm, ý thức hệ viển vông, mà chỉ vì yêu thể thao, yêu bóng đá. Kể cả các cổ động viên, phần đông đi xem trận cầu này khác cũng chỉ vì ham thích,giải trí, thư giãn; ngoại trừ các fan ham mộ, có thể có tổ chức, hiệp hội…
Chuyện kể rằng: Chúa Giêsu đi xem đá bóng:
Một hôm Chúa Giêsu đi xem trận cầu giữa đội Công và đội Tin lành giao hữu.Vừa sau tiếng còi khai cuộc của trọng tài khoảng 15 phút, đội Công giáo đã tung lưới thủ thành bên Tin lành,các cổ động viên Công giáo phấn khích vỗ tay cuồng nhiệt ủng hộ đội nhà; tất nhiên Chúa Giêsu vỗ tay vang dậy rồi. Nhưng không bao lâu đội Công giáo đã xuống  sức, để cho đội Tin lành ép sân nên bóng đã trở về vạch phát xuất đều 1-1. Khi đó các cổ động viên Công giáo tiu nghỉu, xuống sắc, Chúa Giêsu lại đứng bật dậy, tung nón vỗ tay reo hò.Tức thì người bên cạnh khó chịu hất cùi chỏ qua Chúa Giêsu hỏi:
            -Ông phe nào vậy? Sao phe nào ông cũng vỗ tay?
            -Tôi chẳng phe nào cả, tôi đi xem bóng đá chứ có đi xem cầu thủ đâu!
Thoạt nghe “Túc cầu giáo”, có vẻ “sốc”, xúc phạm Thánh thiêng. Thực ra, túc cầu chân chính có thể tưởng tượng như một tôn giáo, chỉ có yêu thương, hòa bình,vui tươi lành mạnh; người ta còn gọi: môn thể thao vua.Các triết gia cổ đại Hy Lạp, nơi sản sinh Olympia đầu tiên thế giới đã đề ra những câu nói thời danh như tín điều tôn giáo:”mens sana in corpore sano”(một tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện”.Trong bóng đá đòi hỏi những đức tính cần thiết như tiết độ, yêu thương, đoàn kết, hiền hòa, nhân ái và kỷ luật…Trong đội bóng thậm chí có cả cai tù và tù phạm, chưa nói lý lịch chính trị. Tôi là linh mục Công giáo, bạn đồng đội chúng tôi đủ thành phần: cán bộ đảng viên, lương ,giáo, dân tộc; có bạn lên tới Chủ tịch UBND tỉnh.Anh em thương yêu, nhường nhịn, chăm sóc nhau như ruột thịt; nhường cả áo, quần giầy vớ tiền bạc cho nhau, bảo vệ nhau rất chặt khi phải thi đấu nơi xa khi có xô xát, bất hòa…Nhiều lần tôi bị chấn thương, khi nặng khi nhẹ, đều được chính quyền, bạn đồng đội tận tình chăm sóc y tế. Trong cuộc sống, biết giúp đỡ,viếng thăm khi gia đình hoạn nạn, gặp khó, trong tiệc cưới. việc tang lễ hội đều họp mặt hỗ trợ nhau.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất  đầu đời linh mục 10 năm trong đội tuyển bóng đá của tôi: những năm ấy vừa sôi động phong trào thể thao, đặc biệt bóng đá, văn nghệ và kèm theo phong trào lao động xã hội chủ nghĩa. Trong lễ tuyên hôn thường dán khẩu hiệu”lấy lao động làm cơ sở yêu đương”, “vui xuân ra quân làm thủy lợi”.Mỗi chuyến đi thủy lợi, tôi vừa xuống được mấy “dá”-đào vài lớp đất, tập thể đội bóng không cho  làm nặng, cho đi chài lưới cá, tép dưới sông, rạch xung quanh, phụ bếp “cải thiện” bữa ăn.Cơm nước xong, có những buổi chiều tôi dâng Thánh lễ, có anh em cán bộ, bạn đồng đội lương giáo Khmer dọn bàn ghế nơi làm lễ. Dâng lễ xong, có những đêm văn nghệ bỏ túi,dàn nhạc khi có cả đàn guitar, khi thì đập bồn ,đập bát,bộ gõ, gỗ tô gõ chén. Tôi đã thuộc, đã hát những bài ca hùng tráng “Lên đàng”, “Ba lẻ bảy”, “Trường sơn đông, Trường sơn tây”, “Con kênh xanh xanh”…Đêm Trung thu, chúng tôi múa lân, đầu lân là dụng cụ khiêng đất “ki”, gắn lá dừa làm râu lân và trùm mền làm con lân. Tất cả thú chơi đã lớn còn vô tư như tuổi thơ cũng xuất phát và tồn tại từ tinh thần thể thao bóng đá.
Đang ghi chép dông dài chuyện bên lề bóng đá  World Cup 2014, tình cờ đọc được bài “ĐỨC GIÊSU ĐANG HIỆN DIỆN TRONG THÀNH PHỐ”trích đăng từ cuốn sách:”chỉ tình yêu mới giải thoát chúng” của ĐTC Phanxicô, trongTuần báo Công Giáo và Dân tộc số 1960, mình tâm đắc quá,hồi đó mình cứ tưởng “đi nói dối cha, về nói dối chú” trốn đi đá bóng; mặc dù mình ,được công khai có phép bề trên tới Cha Sở, lên Đức Giám Mục, nhưng quan điểm chung vẫn là “xướng ca vô loài” hết, đối với một linh mục.Mình nghĩ, như trong bài viết nói:”Như chúng ta biết, “nét đặc trưng Kitô giáo” từ ban đầu được hiểu như là men làm dậy bột. Bởi vậy, chúng ta sẽ cảm thấy được thúc giục nếu nhìn ra Thiên Chúa đang sống trong thành phố(trên sân cỏ), chan hòa thân thiết với mọi người và mọi sự”
Và thú vị nữa, cũng ĐTC Phanxicô, đài Phát thanh Vatican đưa tin: ngày 25.6.2014 có một vị lãnh đạo đặc biệt đã đến thăm Vatican, đó  là Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới FIFA. ĐGH Phanxicô đã chào đón ông Joseph Blatter, Chủ tịch của FIFA đến thăm Vatican.:”trong cuộc gặp đầy tiếng cười.
“ĐGH Phanxicô  là một người rất yêu thích bóng đá, đó là lý do tại sao ông Blatter lấy quả bóng ra đầu tiên và nói: “Quan trọng nhất là quả bóng”.
 ĐGH đáp lời: “Không có nó, bạn không thể chơi”.
Ông Blatter còn mang theo 2 cái áo cầu thủ, một đen và một trắng, có ghi tên ĐGH và số 10 ở phía sau. Ông cũng tặng ĐGH huy chương và linh vật của World Cup 2014 tổ chức tại Brazil.
                                                                                                                                                    
 
Lm Sơn Đoài
Thông tin khác:
Lời thề giữ nước (20/06/2014)
Kẻ trộm Thánh (09/06/2014)
Thưởng phạt (29/03/2014)
Mùa Chay: Ăn Chay, Chia Sẻ và Cầu Nguyện (11/03/2014)
Năm Giáp Ngọ Nói Chuyện Ngựa Trong Kinh Thánh (23/01/2014)
Người Công giáo Việt Nam với Tết Cổ truyền Dân tộc (19/01/2014)
Hội thảo, tĩnh tâm, cầu nguyện Mùa Vọng: Quyền được sống và được yêu. (20/12/2013)
Mở đường đón Chúa trong hành trình sa mạc (14/12/2013)
Chúa đã gọi Người về ! (15/10/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log