Chúa Giêsu đã dùng chính cái xấu, kẻ trộm làm dụ ngôn dạy mọi người hãy tỉnh thức canh chừng:”Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào giờ nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu”. Chúa còn chỉ rõ:”Thật, tôi bảo thật các ông, ai không qua cửa mà vào bầy chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp”(Ga 10,1)
Xem một đoạn Video trên mạng, được một hãng thông tấn lớn của Nhật phát lên một kênh truyền hình,một thanh niên bị cảnh sát bắt vì tình nghi ăn cắp mỹ phẩm trong các hiệu thuốc ở tỉnh Kasawa(VN Express).
Một nữ sinh bị trói và treo bảng”Tôi là người ăn trộm), khiến cộng đồng ngỡ ngàng.
Một thanh niên bị bắt vừa ăn trộm, vừa đốt nhà.
Tên trộm khác, sau khi sử dụng thuốc lắc, đi trộm xe, không kiểm soát được bản thân, Võ Chính, đã bật quẹt châm lửa đốt luôn nhà gia chủ.
Thậm chí tên trộm lẻn vào nhà bị phát hiện, giết luôn chủ nhà.
Một tên trộm siêu hạng khác, nghe như chuyện hài: lẻn vào ngân hàng giả theo như khách hàng giao dịch, rồi ẩn núp trốn ở lại, chờ cho nhân viên tan ca sẽ hành động. Chẳng may, nhân viên bảo vệ đi lục soát, kiểm tra, phát hiện tên trộm chờ lâu mệt mỏi thiếp đi và ngủ say sưa ở một góc khuất. Y đã bị tóm gọn giao cho nhà chức trách xử lý.( xem trên Dân Trí quảng cáo: cập nhật thông tin mới nhất, nhanh nhất và đầy đủ nhất về chủ đề ăn trộm).
Có thể nói, thế gian có bao nhiêu ánh sáng, thì có bấy nhiêu bóng tối, mà có bao nhiêu bóng tối thì có bấy nhiêu kẻ ăn trộm, kiểu cách ăn trộm và bấy nhiêu tội ác kinh hồn.
Tuy nhiên, có những tên trộm trở thành buồn cười, cho người có tiền của mà không đáng cười. Truyện kể rằng:một người ăn trộm hom hem, rách rưới, đến cửa con nhà giàu ăn trộm. Người nhà giàu không cho, lai còn mắng:
-Xéo đi ngay !Rõ trông như người dưới địa ngục mới lên ấy!
- Tên ăn trộm nghe nói vội trả lời:
-Phải, tôi ở dưới địa ngục lên đây !
Người giàu nói:
-Đã xuống địa ngục, sao không ở dưới còn lên đây làm gì cho bẩn mắt?
-Không ở dưới được, nên mới phải lên. Ở dưới ấy các nhà giàu chiếm hết chỗ rồi!
Tới đây, tôi lại nhớ chuyện đã nghe: một tên trộm Thiên Đàng: một hôm Thánh Phêrô đang sắp xếp chỗ cho người được vào Thiên Đàng, bỗng thấy tên lạ mặt vào đây trước hồi nào, ai cho vào?
Tên lạ mặt bình tĩnh không hề cảm xúc, liền trả lời ngắn gọn:
-Thưa Ông Thánh , nghề của con mà!
Thánh Phêrô, vẻ bối rối, lo lắng hỏi gắt:
-Nghề của mi là nghề gì?
-Thưa, ăn trộm.
Thánh Phêrô:
-Bó tay!
Đọc Kinh Thánh,hẳn chúng ta suy nghĩ nhiều về tên trộm lành trộm dữ trên hai cây thập tự hai bên cánh Thánh Giá Chúa Giêsu. Làm sao còn có trộm lành? Vì Thánh Thần ban ánh sáng cho anh nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế sẽ cứu anh ở đời sau.
Trước khi Chúa cho vào Nước Ngài, anh đã thú nhận tội lỗi, nhận tất cả hình phạt để sám hối.Tên trộm dữ vừa thốt ra lời nhục mạ Chúa Giêsu:”Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!”. Nhưng anh trộm lành liền mắng nó:”Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Còn ông này đâu có làm điều gì xấu đâu!”(Lc 23,39-40), rồi anh thưa với Đức Giêsu:”Ông Giêsu ơi, khi Ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi”.
Và Chúa đã cứu anh:
“Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”(Lc 23,43).
Tôi bị tác động mạnh phải nêu lên nhiều chuyện trộm cắp kể cả người xấu lẫn người tốt,bởi một vụ việc trực tiếp liên quan, vừa là chủ nhân , vừa là nạn nhân bị ăn trộm hai Chén Lễ(Chén Thánh) một lúc trong tháng tư tháng năm vừa qua tại nhà thờ Cổ Chiên, châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Giáo phận Vĩnh Long:
Đúng giờ dâng lễ, tôi đi vào phòng áo, không còn cả hai Chén lễ của Cha sở, Cha phó, ngày 28-4, tôi sững sờ, bàng hoàng, kinh ngạc, lấy gì dâng lễ? Sao dám trộm tới Đồ thánh? Còn gì đạo đức thánh thiêng?
Trăm mối tơ vò: lâu nay nhà thờ, nhà xứ, không quen kín cổng cao tường, gần giống “Thời thái bình cửa thường bỏ ngỏ, đêm năm canh an giấc ngáy pho pho!”. Đêm vẫn thường bỏ xe máy ngoài sân, nhà thờ không khóa, hội trường luôn mở, tất cả hệ thống âm thanh nhà thờ, ban nhạc trẻ, không khóa. Cũng vì cái nghèo đeo đẳng, gắn cuộc sống giáo dân miền tây sông nước, vùng sâu, vùng xa, vùng đảo cù lao, không thể xây dựng bảo quản hệ thống đảm bảo an toàn hơn.
Người ăn trộm Chén thánh này lương hay giáo? Lấy làm gì? Làm sao dám bán, bán ai mua? Cũng chẳng có vua chúa, quan quyền, đại gia, tỷ phú,nào dùng nó để uống trà, uống rượu cao sang cung đình bao giờ !
Nhưng điều bất ngờ như “sự lạ” xảy đến: sau một tuần lễ, một chén đã được trả lại trong bọc nhựa, bỏ hàng rào cạnh nhà thờ, do một bà quét rác tình cờ phát hiện, đủ bộ, cả chén và đĩa.Cộng đoàn giáo dân được nghe thông báo cập nhật tin mất và trả, cả nhà thờ gần như nín thở, không một tiếng động.Họ chỉ thầm lặng tạ ơn Chúa, Đức Mẹ.
Lại bất ngờ nối tiếp: Chén lễ sau cũng được trả lại sau hai tuần lễ, trân trọng hơn, bên trong bọc nhựa, bên ngoài là vỏ bao gạo dày hơn, đủ bộ có đĩa; ngoài ra còn cả dây đeo và Thánh giá gỗ nhỏ của các em lễ sinh không ai nghĩ tới, tất cả được gói kỹ đặt trên băng đá trong vườn cây nhà thờ.
Khi thông báo cuối cùng, cả nhà thờ òa lên, vừa sung sướng, vừa sủng sốt đến khó tin. Trong ý lễ hôm đó, Linh mục chủ tế hướng ý cộng đoàn và họ đạo hiệp lễ tạ ơn Chúa, Đức Mẹ và giúp chúng ta suy niệm và học hỏi từ “sự lạ”này:
Sự kiện trên đã trở thành chủ đề giáo lý chung cho giáo dân nhiều buổi và trong các cuộc trao đổi mạn đàm.
Có lẽ bản thân tôi,gần hết cuộc đời Linh mục và rất nhiều thế hệ giáo dân chưa từng nghe và chứng kiến “sự lạ” như trên.
Cảm nhận đầu tiên, hướng về Chúa, Đức Mẹ,và Chúa Thánh Thần đã tác động lạ lùng nơi người ăn trộm hiếm hoi này! Sau,chúng tôi phải ca ngợi những đức tính tốt của họ. Câu hỏi, ai cũng thắc mắc: tại sao họ trả lại? Đã ăn trộm là lén lút, trốn tránh, là kín đáo, tại sao phải trả lại, lỡ bị phát giác hoặc khả nghi, sẽ thiệt thân, phiền toái?…Nơi đây, bốn bề là biển, ao hồ sông nước miền tây, chằng chịt,sao không phi tang, quăng đâu mà chẳng được ?
Nếu người đạo, chắc chắn họ đã ăn năn sám hối; thực hành đức tin bằng hành động thiết thực, cụ thể, hiệu quả? Là người Lương, họ đã nhận biết Chúa, nhận ra hành vi này có lỗi, chạm tới Thánh thiêng, chạm tới Đấng thiêng liêng vô hình, ảnh hưởng lớn trong cuộc sống.
Người trộm lành bên phải Thánh Giá Chúa Giêsu cho ta thấy rõ đức tính trên. điều mới lạ: anh nhận ra Chúa ở đời sau. Đời này, anh chấp nhận hình khổ để đền tội là “đích đáng vì xứng với việc đã làm”(Lc 23,41).
Tôi nghĩ, người trộm chén lễ đây đã khám ra giọt lệ sám hối cao quý nhất nơi Chúa Giêsu.Điển hình kẻ trộm đã trả cả cây Thánh Giá gỗ nhỏ của các em giúp lễ, không có tượng Chúa. Tôi liên tưởng truyện “Nước mắt sám hối” đã nghe kể lâu lắm:
Một tướng cướp muốn trút bỏ tội lỗi đang đè nặng trên lương tâm. Anh tìm đến một linh mục để xưng tội, nhưng vừa nghe xong những lời khuyên thẳng thắn của vị linh mục, anh nổi giận rút gươm chém chết linh mục.Một thời gian sau anh lại cảm thấy hối hận. Và anh cũng tìm đến một linh mục khác, sẵn sàng giải tội cho anh, với việc đền tội là chôn cất tất cả những người chết mà anh biết và khóc thương như người thân. Vị linh mục trao cho anh một chai nhỏ để hứng nước mắt.
Tên cướp ra về cảm thấy thoải mái. Và từ đó mỗi khi có đám tang, anh đến phụ chôn cất, nhưng không thể khóc thương được. Ngày nọ khi chôn xác một người Công giáo trong đất thánh, anh đứng trước cây Thánh Giá Chúa chịu đóng đinh treo trên đó.Anh không cầm lòng được trước cái chết thảm thương chủa Chúa Giêsu. Nước mắt anh chảy tràn ra đầy chai nhỏ vị linh mục đã trao cho anh.Từ đó anh hiểu được thế nào là sám hối và tìm vào sa mạc sống những ngày còn lại !
Linh mục Sơn Đoài