Văn hóa nghệ thuật

Thăm tháp Eiphel

Cập nhật lúc 09:19 13/09/2017
Chúng tôi đi thăm tháp Eiphel trong khung cảnh chiều 31/12 tại Paris để hưởng mùi “Tết tây” lần đầu tiên trong đời.
Quang cảnh Paris nhìn từ tháp Eiphel.
     Khác hẳn với trí tưởng tượng và càng khác hơn so với trong ảnh in, tháp Eiphel khổng lồ không chỉ vắt qua một đường phố mà là cả một quảng trường rộng lớn, cả nhà thờ Chính toà Phát Diệm cũng chỉ nằm gọn trong giữa  bốn chân tháp. Ta hãy hình dung chỉ một chân tháp tiếp đất người ta đã xây trong khoảng không ở đó cả một gian nhà để bán vé và làm cổng lên tháp. Có cả hàng chục ngàn người xếp hàng mua vé để lên tháp. Bốn thang máy liên tục hoạt động. Mỗi thang chứa được 30 người, mặc dù thế cũng không đủ đáp ứng, số người leo bộ mỗi lúc một đông.

     Ở tầng 1 của tháp có cả hành lang vây quanh bốn bên, mỗi hành lang rộng 1,5m chạy dài hàng trăm mét. Bên trong có cả sân trượt băng. Rất nhiều các cửa hàng souvenir (cửa hàng đồ lưu niệm) và cả quán bar có cửa kính vây quanh, có lò sưởi hơi ấm đủ phục vụ hàng trăm người một lúc.

     Từ tầng cao này, dòng sông Seine trở nên bé nhỏ, mềm mại và du khách có thể nhìn được chiều khá dài của con sông lộng lẫy nhất châu Âu, chảy suốt đô thành Paris diễm lệ này. Cũng từ đây,  ta có thể quan sát thấy toà nhà Quốc hội, Dinh thủ tướng Pháp, Viện bảo tàng quân đội nơi mai táng Nopoléon đại đế.

     Chúng tôi tiếp tục đi lên tầng 2, thủ đô Paris tiếp tục được thu nhỏ. Thành phố đã lên điện mặc dù lúc đó mới chỉ là 5h chiều. Gió ở đây bắt đầu thổi mạnh. Ở tầng 2 này vẫn còn không gian rộng lớn: hai cửa hàng souvenir bán đủ mọi mặt hàng thương hiệu Eiphel, phía đối diện là 6 thang máy lên xuống, mỗi thang chứa được khoảng 20 người. Ở đây cũng đông chật người xếp hàng mua vé lên tầng 3 bằng thang máy. Tầng ba này là đỉnh cao 300m của tháp Eiphel. Nơi đây gió thổi rất mạnh, giá buốt. Tuy nhiên tất cả được bao bọc bằng kính. Có hai phòng nhỏ đặt sáu tượng kích thước lớn bằng người thật và như người thật. Đây là tập thể các nhà kiến trúc sư đã thiết kế nên công trình nổi tiếng thế giới là tháp Eiphel này.

     Không chịu ở trong nhà kính, mặc cho gió mạnh và giá buốt, chúng tôi trèo lên đến hết giới hạn. Nhìn từ mặt đất đây chỉ là một điểm chân chóp nhọn Eiphel, thực tế đường kính của nó còn tới hàng chục mét. Nhìn từ độ cao này toàn thủ đô Paris ở dưới chân bạn. Bạn có cảm giác nhìn từ trên máy báy xuống, thành phố là những chùm sáng kế tiếp nhau, sông Seine  là một giải lụa mềm mại rực sáng.

     Việc đi xuống lại đơn giản hơn bao giờ hết, chỉ cần 3 chặng cầu thang máy là xuống tới mặt đất. Cố gắng nhất mà cũng yếu nhất trong đoàn là cha Vũ, dù thế ngài cũng đã trèo lên tới tầng 1, tầng lớn nhất của tháp, chúng tôi sắp xếp để cha ngồi dùng ly caffé trong phòng sưởi chờ đợi. Khi thang máy của chúng tôi xuống đến tầng 2 thì xẩy ra một chuyện rất thú vị: ba cha tham gia cuộc “khẩu chiến” là cha Điện, cha Hải và cha Tư. Các ngài tranh luận thang máy đang ở tầng 1 hay tầng 2. Cha Điện căn cứ chữ ghi tầng 1 (premier) cho rằng đây là tầng cha Vũ ngồi chờ, cha Hải, cha Tư ( 2 bố con linh tông) cho rằng đây là tầng hai vì Tây không tính tầng trệt, do không có trọng tài nên “khẩu chiến” kéo dài tới khi thang máy dừng lại ở tầng 1, cha Điện tin là xuống tới đất nên đi ra kéo theo cha Hải, cha Tư, cha Văn. Khi thầy Được gọi lại thì chỉ có cha Văn kịp vào trước khi cửa thang máy tự động đóng, ba cha trong cuộc khẩu chiến được Chúa quan phòng cho ra “thực mục sở thị” tầng một hay mặt đất! Chính vì vậy khi thang máy vừa xuống tiếp, đoàn chúng tôi không nín được cười và “dịch cười” lây lan ra cả toa, chưa bao giờ chúng tôi được nghe “Tây” cười hỷ hả như vậy, và cười suốt cho tới khi cầu thang chạm đất!
 
Đoàn thăm tháp Eiphel.
Đoàn thăm tháp Eiphel.
     Chúng tôi tập trung ở trung điểm tháp Eiphel theo thoả thuận để dễ tìm nhau khi bị tách đoàn, cho đến khi ba cha đi bộ xuống vẫn chưa hết cười, còn 2 cha con cha cố Hải tạ ơn Chúa vì xuống như vậy mới rõ là cha Điện sai, cha Điện thì vẫn còn thanh minh là tại bảng đề !

     Trời đổ mưa to và chỉ kịp cho chúng tôi chụp vội một kiểu ảnh kỷ niệm trước tháp Eiphel rồi lên xe bus, mới hay từ 18h ngày 31/12/2005 đến 12h ngày 01/01/2006 chính phủ Pháp đài thọ miễn phí các lộ trình xe bus và metro. Điều này chứng tỏ sinh hoạt của Pháp rất cao và Chính phủ kiểm soát được toàn bộ hệ thống phương tiện giao thông.

     Thầy Được chiêu đãi 10 anh em linh mục chúng tôi tại căn phòng sinh viên của ký túc xá. Tết tây nhưng “ăn tết” phong cách Việt Nam: thịt quay, gà phay tẩm dấm, lòng lợn rán, canh hến Việt nam. Thầy Được vất vả chạy lên chạy xuống. Mọi sinh hoạt dành cho một sinh viên nay ra 11 sinh viên, quá tải đến nỗi điện cũng bị ngắt rơ-le. Bữa cơm ăn muộn nhưng ngon miệng. Khi thầy Được đưa 6 cha về nhà MEP và quay về ký túc xá thì đã 23h30, thầy còn phải cắm điện cho nồi cơm nếp chuẩn bị bữa ăn trưa picnic ngày mai vì sáng 01/01 chắc chắn không có cửa hàng hay nhà hàng nào mở cửa cả. Không hiểu tại sao thầy Được nấu cơm nếp đến ba lần mà cơm vẫn bị sống. Cha Năng dí dỏm an ủi thầy: “Cơm sống vào ngày Tết là điềm lành đấy!” Không có hướng đạo, chúng tôi không đến được đại lộ Champs Elisée  đón Giao thừa theo dự định, tuy nhiên chúng tôi không bị bỏ lỡ cơ hội, vì sẽ đến đây vào chiều mai 01/01/2006.

     Lời chào và chúc mừng năm mới vang lên khắp nơi, thời gian vô cùng quý báu. Pháp là nước tận dụng triệt để thời gian trong tất cả phương tiện đi xe, đi bộ, đọc sách báo, không để thời gian chết... dù thế 9h sáng người ta mới bắt đầu làm việc.
 
Lm Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
Nguồn: Báo Người Công giáo Việt Nam
Thông tin khác:
Thăm Ðền Thánh Giuse ở Montréal (12/09/2017)
Đường về Paris (11/09/2017)
Ai muốn theo thầy, phải từ bỏ chính mình (08/09/2017)
Thánh giá có Chúa Giêsu lớn nhất thế giới (07/09/2017)
Ba nhà thờ xây trên cùng một nơi được Đức Mẹ chọn (06/09/2017)
Một bức khảm về Kitô giáo cổ được phát hiện tại Jerusalem (05/09/2017)
Hướng về Trung Lao (05/09/2017)
Nhà thờ Notre  Dame de Paris,Nhà Hội Thừa sai Paris MEP, Vương cung thánh đường Đức Bà Lộ Đức (31/08/2017)
Lòng tin bà vững vàng (30/08/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log