Văn hóa nghệ thuật

Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam con tim của Tổng giáo phận Huế

Cập nhật lúc 09:41 09/03/2018
Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam. Ảnh: Hoàng Hải
Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam. Ảnh: Hoàng Hải
Tọa lạc trên ngọn đồi Phước Quả nằm ở phía Nam sông Hương, gần kinh thành Huế. Trải qua bao thời kỳ bách hại, các linh mục thừa sai đến rao giảng Tin Mừng của Chúa, hạt giống Đức tin được gieo vải từ khá sớm. Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam là ngôi nhà chung của Tổng giáo phận Huế. Nơi đây đã chứng kiến biết bao thăng trầm lịch sử của Giáo hội Việt Nam.

Ngôi nhà thờ Phủ Cam bằng tranh tre lần đầu được dựng lên vào năm 1682 dưới thời linh mục Langlois, tại xóm Đá bên bờ sông An Cựu. Hai năm sau, cha Langlois đã cho triệt bỏ ngôi nhà nguyện và bỏ tiền mua một miếng đất trên ngọn đồi Phước Quả để xây dựng một nhà thờ khác to lớn hơn, kiên cố hơn bằng đá. Trải qua bao thời kỳ bắt đạo, nhà thờ bị đốt cháy nhiều lần, vì thế nhà thờ cũng đã trải qua nhiều lần xây dựng. Cho đến năm 1898, linh mục Allys làm quản xứ đã cho xây lại một ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc La Mã, hoàn thành năm 1902. Đây là ngôi nhà thờ to lớn và đẹp nhất lúc bấy giờ, trận bão năm Thìn 1904 nhiều ngôi đền, chùa chiền bị tàn phá nhưng ngôi nhà thờ Phủ Cam vẫn không bị hư hại gì. Năm 1908, khi linh mục Allys được chọn làm Giám mục giáo phận Huế, thì ngài đã chọn Phủ Cam là giáo xứ Chính tòa. Đến đầu năm 1963, Đức Tổng Giám mục Phêrô Máctinô Ngô Đình Thục cho triệt hạ nhà thờ củ và khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới đồ sộ và đẹp hơn. Đây là ngôi nhà thờ do chính Kiến Trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế, ông là người được giải Khôi nguyên về Kiến trúc tại Rôma. Việc xây dựng nhà thờ bị chậm tiến độ do thời kỳ này là thời kỳ có nhiều biến động của đất nước. Mãi đến năm 1995, về cơ bản mới tạm hoàn thành. Năm 1999, hai tháp chuông nhà thờ mới được xây tiếp và hoàn thành vào năm 2.000 nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập giáo phận Huế, dịp này Đức Tổng Giám mục Têphanô Nguyễn Như Thể đã làm phép và Cung hiến nhà thờ.

Bên cạnh ý nghĩa tôn giáo thì nhà thờ Phủ Cam là một trong số 10 nhà thờ được đánh giá đẹp nhất và có giá trị kiến trúc nên là một địa điểm du lịch của không chỉ du khách trong nước mà cả nước ngoài. Hằng năm, nơi đây đón tiếp hàng chục ngàn tín hữu từ Lào, Thái Lan...và nhiều quốc gia khác đến hành hương. Ngoài ra, những người ngoài Công giáo cũng có thể ghé qua nhà thờ để chụp những bức ảnh kỷ niệm với phong cảnh hữu tình của khuôn viên giáo xứ. Cứ mỗi dịp lễ Giáng sinh, hàng vạn người từ khắp nơi lại đổ về Phủ Cam để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của ngôi thánh đường và lưu lại những hình ảnh khó quên. 
 
Quang cảnh một thánh lễ bên trong nhà thờ chính tòa Phủ Cam. Ảnh: CTV
Quang cảnh một thánh lễ bên trong nhà thờ chính tòa Phủ Cam. Ảnh: CTV

Giáo xứ Phủ Cam là một cộng đoàn có bề dày lịch sử, giáo dân đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm với ngôi thánh đường thân yêu của mình. Họ đã phải nhiều lần ly tán vì những cuộc bắt đạo dưới thời vua Cảnh Thịnh (nhà Tây Sơn) đến các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức. Những tấm gương tử đạo anh dũng của các bậc tiền nhân đã trở thành những câu chuyện mà những người bà, người mẹ kể lại cho con cháu. Vì thế, người giáo dân của giáo xứ Phủ Cam cũng học được sự kiên cường, trung thành với Đức tin từ các bậc tiền nhân.

Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam với gần 6 ngàn tín hữu nhưng số lượng giáo lý sinh lên đến trên 1.200 em và trên 100 giáo lý viên. Nhờ được giáo dục đức tin và đạo đức nhân bản ngay từ còn nhỏ nên giáo dân Phủ Cam có một truyền thống vững vàng về Đức tin, biết yêu thương giúp đỡ người nghèo khổ bệnh tật, ý thức chấp hành luật pháp và luôn tiên phong trong việc giữ gìn an ninh trật tự phố phường. Giáo xứ Phủ Cam có một Ban Chung sự Hiếu đạo gồm 6 phiên với trên 400 chung sự viên. Ngoài ra còn có thêm phiên 7 chuyên giúp đỡ các gia đình khó khăn khi gặp tang sự. Ban Chung sự Hiếu đạo còn là lực lượng chính lo việc giữ gìn trật tự và an ninh trong những cuộc đại lễ của giáo phận và các kỳ Hành hương Đức Mẹ La vang. 

Nhà thờ Chính tòa Phủ Cam là trung tâm của Tổng giáo phận Huế, là trái tim của Giáo phận, lời của Đức nguyên Tổng Giám mục Huế Têphanô Nguyễn Như Thể đã nhận xét.

TRƯƠNG CAO MINH TRÍ
Thông tin khác:
Hai bảo tàng đặc sắc ở thành phố Hồ Chí Minh (09/03/2018)
Chiến thắng mọi cơn cám dỗ (07/03/2018)
Nghê theo hình thức biểu hiện (06/03/2018)
Đèo Hải Vân và Đèo Cả (06/03/2018)
Chuyện về nhà thờ Đức Bà Sài Gòn (05/03/2018)
Bệnh của anh biến khỏi (02/03/2018)
Nhà cổ Bình Thuỷ (27/02/2018)
Thú sưu tầm cổ vật (27/02/2018)
Mỹ tục chơi mai xuân (26/02/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log