Văn hóa nghệ thuật

Gốm Bát Tràng thăng trầm theo dòng lịch sử

Cập nhật lúc 10:51 23/04/2019
Theo tài liệu để lại ba làng gốm cổ Thổ Hà, Phù Lãng và Bát Tràng được coi là xuất hiện đồng thời vào cuối thế kỷ XIII, nhưng tại sao đến nay nghề gốm Thổ Hà đã biến mất gần như hoàn toàn, nghề gốm Phù Lãng thì đang trong cơn chuyển mình trong nền kinh tế thị trường toàn cầu hóa, nhưng nghề gốm Bát Tràng thì không ngừng phát triển trong hàng thế kỷ qua cho đến tận ngày nay.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Ảnh: CTV Ảnh: CTV
Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Dư địa chí của Nguyễn Trãi, làng gốm Bát Tràng được hình thành từ thời Lý. Ảnh: CTV Ảnh: CTV
Vấn đề thăng trầm của nghề gốm liên quan trực tiếp đến sự phát triển của kinh tế, xã hội và phần nào phụ thuộc vào trình độ công nghệ và tập quán tiêu dùng. Khi đồ thủy tinh, đồ nhôm, sắt tráng men còn hiếm và nhất là chưa có đồ nhựa thì chum, vò, chậu sành,..vv trở nên cần thiết nên gốm Thổ Hà và gốm Phù Lãng phát triển mạnh, sau này bị mai một vì có nhiều dụng cụ tiện dụng hơn. Gốm Phù Lãng muốn tồn tại đã chuyển sang làm gốm mỹ nghệ. Hơn nữa do vị trí địa lý không thuận lợi giao thương với bên ngoài nên nghề gốm hai làng trên kém chuyển đổi mẫu mã cho hợp thị hiếu thời đại. Riêng làng gốm Bát Tràng do nằm gần kinh kỳ, giao lưu trong nước và quốc tế phát triển nên nghề gốm cũng không ngừng chuyển đổi, học hỏi để phát triển cho kịp thời đại. Sau đây chúng ta điểm lại quá trình phát triển của làng gốm Bát Tràng trong mấy thế kỷ qua.
 
Gốm sứ Bát Tràng mang nét đẹp cổ xưa. Ảnh: Mạnh Thắng Ảnh: CTV
Gốm sứ Bát Tràng mang nét đẹp cổ xưa. Ảnh: Mạnh Thắng Ảnh: CTV
Về mẫu mã gốm Bát Tràng cũng rất đa dạng theo mục đích sử dụng, từ đồ gốm gia dụng bao gồm các loại đĩa, chậu hoa, âu, thạp, ang, bát, chén, khay trà, ấm, điếu, nậm rượu, bình vôi, bình, lọ, choé và hũ đến đồ gốm dùng làm đồ thờ cúng như các loại chân đèn, chân nến, lư hương, đỉnh, đài thờ, mâm gốm đến đồ trang trí bao gồm mô hình nhà, long đình, các loại tượng như tượng nghê, tượng ngựa, tượng Di Lặc, tượng Kim Cương, tượng hổ, tượng voi, tượng người ba đầu, tượng đầu khỉ mình rắn và tượng rồng vv. Gốm Bát Tràng được chế tạo bằng tay trên bàn xoay, trạm trổ công phu, xương gốm dầy, chắc, khỏe có độ bền cao. Họa tiết hoa văn tráng men tươi tắn mãi với thời gian.

Khác với gốm Thổ Hà không tráng men, gốm Phù Lãng chỉ dùng men da lươn các màu nâu theo các sắc độ khác nhau thì gốm Bát Tràng không ngừng phát triển đa dạng các loại men theo thời gian. 

Từ khi ra đời vào cuối thế kỷ XIII đến thế kỷ XIV có lẽ dòng gốm men nâu là chủ đạo gọi là men nâu Lý-Trần. Qua khảo cổ và các đồ vật còn lại từ thế kỷ XIV đến XV cho thấy trang trí trên gốm Bát Tràng có khắc chìm, tô men nâu thời Lý-Trần còn xuất hiện men lam, hình trang trí vẽ phóng khoáng bằng bút lông lên gốm sau đó được phủ bằng lớp men trắng trong để tăng độ bóng của sản phẩm. Đề tài trang trí còn giới hạn trong các đồ án hoa lá. 

Đến thế kỷ XVI cùng với việc xuất hiện những chân đèn, lư hương có kích thước lớn hơn, kỹ thuật trang trí chạm nổi kết hợp vẽ men lam sắc xanh đen đạt đến trình độ tinh xảo. Đề tài trang trí phổ biến có các loại: rồng, phượng, xen kẽ cụm mây, ngựa có cánh, hoạt cảnh người, cánh sen đứng, hoa dây, lá đề, phong cảnh sơn thuỷ... Trang trí vẽ men lam xuất hiện cùng thời với gốm Chu Đậu, (Hải Dương). Theo các tài liệu thì men rạn chỉ được sản xuất tại lò gốm Bát Tràng từ khoảng cuối thế kỷ XVI và kéo dài tới đầu thế kỷ XX. Thời kỳ này rồng được đắp nổi hoặc để mộc như trên đồ gốm thời Nguyên (Trung Quốc) hay vẽ men lam, rồng có đôi cánh mọc ra từ chân trước, cong như cánh bướm. Rồng cùng với phượng mở ra cấu trúc trang trí rồng bay phượng múa.

Sang thế kỷ XVII kỹ thuật chạm khắc, đắp nổi trên gốm Bát Tràng tinh xảo gần gũi với chạm đá và gỗ. Đề tài trang trí xuất hiện thêm bộ tứ linh, hổ phù, nghê, hạc... Những đề tài chạm nổi, để mộc điển hình khác như bông cúc hình ô van, bông hoa tám cánh, bông cúc tròn, cánh hoa hình lá đề, cánh sen vuông, các chữ vạn, thọ. Thời kỳ này men lam thưa dần nhường chỗ cho giòng gốm men rạn và xuất hiện gốm nhiều màu, nổi trội nhất là màu xanh rêu và xuất hiện men trắng ngà với nhiều sắc độ khác nhau còn truyền đến các thế kỷ sau này. Đề tài rồng vẫn giữ nhiều nét tương đồng rồng thế kỷ XVI, nhưng thân rồng vẽ thành bốn khúc không đều nhau, mở ra một kiểu rồng mới bố cục theo chiều ngang, dáng ngắn, thân uốn hình cánh cung, tay trước nắm râu. Rồng chạm nổi có thân nhỏ và đều có những dải mấy lửa nhọn mũi mác. Nửa sau thế kỷ XVII xuất hiện dáng rồng gần giống với điêu khắc gỗ, đuôi rồng từ bên trái trườn qua bên phải, đầu quay vào giữa, mặt rồng chính diện, tay trước nắm râu. Xung quanh rồng có nhiều dải mây vẽ men lam. Một kiểu rồng nữa được thể hiện trên lư hương đuôi vút lên trên, chống trên hai chân trước, đầu vươn lên, toàn bộ hình có dáng chữ nhật.

Sang thế kỷ XVIII trang trí chạm nổi gần như chiếm chủ đạo thay thế hẳn trang trí vẽ men lam. Các kỹ thuật đúc nổi, dán ghép, chạm khắc kết hợp với men trắng xám và men rạn. Đề tài trang trí ngoài bộ tứ linh, rồng, nghê còn có cỏ cây hoa lá. Ngoài đề tài sen, trúc, chim và hoa lá còn có hoa văn bát quái vv. Hoa văn thường có đường diềm mềm mại. Con rồng trang trí có thân dài, đắp nổi theo dạng phù điêu, đầu nghiêng, hai mắt lồi, sừng và râu cong, bờm rậm, vây nhọn, vẩy rắn, xung quanh có những dải mây nổi hình ba ngọn lửa. Thời gian sau xuất hiện ổ rồng gồm một rồng mẹ và 6 rồng con, xen kẽ các dải mây hình khánh. Rồng toàn thân được thể hiện trên bình con voi, lư hương hoặc trên bao kiếm thờ. Trên những chiếc đỉnh thấy có đầu rồng đắp nổi chính diện, hai chân trước dang rộng, mũi hẹp, mắt lồi, miệng ngậm vòng tròn hay chữ thọ kiểu triện.

Đến thế kỷ XIX gốm hoa lam Bát Tràng phục hồi dần và phát triển phong cách kết hợp sử dụng nhiều loại men trang trí. Bên cạnh các đề tài đã có, trên gốm Bát Tràng còn xuất hiện thêm các đề tài du nhập từ nước ngoài theo các điển tích Trung Quốc như: Ngư ông đắc lợi, Tô Vũ chăn dê, Bát tiên quá Hải, Ngư ông kéo lưới vv. Hình trang trí men lam được phủ men rạn, đặc trưng của thời kỳ này là trang trí sắc trầm, đến cuối thế kỷ XIX màu sắc men tươi hơn. Để tài rồng lại được thể hiện theo phong cách tượng tròn với thân ngắn, mình tròn, miệng rộng, mũi cao, vây cá, vẩy tròn và được trang trí theo kiểu đắp nổi hoặc vẽ men lam men nhiều màu phủ men rạn trắng ngà trên đỉnh, lư hương vv. Ngoài ra, còn có đầu rồng với mặt nhìn chính diện, hai chân xoè ngang nắm hai dải mây, miệng ngậm ngọc.



Gốm Bát Tràng nhiều trường hợp có minh văn, chúng được viết trên gốm bằng cách khắc chìm hay viết bằng men lam sau phủ men trắng. Một số minh văn cho biết rõ năm sản xuất, họ tên quê quán tác giả chế tạo cùng họ tên, có khi là cả chức tước của người đặt hàng. Không có tài liệu nào đề cập đến người viết minh văn, nhưng nhiều khả năng do các thày đồ hoặc người biết chữ được thuê viết, vì nét chữ trên các minh văn khá rắn rỏi thể hiện chữ của người được học hành tử tế. Có thể nói không có chuyện thợ gốm viết minh văn, vì thời đó xã hội không coi trọng người lao động chân tay nên không có chuyện người được học hành đi làm nghề gốm. Sau đây là một ví dụ về minh văn khắc phần dưới chân đèn từ thế kỷ XV có ghi: Thuận An phủ, Gia Lâm huyện, Bát Tràng xã tín thí Hoàng Ly thê Nguyễn Thị Bảo. Trên đai tô nâu giữa phần dưới chân đèn có viết bằng men sáu chữ Hán: Thời Trung xã, Hoàng Phúc tạo. Và còn rất nhiều sản phẩm có ghi minh văn, những sản phẩm này một số đang được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một số tại các bảo tàng nước ngoài, một số tại các nhà sưu tầm đồ cổ, trong dân gian hoặc chưa được phát hiện.

Sang thế kỷ XX nghề gốm Bát Tràng có phần sa sút do chiến tranh, do nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung vv. Nhưng rất may từ khi khai mở nền kinh tế thị trường nghề gốm Bát Tràng dần dần được khôi phục trở lại. Ngày nay có các thế hệ nghệ nhân được đào tạo bài bản nặng lòng với nghề gốm của cha ông đã tái tạo lại được nhiều sản phẩm cổ và các dòng men cổ đã thất truyền, nghề gốm Bát Tràng lại khởi sắc. Sản phẩm của gốm Bát Tràng ngày nay đa dạng, phong phú đáp ứng được mọi nhu cầu của người dùng và có thể cạnh tranh được với gốm sứ Trung Hoa.

NGUYỄN VĂN TRUNG
Thông tin khác:
Chúa Giêsu sống lại (23/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: Rừng bạt phong (22/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: cây cần thăng (22/04/2019)
Đừng phạm tội từ nay (19/04/2019)
Vài cảm nhận về tác phẩm Tùng hóa Hạc của Kimura (Nhật Bản) (18/04/2019)
Vại Hương Canh - chum Thanh Hóa (18/04/2019)
Họa sĩ Đông Dương là ai? (10/04/2019)
Chúa nhân từ tha thứ (10/04/2019)
Cây hoa giấy (04/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log