Với cây hoa giấy này, ta thấy: Thân cây thẳng và nhỏ với một đoạn xiêu rất cứng, không có u bướu gì đặc biệt. Nếu chỉ xét thân cây thì nó quá tầm thường không có gì đáng nói nhất là loài cây hoa giấy bán mộc bán thảo, không thuộc loại cây quí. Cái khéo của chủ nhân là đã tạo hình cho tất cả các cành, nhánh cây đều buông dài xuống có khi gần sát gốc như kiểu cành liễu, làm cho cái thân khô cứng trở nên mềm mại, duyên dáng hơn. Tuy làm theo kiểu cành liệu nhưng lại thể hiện sự khỏe khoắn, dứt khoát chứ không thướt tha “liễu yếu đào tơ” nhờ những đường gấp khúc khoảng 900 uyển chuyển qua lại suốt theo chiều dài của từng cành nhánh theo kiểu chữ “Triện”. Ý tưởng nghệ thuật này không mới so với cây cảnh cổ Trung Quốc nhưng nó khá mới đối với Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam. Nó như thổi một luồng nghệ thuật mới vào cái biển cây cảnh mênh mông chỉ toàn 3, 5, 7 cành chuyển nhịp, cân đối hoặc có một cành phóng hay một cành buông như ở hầu hết các Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam hiện nay.
Mọi thành tựu đều bắt nguồn từ ý tưởng. Dù là ý tưởng nghệ thuật của nước ngoài nếu ta học tập vận dụng sáng tạo để làm giàu cho ý tưởng Cây cảnh nghệ thuật Việt Nam lúc này đã trở nên bức bách, nếu chúng ta không muốn trở thành những người tiếp tục dậm chân tại chỗ trong nghệ thuật.
Ở đây, cây được đặt trên một bệ đá tuy sắp xếp có phần hợp lý song không thoát khỏi kiểu “cây ngồi trên đá” mà hiện nay đang rộ lên như một “mốt” nhưng lại thiếu tính nghệ thuật. Lẽ ra phải làm sao tạo được cảm giác là cây mọc từ các kẽ hoặc các hốc đá như nó vốn sinh ra như thế thì mới thật tự nhiên và kỳ thú, có thể mới tránh được cảm giác giả tạo và đạt được thẩm mĩ nghệ thuật.
Từ một cây tưởng như quá bình thường (cây hoa giấy) nhờ sự sáng tạo nghệ thuật ở bộ cánh mà trở thành một tác phẩm khá hấp dẫn.
---------------
* Chuyên gia cao cấp Trung ương Hội Sinh vật cảnh Việt Nam.