Văn hóa nghệ thuật

Bức tranh “CHÚA GIÁNG SINH” của Lê Phổ

Cập nhật lúc 14:48 25/12/2019
Là một người ngoài Kitô giáo, trong khối tài sản tranh vẽ đồ sộ của họa sĩ Lê Phổ không biết có bao nhiêu bức về Công giáo, nhưng trong thời gian gần đây công chúng mới hân hạnh tiếp cận được 2 họa phẩm với đề tài Giáng sinh, trong số các tranh được trưng bày tại Christie’s và Sotheby’s, hai nơi bán đấu giá nổi tiếng nhất tại Singapore và Hồng Kông:
Bức tranh “CHÚA GIÁNG SINH” của Lê Phổ
Bức tranh “CHÚA GIÁNG SINH” của Lê Phổ
I. ĐÔI NÉT TIỂU SỬ HỌA SĨ LÊ PHỔ

Lê Phổ sinh ngày 2/8/1907 tại Hà Đông, con ông Lê Hoàn, kinh sứ Bắc Kỳ thời vua Hàm Nghi. Tuổi thơ ông không hạnh phúc vì mồ côi mẹ lúc 3 tuổi và cha khi lên 8, nên phải về ở với anh và chị dâu. Lê Phổ theo học khóa đầu tiên (1925-1930) trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do ông Victor Tardieu làm Hiệu trưởng, trong khi với 400 người dự thi, chỉ trúng tuyển 7, sau đó 2 người bỏ học dở dang, kết thúc chỉ có 5 người tốt nghiệp, trong đó Lê Phổ được đánh giá là họa sĩ xuất sắc.

Lê Phổ một năm sau khi ra trường đã làm phụ tá cho Victor Tardieu qua Pháp dự hội chợ đấu xảo thuộc địa,và năm 1932, ông được học bổng qua Pháp học tiếp tại trường Mỹ thuật Paris, trong thời gian này, ông đã đi một vòng châu Âu tiếp xúc với nền hội họa Phục hưng ở Ý.

Năm 1933, họa sĩ Lê Phổ trở về Hà Nội giảng dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật, để rồi tới đầu năm 1935, ông có dịp sang Bắc Kinh tìm hiểu hội họa đời Tống, đời Minh. Cuối năm về nước ông được mời vào Huế họa chân dung cho vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương cùng tham gia vẽ tranh trang trí nội cung của Hoàng thành Huế.

Lê Phổ sang Pháp năm 1936 phụ trách gian hàng Đông Dương trong cuộc triển lãm quốc tế, tại đây ông thực sự bị lôi cuốn trước vẻ đẹp của kinh thành ánh sáng Paris và các trường phái nghệ thuật đa dạng nơi này, nên xin định cư ở lại.

Từ đó ông chuyên chú vào công việc sáng tác và tồ chức những cuộc triển lãm cá nhân tại Pháp và Hoa Kỳ. Năm 1941 ông cộng tác với họa sĩ Mai Trung Thứ tổ chức tại Alger, phòng tranh bán hết, tiếng tăm ngày càng nở rộ, được các Gallery chú ý. Tuy nhiên trong khi sáng tác, ông cũng nhận ra và cho rằng các chất liệu tranh lụa có nhược điểm không chỉ về khuôn khổ mà về chất liệu màu sắc chưa bộc lộ hết ý của tác giả muốn thể hiện, đó là lý do ông chuyển sang vẽ tranh sơn dầu, cùng với quan niệm: “Tôi vẽ làm sao cho người ta thích và treo lên tường. Với tôi, vẽ là hành hương vào nội tâm. Vẽ là giữ một trái chín, Con đường dài lắm...” bởi vậy trong các họa sĩ Việt Nam, chưa có người nào như Lê Phổ để lại một gia tài nhiều tác phẩm lên tới hàng ngàn bức, vừa có giá trị về nghệ thuật cũng như kinh tế cao, nên nhiều người vẫn xưng tụng gọi Lê Phổ là: “Danh họa Việt Nam trên đất Pháp”.

Năm 1946, ông thành hôn với Paulette Vaux, ký giả báo Time và Life. Bà cho biết về chồng mình: “Tính tình trầm lặng, sống nội tâm, mắt luôn nhìn xa vắng, ít nói, giọng thanh cao và luôn mặc những bộ quần áo là phẳng phiu”. Ông bà có hai con trai: Lê Kim - nhiếp ảnh gia và Lê Tân - họa sĩ về trang trí.

Mặc dầu Lê Phổ ra đi về thế giới bên kia đã gần 20 năm (2001), nhưng hiện tại tác phẩm của ông vẫn dẫn đầu danh sách các họa sĩ có tranh mà giới sưu tầm ưa thích. nên họ đã thường trả giá rất cao khi tham gia đấu giá.

II. TRANH LÊ PHỔ TRONG NỀN MỸ THUẬT CÔNG GIÁO VIỆT NAM

Là một người ngoài Kitô giáo, trong khối tài sản tranh vẽ đồ sộ của họa sĩ Lê Phổ không biết có bao nhiêu bức về Công giáo, nhưng trong thời gian gần đây công chúng mới hân hạnh tiếp cận được 2 họa phẩm với đề tài Giáng sinh, trong số các tranh được trưng bày tại Christie’s và Sotheby’s, hai nơi bán đấu giá nổi tiếng nhất tại Singapore và Hồng Kông:

1. Tác phẩm “Chúa Giáng sinh”vẽ bằng mực và bột màu trên lụa, kích cỡ 58cm x 44cm, thực hiện vào năm 1941 với hình ảnh Đức Mẹ Maria quỳ gối trong tư thế khiêm cung phong cách bình dị, hai tay chắp trên cao, mắt ngó xuống âu yếm nhìn con, đầu vấn khăn trắng, mặc quần lãnh trắng, áo dài vải mềm mại màu vàng trứng chanh (jaune citron) màu mà tác giả rất ưa thích vì “là sự tươi mát của thị giác”. Sau lưng Đức Mẹ còn khoác hờ chiếc áo khoác hai mặt đen xanh từ vai xuống phủ hết đôi bàn chân. Riêng Chúa Hài Đồng ngây thơ một tay cho lên miệng, tay còn lại nắm lấy mảnh tã lót cuốn ngang bụng, đặt nằm lọt thỏm trong cái thúng đan bằng tre. Bên cạnh đó con trâu thò đầu vào ăn rơm khô rải chuồng, mắt mở to chăm chú nhìn Chúa Hài Nhi. Toàn cảnh sau lưng Mẹ Maria tranh lộ ra bức vách trét đất bị lở giơ cả nan tre ra, cũng như vườn rau, hàng rào dậu nứa đan mắt cáo, nhốt đàn gà mẹ con đang bới đất tìm mồi, dưới gốc cây hoa đào trổ bông màu trắng hồng rực rỡ.

Bức tranh thật sinh động, màu sắc hài hòa, diễn tả quang cảnh nơi thôn quê “Chúa Giáng sinh” tuy nghèo nàn nhưng thật là êm ấm an vui thái bình.Vào năm 2015 đã được nhà đấu giá Christie’s ở Hồng Kông ra giá khởi điểm 1 triệu đô la HồngKông (tương đương 360.000 USD theo báo SGGP Xuân Mậu Tuất 2018 trang 40).

2. Tác phẩm “Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng” tranh vẽ trên lụa, có kích cỡ 55.1cm x 46cm.Với nét bút thanh tao nhẹ nhàng, họa sĩ Lê Phổ đã trình bày gương mặt Đức Mẹ hiền hậu, choàng trên đầu tầm khăn voan mỏng kéo xuống thắt nơ dưới cằm,âu yếm bế Chúa Hài Đồng có hai thiên thần nhỏ quỳ hai bên, tay Chúa Hài Đồng nâng trái đào lên Đức Mẹ. Bức tranh diễn tả tình mẫu tử với tất cả nét thanh khiết dịu hiền theo phong cách Việt Nam.

Tháng 4/2008 tại nhà đấu giá Christie’s, bức “Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng” đã thuộc về tay tư nhân với giá 309.192 USD (Cỏ Thơm số 50 tháng 3/2010 trang 106). Tranh Lê Phổ đã được các nhà sưu tầm Việt Nam và cả trên thế giới ham thích đánh giá cao mến chuộng ưu ái nhất.

Trong dịp đầu năm 2019 vào thăm nhà Truyền thống Tổng giáo phận Sài Gòn - Tp. Hồ Chí Minh, nơi phòng mỹ thuật tôi thấy có bức tranh “Motherhood - Làm mẹ” và một bản phác thảo nữa của Lê Phổ, được trưng bày cho khách tham quan. Thật là quý, đáng trân trọng gìn giữ biết bao.

III. LÒNG YÊU QUÊ HƯƠNG ĐƯỢC TỎ BÀY 

Danh họa Lê Phổ trước đây được liệt kê trong nhóm Tứ Kiệt của nền hội họa Việt Nam: Phổ (Lê Phổ) - Thứ (Mai Trung Thứ) - Lựu (Lê Thị Lựu) - Đàm (Vũ Cao Đàm).Thời gian sau này, giới am tường hội họa còn ca tụng Lê Phổ là “Họa sĩ bậc thầy Việt Nam và thế giới” với nhiều tác phẩm sáng giá. Và là một trong những người đã lót viên gạch đầu tiên cho nền hội họa Việt Nam.

Tuy thành danh trên bước đường sự nghiệp nhưng tâm hồn ông luôn nghĩ tới nơi quê cha đất tổ đã sinh ra mình, vì kể từ năm 1936 họa sĩ Lê Phổ sang Pháp và từ đó ông lập gia đình, làm ăn sinh sống nơi đất khách quê người, thấm thoát thời gian qua mau tuổi già lại đến mà vẫn chưa một lần về lại quê hương, trong một dịp gặp thân hữu vào năm 1993 ông đã bày tỏ tâm sự: “Tôi ở Pháp 60 năm nay, tôi mang quốc tịch Pháp, nhưng không lúc nào tôi không nhớ đến quê hương. Vì thế tôi đã để riêng ra 20 - 30 bức tranh lựa chọn rất cẩn thận để biếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”. Việc này cũng được Lê Phổ xác nhận với ông Thụy Khuê trong một cuộc gặp gỡ: “Có, tôi đã dặn kỹ nhà tôi, nếu tôi mất đi, nhà tôi sẽ gửi cho Viện Bảo tàng Hà Nội khoảng 20 -30 bức” (Hợp Lưu số 10 tháng 5/1993). Với ý nguyện tốt đẹp này, đã nói lên tình cảm sâu đậm mà ông muốn dành cho quê hương xứ sở.

Danh họa Lê Phổ qua đời vào ngày12/12/2001 tại Paris, Pháp, hưởng thọ 94 tuổi. Ông mất đi nhưng danh tiếng vẫn được người đời ca tụng là “cây đại thụ” của lớp người khai phá mở đường cho nền hội họa Việt Nam ngang hàng với thế giới, và còn để lại một gia tài gồm những bức tranh hiếm quý qua nét vẽ độc đáo, màu sắc hấp dẫn làm lay động lòng người thưởng ngoạn.
 
Vinhsơn Vũ Đình Đường
Thông tin khác:
Nhạc phẩm hào hùng (18/12/2019)
Đền thờ Thánh Mộ sẽ đẹp hơn sau các đợt trùng tu (17/12/2019)
Nhà thờ Ka Đơn - Linh hồn Churu giữa núi rừng Lâm Viên (16/12/2019)
Đức Giêsu là cứu Chúa (11/12/2019)
Kiệt tác của họa sĩ phục hưng treo trên lò nướng (29/11/2019)
Thành và Lũy (29/11/2019)
Cảnh báo cơn hồng thủy (28/11/2019)
Bảo tàng Quang Trung dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc (27/11/2019)
Triển lãm tranh ký họa nét thời gian (27/11/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log