Văn hóa nghệ thuật

Nhà thờ Bethlehem - Di sản văn hóa thế giới tại Palestine

Cập nhật lúc 13:11 27/12/2019
Nhà thờ Bethlehem - Di sản văn hóa thế giới tại Palestine
Nhà thờ Bethlehem - Di sản văn hóa thế giới tại Palestine
Lịch sử nhà thờ Bethlehem

Theo Kinh Thánh, thánh Giuse và Mẹ Maria phải đến Giêrusalem theo lệnh của vua Hêrôdê để kiểm tra dân số. Trên đường đi, Mẹ Maria chuyển dạ nhưng vì không thể kiếm được nhà trọ, đành phải tá túc trong một chuồng gia súc và Mẹ đã sinh hạ Chúa Giêsu tại đây.

Thánh tích này được chứng thực bởi một nhà biện giáo - Thánh Justin Martyr (100 - 165) và được ghi lại trong cuốn “Cuộc đối thoại với Trypho” về việc gia đình Thánh gia đã trú ngụ tại một hang động bên ngoài thị trấn. “Ngày đó, thánh Giuse đã dựng chòi tại giữa hang đá gần ngôi làng và trong lúc họ ở đó, Mẹ Maria đã hạ sinh Chúa Giêsu, đặt Ngài trong một máng cỏ, các nhà chiêm tinh đến từ Ả Rập đã tìm thấy Ngài” (chương LXXVIII). Tuy rằng trong Kinh Thánh không nói chính xác việc Chúa Giêsu được sinh ra trong hang đá hay không nhưng cũng có những bằng chứng khá hợp lý để xác thực việc này: vào thời đó những ngôi nhà ở đây thường xây ở phía trước một hang đá. Hang này dùng để làm kho và chuồng ngựa.

Vào năm 326, thánh nữ Helena, mẹ của hoàng đế Costantine I đã cho xây dựng nhà thờ lần đầu tiên tại nơi này dưới sự giám sát của Đức Giám mục Makarios của Giêrusalem, công trình khánh thành vào tháng 5/339, gồm có một sàn nhà hình bát giác và đặt trực tiếp lên phía trên hang động. Thánh Jeroma - dịch giả Thánh Kinh sang tiếng Latinh đã sống và làm việc tại Bethlehem từ năm 384 và sau đó ông được chôn ngay bên dưới nhà thờ Chúa Giáng sinh. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ bị phá hủy vào năm 529 trong cuộc nổi loạn của người Samari, sau đó được xây cất lại và tồn tại cho đến ngày nay vào năm 565 bởi hoàng đế Justinian đệ nhất. Khi người Ba Tư dưới đế chế của vua Chosroes II xâm chiếm năm 614, họ không phá hủy. Theo truyền thuyết, tướng chỉ huy Shahrbaraz của họ đã nhìn thấy hình ảnh 3 nhà chiêm tinh trong trang phục của người Ba Tư nên đã ra lệnh giữ lại nhà thờ này.

Quân Thập tự đã tiếp quản Giêrusalem vào ngày 6/6/1009, vua Baldwin I và II đã được tấn phong tại đây. Người Franks và Byzantines đã cùng hợp tác với nhau để trùng tu lại nội thất bên trong nhà thờ (1165 - 1169). Những dòng chữ khắc theo tiếng Hy Lạp trong điện thờ đã ghi lại sự kiện này. Trải qua thời gian, công trình ngày càng được mở rộng cho đến ngày hôm nay với trên 12.000 m2.

Nhà thờ Chúa Giáng sinh bị hư hại nặng trong giai đoạn đế chế Mamluk và Ottoman cai trị nhưng nó không bị phá hủy. Phần lớn đá cẩm thạch của nhà thờ đã bị người Ottaman cướp đi và trang hoàng tại Núi Đền ở Giêrusalem. Trận động đất vào năm 1834 và hỏa hoạn vào năm 1869 đã phá hủy toàn bộ vật dụng trong hang đá nhưng kỳ diệu thay nhà thờ lại được cứu thoát.

Năm 1847, vụ trộm cắp ngôi sao bạc - nơi ghi dấu ấn Chúa Giáng sinh đã trở thành nhân tố khiến xảy ra cuộc xung đột khắp vùng Đất Thánh và dẫn đến cuộc chiến tranh vùng Crimea (1854 - 1856).

Năm 1852, việc coi sóc nhà thờ đã được chia sẻ cho ba bên: Giáo hội Rôma, Chính thống giáo và Cơ đốc. Chính thống giáo quản lý phần Hang Chúa Giáng sinh.

Kiến trúc nhà thờ

Khối kiến trúc thực chất chính là sự kết hợp của 2 nhà thờ với 1 ngôi hầm bên dưới - Hang Chúa Giáng sinh.

Phần chính của ngôi nhà thờ Chúa Giáng sinh do Chính thống giáo tại Ixraen quản lý. Nó được thiết kế theo kiểu nhà thờ La Mã, với 5 gian (theo dạng cột Corinth - Hy Lạp) và một nơi cầu nguyện ở cuối phía đông, chỗ thờ phượng. Nhà thờ đặc trưng bởi những bức trang trí khảm vàng bao quanh các bức tường, tuy nhiên phần lớn đều đã bị hư hại. Lối vào nhà thờ là một chiếc cổng rất thấp, được gọi là “Cánh cửa khiêm nhường”. Sở dĩ cánh cổng có thiết kế như vậy để tránh sự chú ý trong giai đoạn chiến tranh. Nhìn từ bên ngoài không có vẻ giống như một nhà thờ nên nó mới có thể tồn tại cho đến ngày nay. Cánh cửa này cũng giúp cho khách hành hương ý thức được tinh thần đơn sơ, khó nghèo của Đức Giêsu – Người đã sinh ra ở một nơi tối tăm, tầm thường để cứu độ nhân loại. Mặt sàn được trang trí theo phong cách La Mã thuần túy, nhưng có một cửa sập trên sàn được mở ra để lộ phần nguyên thủy của sàn nhà. Nhà thờ cũng có vô số bức bình phong dát vàng, và một dãy những chiếc đèn đủ kiểu dọc lối vào. Những thanh xà gỗ do đức vua Edward IV của Vương quốc Anh tài trợ. Cũng chính ông đã cung cấp mái che bằng chì cho nhà thờ. Tuy nhiên, phần mái che này đã bị lấy đi bởi đế quốc Ottoman để nấu chảy và đúc thành vũ khí sử dụng cho cuộc chiến chống lại Venice.

Ngôi nhà thờ kế bên của thánh Catherine, thuộc Giáo hội Rôma, được xây dựng theo phong cách Phục hưng khá hiện đại. Đây là nơi tổ chức lễ vọng Giáng sinh hàng năm.

Bên trong Bức phù điêu về “Phả hệ của Đức Giêsu” là một tác phẩm được thực hiện bởi một nhà điêu khắc tôn giáo nổi tiếng – Czestaw Dzwigaj được đặt trong nhà thờ thánh Catherine là món quà của Đức Giáo hoàng Bênêdictô XVI trong chuyến viếng thăm Đất thánh của ngài vào năm 2009. Tác phẩm cao khoảng 3.75m đến 4m, phần chính là một cây oliu với những nhánh cây mô tả gia phả của Chúa Giêsu khởi đầu từ Abraham đến thánh Giuse theo đúng lịch sử Thánh Kinh. Tiếp theo những bước chân của đoàn người hành hương dẫn ta đến Hang Chúa Giáng sinh, bức phù điêu kết hợp những nét đặc trưng của Cựu Ước. Phần phía trên thể hiện hình ảnh Chúa Cứu Thế giang rộng vòng tay che chở thế giới.

Hang đá Chúa Giáng sinh là một hang động nằm bên dưới ngôi nhà thờ, là nơi mà Chúa Giêsu sinh ra. Địa điểm chính xác được ghi dấu bằng một ngôi sao bạc 14 cánh đặt ngay trên sàn đá cẩm thạch, phía trên là 15 ngọn đèn (6 cái của Chính Thống giáo, 5 cái của Cơ đốc giáo, 4 cái của Giáo hội Rôma). Nơi này mang màu sắc trung lập dù cũng bị ảnh hưởng 1 phần bởi đạo Cơ đốc. Một bàn thờ khác trong hang, do Giáo hội Rôma quản lý, tương truyền là nơi Mẹ Maria đã đặt Hài nhi trong máng cỏ.

Bên cạnh đó cũng có khá nhiều nhà nguyện nhỏ xung quanh, như nhà nguyện thánh Giuse, nơi kỷ niệm việc hiện ra của sứ thần với thánh Giuse để hướng dẫn Ngài trốn sang Ai Cập; nhà nguyện Vô Tội, tưởng nhớ những trẻ sơ sinh bị vua Hêrôđê giết hại và nhà nguyện thánh Jeroma, là người đã dịch Kinh Thánh sang tiếng Latinh.

Quảng trường Máng Cỏ là một khoảng sân lớn phía trước nhà thờ là nơi giáo dân tụ họp hát mừng Chúa Giáng sinh.

Các công tác bảo tồn nhà thờ Bethlehem

Ngay từ năm 2008, nhà thờ Bethlehem đã được Quý Di tích thế giới xếp vào danh sách 1 trong 100 điểm di tích có nguy cơ bị xâm hại, mất vĩnh viễn.

Trải qua quá trình lịch sử dài hàng nghin năm, hiện nay nhà thờ Bethlehem thực sự đứng trước nguy cơ mất vĩnh viễn. Nhiều phần kiến trúc của nhà thờ đã xuống cấp nghiêm trọng, mục nát hoàn toàn. Vậy nhưng việc trùng tư nhà thờ rất khó khăn thứ nhất là do thiếu kinh phí bởi theo Chính quyền Palestine thì để trùng tu nhà thờ sẽ tốn hàng triệu USD. Ngoài ra để trùng tu nhà thờ cần có sự đồng ý và thống nhất của cả 3 bên là Giáo hội Rôma; Chính thống giáo và Cơ đốc giáo.

Suốt hàng trăm năm nay, nhà thờ Bethlem vẫn là một điểm hành hương quan trọng nhất đối với những tín hữu Công giáo. Những năm gần đây, nhà thờ ngày càng được biết đến rộng rãi và hàng năm rất đông du khách kể cả những người không theo Công giáo vẫn tìm đến đây để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vùng Đất thánh cũng như vẻ đẹp của kiến trúc nhà thờ Bethlehem.

KHTV
Thông tin khác:
Thánh tích máng cỏ được gửi tặng Bêlem (25/12/2019)
Bức tranh “CHÚA GIÁNG SINH” của Lê Phổ (25/12/2019)
Nhạc phẩm hào hùng (18/12/2019)
Đền thờ Thánh Mộ sẽ đẹp hơn sau các đợt trùng tu (17/12/2019)
Nhà thờ Ka Đơn - Linh hồn Churu giữa núi rừng Lâm Viên (16/12/2019)
Đức Giêsu là cứu Chúa (11/12/2019)
Kiệt tác của họa sĩ phục hưng treo trên lò nướng (29/11/2019)
Thành và Lũy (29/11/2019)
Cảnh báo cơn hồng thủy (28/11/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log