Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc. Ảnh: Hoàng Hải |
Cột cờ quốc gia Lũng Cú nằm ở đỉnh Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi Đài vọng cảnh cực Bắc nước ta, cao 1.470 m so với mực nước biển. Cột cờ hình bát giác có độ cao 30m được khánh thành ngày 25/9/2010. Dưới chân cột cờ là núi non trùng điệp xen kẽ những khoảng ruộng bậc thang tạo nên một vẻ đẹp đặc trưng của vùng Tây Bắc. Cách đây nghìn năm, nhà Lý đã xây cột cờ tại đây, ban đầu chỉ bằng cây sa mộc. Năm 1887, thời Pháp thuộc, cột cờ được xây bằng gạch. Đặc biệt, năm 2002, Nhà nước ta xây dựng lại cột cờ với kích thước đang có, cao khoảng 20m, chân và bệ cột có hình lục lăng và dưới chân cột là 6 phù điêu họa tiết bề mặt trống đồng Đông Sơn. Trên đỉnh cột là cán cờ cao 9m cắm Quốc kỳ dài 9m, rộng 6m, diện tích 54m², tượng trưng cho 54 dân tộc cùng chung sống trên đất nước Việt Nam. 2 đường lên đỉnh núi nơi có cột cờ và từ chân cột xờ xuống núi đều có bậc đá bằng nhau (839 bậc). Sát chân cột cờ là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang.
Cao nguyên đá Đồng Văn rộng 2.356,8km vuông, cao trung bình 1.400 - 1.600m, nằm trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Ngày 3/10/2010, Cao nguyên đá Đồng Văn được Hội đồng tư vấn Mạng lưới địa chất toàn cầu của UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Đặc biệt là UNESCO đánh giá rất cao về bản sắc văn hóa của các dân tộc sống trên cao nguyên đá Đồng Văn. Nhiều mẫu hóa thạch của các loài được tìm thấy ở đây có tuổi từ 400 - 600 triệu năm. Cao nguyên đá Đồng Văn cũng là nơi có nhiều di tích danh lam thắng cảnh quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng v.v. Tỉnh Hà Giang đang thực hiện việc cắm biển di tích và nâng cao năng lực cộng đồng các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của các dân tộc vùng cao, những chủ nhân của di sản thế giới.